Tối 27/3, ông Hoàng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra trận mưa to kèm gió lốc nhiều giờ liên tục khiến gần 160 ngôi nhà của người dân bị tốc mái.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, dông lốc xảy ra chủ yếu tại các xã Hồng Trị, Cô Ba, Khánh Xuân, Bảo Toàn, Thượng Hà và Cốc Pàng. Ngoài ra, bốn điểm trường và một trung tâm y tế tại xã Cốc Pàng và Thượng Hà cũng bị ảnh hưởng. Ước tính thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.
“Ngay sau khi nhận tin báo từ địa phương, UBND huyện Bảo Lạc đã chỉ đạo các xã có thiệt hại thành lập các tổ đi kiểm tra thực tế, tổng hợp, thống kê thiệt hại”, ông Cương thông tin.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, đến tối cùng ngày, các địa phương đã khắc phục cơ bản các mái nhà bị hư hỏng, ổn định cuộc sống người dân.
Tại huyện Bảo Lâm, mưa to, gió đã làm 17 ngôi nhà và điểm trường Tiểu học xóm Phia Liểng, Nhà văn hóa xóm Nà Nhuồm ở xã Nam Cao bị tốc mái. Điểm trường Mầm non xóm Nà Nhuồm ở xã Nam Cao bị đổ tường sau, chiều dài khoảng 12m.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hôm nay, khu vực các tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Cao Bằng có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến 20-50mm, có nơi trên 70mm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện: Vị Xuyên, Quang Bình, TP Hà Giang, Yên Minh, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Mèo Vạc (Hà Giang). Si Ma Cai, Bát Xát, thị xã Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Bảo Lạc, Bảo Lâm (Lâm Đồng).
Theo cảnh báo của các chuyên gia khí tượng, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.
Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất…
Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn.