Ở đó, cậu bạn thạc sĩ chuyên ngành tài chính ấy không chỉ kinh doanh mà biến thành điểm đến giới thiệu về văn hóa và trà Việt Nam với du khách tham quan. Danh cười:
– Với người Việt mình, trà không còn quá xa lạ, nếu không muốn nói là rất phổ biến. Tôi gắn bó với trà từ khi còn rất nhỏ trong sinh hoạt gia đình nên có thói quen uống trà hằng ngày, trà đá chẳng hạn.
Có cơ hội đến nhiều vùng trà cả nước, các khu vực miền núi nơi lưu giữ dấu tích của cây trà và lịch sử trà Việt Nam, tôi biết ơn và trân trọng truyền thống văn hóa của cha ông. Tôi muốn làm gì đó góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp về trà.
TRẦN CÔNG DANH
Nhân duyên với trà
* Từng đi Tây học, còn khá trẻ mà Danh lại chọn trà làm bầu bạn, có vẻ hơi bất ngờ nhỉ?
– Người không từng biết chắc sẽ bất ngờ. Vì trà đã là một phần nên dù ở đâu tôi vẫn mang theo bao ký ức về trà bên mình. Dần theo thời gian cùng những trải nghiệm, tôi khám phá nhiều hơn về thế giới trà, tận hưởng khoảnh khắc thư giãn khi uống trà nên chủ động chọn trà để vui thú trong cuộc sống.
Trà là thức uống lâu đời và phổ biến trên thế giới nên dù ở bất cứ nền văn hóa nào cũng đều có những sinh hoạt, hình thức uống trà. Một số quốc gia phương Tây, văn hóa uống trà của họ rất độc đáo, không kém phần nổi tiếng như trà chiều của Anh, trà quý tộc của Pháp… Cá nhân tôi tự ý thức rằng mình đến với trà như bước vào một thế giới văn hóa rộng lớn chứ không bó buộc trong giới hạn hay phạm vi tuổi tác nào.
* Nhân duyên nào đưa bạn đến với trà?
– Thực ra trà đã đi vào tiềm thức của tôi từ hồi bé xíu. Nhưng câu chuyện tình cờ là tôi bắt gặp một quán trà của người Việt trong thời gian học ở Pháp từ khoảng chục năm trước. Quán đó có tên Salon thé de Mademoiselle Thi (Quán trà của cô Thi).
Một cậu sinh viên xa quê hương, gia đình lần đầu đặt chân vào quán mà nghe như có sự gần gũi đặc biệt, từ không gian, con người đến cả hương vị đặc trưng của trà xanh, trà lài, trà sen… Tôi vẫn tìm tới mỗi lần thèm cảm giác quê nhà.
Qua những lần như vậy, tôi chạm đến gần hơn thế giới trà, bắt đầu tìm tòi, hiểu biết hơn về hương vị, nguồn gốc, cách thưởng trà của người Việt được lưu giữ khi sống xa quê.
Tôi vẫn giữ thói quen uống trà sau khi về nước, rồi tìm được những người cùng sở thích thông qua các hội nhóm, nhất là gặp nhiều người lớn và quý trà sư có nhiều kiến thức, kinh nghiệm về trà. Nhờ đó, tôi củng cố thêm niềm yêu thích và nâng dần thành trải nghiệm văn hóa quý báu.
Lưu giữ nét văn hóa đẹp
* Bạn thấy mình được hay mất gì khi bầu bạn với trà thời gian qua?
– Cũng hơi tốn tiền, tốn thời gian, một số loại trà đắt lắm nhé (cười). Nói vui vậy chứ tôi không nghĩ mình mất gì. Có lẽ hơi khác những thú vui khác khi uống trà hướng đến sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần, phần nào cải thiện sức khỏe với thức uống có nguồn gốc tự nhiên như trà.
Với cá nhân, trà giúp tôi hướng đến đời sống tinh thần an lạc. Mở rộng hơn, tôi thấy mình có thêm lĩnh vực hoạt động, nhiều cơ hội để kết nối trong cộng đồng.
Thế nên không phải ngẫu nhiên mà tôi gầy dựng Chi hội kết nối di sản văn hóa trà Việt (thuộc Hội Di sản văn hóa TP.HCM).
Để lan tỏa tinh thần này, chúng tôi có slogan “Tea connect Us” (tạm dịch: Trà kết nối chúng ta).
Quan trọng là tôi được làm điều mình thích. Trà Sử quán như cách tôi đang cố gắng góp phần nhỏ theo góc nhìn của mình để gìn giữ, lan tỏa một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, niềm tự hào dân tộc. Tôi kỳ vọng văn hóa trà Việt Nam sẽ định hình rõ nét trên bản đồ trải nghiệm văn hóa của các du khách đến Việt Nam.
* Người ta vẫn nghĩ uống trà như một thói quen của người già, chí ít cũng để chiêm nghiệm cuộc sống, vui thú điền viên, chi hội trưởng chi hội trà thuộc Hội Di sản văn hóa TP.HCM có nghĩ vậy?
– Vốn dĩ như vậy vì đúng là đa phần người ta tìm đến trà lúc ở một độ tuổi nhất định. Uống trà cần sự tĩnh lặng, có chút thời gian nên dường như ít phù hợp với giới trẻ quen sống vội vã hiện nay.
Nhưng trà xuất hiện từ mọi hoạt động của người Việt từ ngàn xưa khi “chén trà mở đầu câu chuyện” trong các sự kiện gặp gỡ, hội họp gia đình, sinh hoạt làng xã cho đến lễ Tết, hiếu hỷ của đời người.
Trà với người Việt ngay từ đầu là thức uống để giao lưu chia sẻ nên có lý gì cứ phải khép trà vào loại thức uống chỉ dành cho người già hay chỉ dùng trong khoảnh khắc riêng tư. Tôi thấy trà có sức lan tỏa lớn.
Một mình cũng uống, tĩnh lặng cũng uống, mà khi cần giao lưu kết nối, trà hoàn toàn có thể trở thành chất xúc tác cho những cuộc gặp.
Uống trà để sống chậm
Danh nói cốt lõi của việc uống trà đó là sự chậm rãi, tĩnh lặng. Điều này cũng đúng thôi vì làm sao vội được, từ việc chờ nước sôi đến thao tác tráng ấm, rửa bình, rồi còn đợi cho trà ra nữa.
Mà trà khi uống nóng mới đủ hương và vị đặc trưng nên cần phải pha trà chứ không thể làm sẵn. “Bạn sẽ cần thời gian, sự chăm chút cho việc này nên vô tình sự ép buộc đó trở thành khoảnh khắc quý giá để bản thân được lắng đọng, tập trung và được sống chậm” – Danh bộc bạch.
Cuộc hẹn “bữa nào đi uống trà”, tại sao không!
Từ tìm hiểu, trải nghiệm của mình, Trần Công Danh nói trà có rất nhiều loại với đủ hương vị khác nhau chứ không chỉ mỗi vị đắng chát khó uống như loại trà đậm mà nhiều bạn thường nghe. Do vậy, chỉ cần quan tâm và thích, mỗi bạn cứ yên tâm rằng mình hoàn toàn có thể tìm được loại trà ưa thích của bản thân.
Trà là sự kết nối thú vị, xuất phát chính trong sinh hoạt văn hóa trà dân gian Việt Nam nên cùng với “trà đạo”, “trà thiền”, ông chủ trẻ Trà Sử quán còn khởi xướng phong cách “trà vui”. “Tôi hy vọng không xa thói quen hẹn hò trong giới trẻ thay vì vốn quen thuộc “bữa nào đi cà phê” sẽ có thêm “bữa nào đi uống trà”. Chắc chắn sẽ có nhiều chia sẻ, tâm tình quanh chén trà đấy” – Danh cười.