Năm 2023, tròn 30 năm Trường ĐH Mở Hà Nội được thành lập. Thế nhưng, khoảng 50% diện tích sàn phục vụ đào tạo của trường phải liên kết hoặc thuê mướn. Hiện trường này có nhiều cơ sở đào tạo nằm rải rác ở Hà Nội.
30 năm vẫn thuê mướn cơ sở đào tạo
Theo báo cáo ba công khai năm học 2023-2024 (lần 1) của Trường ĐH Mở Hà Nội, trường có tổng diện tích đất hơn 55.000m2, trong đó sở hữu chỉ chưa tới 1.500m2. Đây là diện tích thuộc trụ sở chính của trường, phần còn lại là thuê hơn 53.000m2.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Ngọc Anh – giám đốc Trung tâm truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Mở Hà Nội – cho biết do có sự hiểu chưa đúng về sở hữu nên báo cáo của trường gây hiểu lầm. Trường đã đính chính thông tin công khai cơ sở vật chất. Trong đó, trường sở hữu toàn bộ hơn 55.000m2 này bao gồm trụ sở chính và cơ sở tại Hưng Yên.
Mặc dù vậy, trường này vẫn phải thuê mướn nhiều cơ sở khác nhau để đào tạo. Trong tổng số hơn 45.000m2 diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo, chỉ có hơn 21.000m2 thuộc sở hữu của trường, hơn 50% diện tích sàn còn lại là liên kết hoặc thuê.
Ở phía Nam, Trường ĐH Mở TP.HCM cũng trong tình cảnh tương tự. 30 năm thành lập, trường chỉ sở hữu 9.034m2 diện tích sàn phục vụ đào tạo trong tổng diện tích 57.695m2. Số diện tích còn lại là liên kết (gần 33.000m2) và thuê (hơn 15.500m2).
Đáng chú ý là diện tích đất của trường rất nhỏ. Tính đến năm học 2023-2024, tổng diện tích đất của trường là 454.029m2 nhưng phần đất trường sở hữu chỉ có 2.484m2. Như vậy, phần đất sở hữu chỉ chiếm trên 0,5% trong tổng diện tích đất hiện có mà trường kê khai, phần còn lại là đất trường liên kết và thuê.
Việc thuê địa điểm đào tạo khiến trường bị động khi chủ khu đất có sự thay đổi. Điều này dẫn đến hệ lụy trường phải dời địa điểm thuê từ quận Gò Vấp về huyện Nhà Bè năm 2023 khiến sinh viên phản ứng dữ dội.
Nhiều trường đại học khác tuy cũng có đất nhưng diện tích nhỏ, phải thuê mướn thêm nhiều cơ sở bên ngoài để tổ chức đào tạo. Trong đó, Trường ĐH Công Thương TP.HCM phải thuê nhiều địa điểm quanh trường để đào tạo. Trường có tổng diện tích đất 188.106m2. Đáng chú ý trong số này đã bao gồm 153.529m2 đất tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Địa điểm này cách trụ sở trường khoảng 150km.
Đây là khu đất được Bộ Công Thương cấp cho trường nhưng do khoảng cách quá xa nên hầu như trường không có hoạt động đào tạo nào ở đây. Để đáp ứng đủ nơi đào tạo, trường thuê ba địa điểm tại quận Tân Phú và huyện Bình Chánh làm cơ sở đào tạo. Diện tích đất/sinh viên đạt 12,2m2 và diện tích sàn đạt 3,2m2/sinh viên.
Tương tự, một số trường đại học khác tuy đã xây dựng cơ sở khang trang nhưng vẫn phải thuê mướn địa điểm bên ngoài làm cơ sở đào tạo. Trong đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thuê năm địa điểm, liên kết hai địa điểm. Tuy nhiên, diện tích đất/sinh viên cũng chỉ đạt 9,96m2 và diện tích sàn đạt 3,04m2/sinh viên.
Bài toán khó
Nói về diện tích đất theo chuẩn đại học, ông Thái Doãn Thanh – phó hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP.HCM – cho biết hiện nay khoảng 90% trường đại học tại Việt Nam không đạt chuẩn tiêu chí này, tuy nhiên vẫn còn thời gian để các trường xoay xở mở rộng cơ sở đào tạo.
Dự kiến một đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương là Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu (trụ sở tại quận 1, TP.HCM) sẽ sáp nhập vào Trường ĐH Công Thương TP.HCM. Trường sẽ có thêm diện tích đất và diện tích sàn phục vụ đào tạo. Dẫu vậy, theo ông Thanh, với quy mô khoảng 20.000 sinh viên, trường cần đến 50 hecta đất nữa mới đáp ứng được chuẩn.
“Cơ sở tại Trà Vinh có diện tích đất lớn nhưng xa, chủ yếu làm trung tâm nghiên cứu, thực nghiệm chứ trường không tổ chức đào tạo gì ở đây. Trong bối cảnh đó, trường phải thuê địa điểm để đào tạo.
Định hướng của trường là tìm cách chuyển dịch, mở rộng cơ sở đào tạo chứ đâu thể nào thuê mãi được. Với diện tích đất còn thiếu lớn như vậy, đây là bài toán rất khó. Nhà nước và cơ quan quản lý phải có cơ chế hỗ trợ các trường may ra mới đạt được” – ông Thanh nói thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Anh – Trường ĐH Mở Hà Nội – cho biết hiện nay TP Hà Nội có chủ trương giao gần 30 hecta cho một số trường đại học tại huyện Chương Mỹ, trong đó có Trường ĐH Mở Hà Nội.
“Cơ sở ở Hưng Yên của trường chủ yếu tổ chức học quốc phòng an ninh. Trường cũng mong muốn có một cơ sở đủ lớn để sinh viên học tập. Trong điều kiện chưa có, trường thuê các địa điểm bên ngoài tổ chức đào tạo. Để thuận lợi cho sinh viên, trường bố trí một số ngành có liên quan học chung tại một địa điểm” – ông Anh cho biết thêm.
Không chỉ các trường đại học thành lập chưa lâu, ngay cả nhiều đại học lâu đời cũng chưa đạt chuẩn về diện tích đất. Hầu hết các trường đại học hiện có diện tích đất/sinh viên đều dưới chuẩn, trường đại học chật chội, tù túng.
Một giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết cảm thấy không gian của trường không đúng tính chất của trường đại học. “Trong khuôn viên chính của nhà trường, đập ngay vào mắt là hai tòa nhà của hai trường THPT chuyên và Nguyễn Tất Thành. Vào trường thì học sinh tập thể dục khắp khuôn viên, nhiều hơn sinh viên. Giảng viên thì chen lấn với học sinh để xe. Điều này diễn ra nhiều năm nhưng càng ngày càng tăng mức độ” – giảng viên này nói.
Để có đất đã khó, đất sạch cho giáo dục với quy mô lớn còn khó hơn. Đó là chưa kể chi phí cho đất đai và xây dựng lớn, các trường khó có thể kham nổi. Vay ngân hàng cũng là giải pháp nhưng các chi phí phát sinh lớn và phần này có thể bị đẩy lên vai người học, tạo thêm gánh nặng khi học phí tăng cao.
Trường lâu đời cũng đau đầu vì đất
Ngay cả ĐH Bách khoa Hà Nội, trường lâu đời và có khuôn viên lớn nhất nhì Hà Nội, cũng chưa đạt chuẩn về diện tích đất/sinh viên. Các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM như Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Kinh tế – Luật, Trường ĐH Quốc tế vốn có khuôn viên lớn nhưng cũng chưa đạt chuẩn diện tích đất.
Gánh nặng cho sinh viên
Ông Lê Trường Tùng – chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH FPT – nêu ví dụ các khoản chi phí khi các trường thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Đất tính rẻ 20 triệu đồng/m2. Tính ra tiền đất cho mỗi sinh viên là 20 triệu đồng x 25m2 (chuẩn diện tích đất mỗi sinh viên) bằng 500 triệu đồng.
Giả sử vay ngân hàng mua đất, với lãi suất 10%/năm, khi đó lãi trả cho ngân hàng mỗi sinh viên là 50 triệu đồng/năm. Học phí nếu thu 50 triệu đồng/năm thì vừa đủ để trả lãi tiền đất cho ngân hàng.
Theo chuẩn, tỉ lệ sinh viên/giảng viên là 40. Lương giảng viên 400 triệu đồng/năm, mỗi sinh viên gánh thêm 10 triệu nữa. Diện tích sàn xây dựng 2,8m2/ sinh viên, chi phí xây dựng khoảng hơn 10 triệu đồng/m2, tổng 30 triệu đồng. Như vậy, chi phí ba khoản (đất, xây dựng và giảng viên) là 63 triệu/năm/sinh viên.