Việc Mỹ bỏ phiếu trắng sau nhiều lần bỏ phiếu chống với các nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ở Gaza của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) liệu có làm chuyển hướng quan hệ với đồng minh Israel?
Cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 25/3 về nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza. (Nguồn: AP) |
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 25/3 lần đầu tiên thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza. Kết quả đạt được với lá phiếu trắng của Mỹ và 14 phiếu thuận tại HĐBA.
Đáp trả điều này, Israel đã hủy chuyến thăm tới Washington của phái đoàn cấp cao theo kế hoạch trước đó. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cáo buộc Mỹ chối bỏ “quan điểm trên nguyên tắc” khi cho phép bỏ phiếu thông qua mà không đặt điều kiện ngừng bắn đổi lấy việc thả các con tin do Hamas bắt giữ. Đây được coi là va chạm công khai mạnh mẽ nhất giữa hai đồng minh kể từ khi xung đột ở Dải Gaza khởi phát.
Dấu hiệu đổi hướng
Theo AP, quyết định bỏ phiếu trắng của Mỹ được đưa ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Netanyahu về việc Israel tiến hành các hoạt động quân sự ở Dải Gaza kéo theo đó là số thương vong dân sự cao và số lượng hỗ trợ nhân đạo hạn chế đến khu vực này.
Bên cạnh đó, Mỹ và Israel cũng bất đồng về việc ông Netanyahu từ chối thành lập một nhà nước Palestine, cùng với đó là tình trạng bạo lực của người định cư Do Thái chống lại người Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng và việc mở rộng các khu định cư ở đó.
Giải thích về động thái này, AFP dẫn nguồn phía Washington nhấn mạnh rằng tấm phiếu trắng sau rất nhiều lần bỏ phiếu với các nghị quyết tương tự của HĐBA, không phải là sự thay đổi trong chính sách, mặc dù nó thể hiện sự cứng rắn hơn trong lập trường của Mỹ với Israel trong suốt những tuần vừa qua.
Trong khi đó, The Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, họ đã nói rõ với các đồng nghiệp Israel của mình trong các cuộc thảo luận liên tiếp hồi cuối tuần qua về khả năng họ sẽ bỏ phiếu trắng, thay vì phủ quyết, đối với một nghị quyết của HĐBA nhằm kêu gọi ngừng bắn, vì vậy họ rất thất vọng trước phản ứng của Israel.
Trước đó, tờ Le Figaro đã đăng bài phân tích về việc Mỹ thay đổi quan điểm ủng hộ Israel tại LHQ. Theo bài báo, Mỹ muốn ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài tại khu vực này, nơi Lực lượng Phòng vệ Israle (IDF) đã chiến đấu với Hamas kể từ cuộc tấn công ngày 7/10/2023.
Bài báo cho rằng, mối quan hệ giữa ông Biden và ông Netanyahu đang làm xấu đi tình đoàn kết giữa người Mỹ gốc Israel kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Sự chuyển hướng sau 6 tháng chiến tranh ở Dải Gaza có nguy cơ phá vỡ mối quan hệ truyền thống và sự ủng hộ của Washington đối với nhà nước Do Thái tại các tổ chức quốc tế.
Tại Hội đồng Bảo an LHQ, các nhà ngoại giao Mỹ đã làm việc suốt một tháng để đưa ra một nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, trước việc phải đối mặt với nguy cơ xảy ra nạn đói ảnh hưởng đến phần lớn trong số 2,4 triệu cư dân bị mắc kẹt do giao tranh giữa IDF và Hamas. Sự thay đổi này mang tính lịch sử và triệt để.
Trước đó, kể từ cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10/2023, phái đoàn Mỹ tại LHQ luôn từ chối việc đề cập thuật ngữ “ngừng bắn” và cảnh báo phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào về điều này. Lý do đưa ra là Israel được quyền tự vệ chính đáng sau những hành động dã man của phiến quân Hồi giáo Palestine chống lại dân thường.
Tuy nhiên, quan điểm này đã có dấu hiệu đổi hướng trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình al-Hadath hôm 20/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết dự thảo nghị quyết của HĐBA kêu gọi “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, liên quan việc thả các con tin” vẫn đang bị Hamas giam giữ ở Gaza.
Ông Blinken nêu rõ: “Chúng tôi rất hy vọng các nước sẽ ủng hộ nghị quyết này. Tất nhiên, chúng tôi ủng hộ Israel và quyền tự vệ của họ… nhưng đồng thời chúng tôi bắt buộc phải tập trung vào dân thường, những người đang gặp nguy hiểm và đang phải chịu đựng tột cùng đau khổ”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas, ngày 18/10/2023, tại Tel Aviv, Israel. (Nguồn: Reuters) |
Bất đồng dâng cao
Việc nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Gaza được thông qua với phiếu trắng của Mỹ vừa qua dường như đã biến những rạn nứt đang ngày càng lớn giữa ông Biden và ông Netanyahu trở thành một hố sâu công khai.
Phía Mỹ vội vàng khẳng định rằng, không có sự thay đổi chính sách nào của nước này, các kế hoạch của Israel về chiến dịch Rafah sẽ không xảy ra trong mọi trường hợp, các cuộc đàm phán về việc thả con tin sẽ tiếp tục và mong đợi các cuộc đối thoại trong tương lai với Netanyahu và chính phủ của ông.
Trong khi đó, ông Netanyahu đã ra tuyên bố cho rằng, Mỹ đã “từ bỏ chính sách của mình tại Liên hợp quốc”, đồng thời đánh giá đây là “sự khác biệt rõ ràng với quan điểm truyền thống của Mỹ”.
Vài giờ sau cuộc bỏ phiếu, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby đã tìm cách xoa dịu căng thẳng song phương khi cho biết Mỹ sẽ tiếp tục “hỗ trợ Israel” và thúc đẩy việc trả tự do cho tất cả con tin do Hamas bắt giữ. Tuy nhiên, ông cho rằng, quyết định hủy chuyến thăm của phái đoàn của Thủ tướng Netanyahu là đáng thất vọng.
Trong chuyến thăm Mỹ đã bị hủy, phái đoàn Israel dự kiến sẽ trình bày với các quan chức Nhà Trắng về kế hoạch tấn công trên bộ vào Rafah, một thành phố ở biên giới Ai Cập thuộc phía Nam Gaza, nơi hơn 1 triệu thường dân Palestine đã phải chạy lánh nạn.
Tuần trước, ông Blinken đã cảnh báo rằng, Israel có thể sớm phải đối mặt với sự cô lập quốc tế ngày càng tăng, trong khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng nhấn mạnh Israel có thể sớm phải đối mặt với những hậu quả chưa xác định nếu tiến hành cuộc tấn công trên bộ.
Ông Frank Lowenstein, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, người từng giúp dẫn dắt các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine vào năm 2014, chỉ ra 3 yếu tố chính có thể dẫn đến sự thay đổi của Washington. Một là, những bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Israel về cuộc tấn công quy mô lớn vào Rafah, nơi có hơn một triệu người Gaza tìm nơi trú ẩn. Hai là, tình hình nhân đạo thảm khốc. Ba là, những thông báo của Israel về các khu định cư mới trong khi Ngoại trưởng Antony Blinken thăm đất nước này hôm 22/3.
Ông Lowenstein lập luận: “Ông Biden đã làm mọi thứ có thể trong nhiều tháng để tránh một cuộc chiến lớn nổ ra. Điều đó phản ánh một sự thay đổi rất nghiêm túc trong quan điểm của Nhà Trắng về cách định hướng người Israel trong suốt phần còn lại của cuộc chiến này. Người Israel hoặc bây giờ sẽ phải chú ý hoặc chúng tôi có thể sẽ tiếp tục đi theo hướng như vậy”.
Trong khi đó, bà Mara Rudman, người từng là đặc phái viên Trung Đông trong thời chính quyền Obama, cho rằng mặc dù mối quan hệ Mỹ-Israel cơ bản có thể vượt qua được những bất đồng mới nhất này, nhưng quan hệ cá nhân giữa ông Biden và ông Netanyahu có thể “đặc biệt căng thẳng”.
“Các mối quan hệ địa chính trị, cũng như các mối quan hệ cá nhân, đều trải qua những giai đoạn khó khăn, ngay cả trong những cuộc hôn nhân ấm áp nhất. Mỹ và Israel hiện đang rơi vào tình trạng đó”, bà Mara Rudman nhấn mạnh.