Một nhà máy ở Langfang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đang bổ sung thêm ý nghĩa mới cho thuật ngữ “những trái tim tan vỡ”. Vào các buổi sáng trong ngày, sàn nhà ở đây xếp đầy những bức ảnh các cặp đôi đang tươi cười trong ngày cưới hay một dịp lãng mạn nào đó. Nhưng sau đó, từng bức ảnh một, sẽ được phun sơn đen và đưa vào máy hủy tài liệu công nghiệp, bị nghiền nát thành những mảnh nhỏ và sau đó được sử dụng để tạo ra điện.
Hôm nay, những bức ảnh đã được sắp xếp thành 25 chồng, mỗi chồng đều có thời điểm dự kiến tiêu hủy. Trong mỗi chồng này có thể có những cuốn album ảnh dày như cuốn từ điển, một chiếc hộp sắt đỏ chứa đầy những bức ảnh bị xé nát, một tấm băng rôn lớn có khắc tên cô dâu, chú rể cùng với hình vẽ trái tim và dòng chữ “Chào mừng đến với lễ cưới của chúng tôi”.
Liu Wei – ông chủ công ty – bắt đầu triển khai dịch vụ nghiền nhỏ các kỷ vật tình yêu vào mùa xuân năm ngoái sau khi một người bạn đồng ý cho anh sử dụng nhà máy và máy móc của mình, vốn trước đây được sử dụng để tiêu hủy tài liệu, phụ tùng ô tô và thực phẩm hết hạn cho các doanh nghiệp.
Liu Wei cho biết yêu cầu cắt nát ảnh cưới chiếm 80% công việc kinh doanh của anh.
Hầu hết các bức ảnh đều có kích thước lớn, là loại thường được treo trên tường, có khung kim loại hoặc khung gỗ. Một số có chiều cao bằng người thật. Một số bức ảnh trông như chụp đã lâu nhưng hầu hết đều là ảnh mới, chụp các cặp đôi nắm tay nhau trên cầu thang xoắn ốc trong các lâu đài kiểu châu Âu, ngồi trên chiếc ghế thêu họa tiết phượng rồng hay đứng dưới gốc dừa trên những bãi biển nhiệt đới.
Ngoài ra còn có các album ảnh ghi lại các giai đoạn, dấu mốc của một cuộc hôn nhân hạnh phúc: Ngày cưới, mang thai, sinh con, con chập chững biết đi… Tuy nhiên, những ký ức từng được nâng niu này giờ chỉ còn là đống rác nằm chờ được nghiền nhỏ.
Quá trình băm nhỏ những kỷ vật này bằng chiếc máy tiêu huỷ khổng lồ đương nhiên đóng vai trò như một hình thức xoa dịu những khách hàng đang vật lộn với những cảm xúc mạnh mẽ hậu chia tay. Nhiều bức ảnh gửi đến nhà máy cho thấy dấu hiệu rõ ràng về nỗ lực tiêu hủy chúng trước đó của chủ sở hữu. Trong một số bức ảnh, khuôn mặt của người đàn ông đã bị bôi đen, trầy xước nhiều lần hoặc viết nguệch ngoạc bằng hình vẽ con rùa – một hình thức xúc phạm.
Loại ảnh cưới làm bằng chất liệu acrylic vốn được các cặp đôi Trung Quốc vô cùng ưa chuộng vì độ bền của nó. Loại ảnh cưới này không bắt lửa, không thể cắt bằng dao và không bị vỡ ngay cả khi có ai đó dẫm lên. Nhiều chiếc còn được đóng khung bằng những tấm kính lớn, không thể cho vào máy hủy tài liệu vì có thể tạo ra những mảnh kính gây nguy hiểm.
Đối tác kinh doanh của Liu, Yang, từng bị một mảnh thủy tinh bay vào trán khi nghiền ảnh của khách, để lại một vết rách sâu. Kể từ đó, nhà máy đã xử lý những bức ảnh khung kính bằng cách đặt chúng vào những chiếc hộp bìa cứng và dùng búa tạ đập vỡ.
Liu chia sẻ: “Với những bức ảnh lớn như thế này, bạn không thể mang chúng ra ngoài và bỏ vào thùng rác của khu phố. Nhiều người đàn ông có thể không quan tâm, nhưng phụ nữ chắc chắn sẽ quan tâm. Đặc biệt là ở những thị trấn nhỏ, người ta sẽ buôn chuyện”.
Ở nông thôn, người dân có thói quen nhặt những đồ vật không dùng đến để tái sử dụng cho việc sửa chữa nhà cửa. Được làm từ những vật liệu chắc chắn như vậy, ảnh cưới của bạn có thể dễ dàng biến thành những tấm chắn, hàng rào của nhà hàng xóm. Nếu không cẩn thận, bạn và vợ/chồng cũ có thể bị treo trong chuồng lợn của nhà người khác.
Buông bỏ
Hơi mũm mĩm, đeo kính cận, ngoài 40 tuổi, Liu từng làm việc trong ngành dược phẩm. Anh bắt đầu quảng cáo dịch vụ nghiền nhỏ kỷ vật của mình trên mạng xã hội vào tháng 3 năm ngoái. Ngay tháng đầu tiên, anh đã nhận được đơn hàng. Lúc đầu, anh có chưa đến 10 đơn hàng/tháng, nhưng sau 6 tháng, nhu cầu tăng vọt. Đến nay, hơn 6.000 người đã hỏi thăm dịch vụ của anh và anh đã tiêu hủy được hơn 700 lô ảnh cưới. Liu tính phí theo trọng lượng, trung bình mỗi khách hàng chi hơn 100 Nhân dân tệ (340 nghìn đồng).
Anh ước tính khoảng 70% số người liên hệ với anh là phụ nữ, mặc dù điều này đôi khi khó xác định vì một số người dùng WeChat che giấu giới tính thật hoặc dùng tài khoản ẩn danh. Đại đa số những người hỏi về dịch vụ của anh không chia sẻ gì nhiều. Họ chỉ hỏi giá cả, sau đó gửi hàng qua chuyển phát nhanh.
Thỉnh thoảng, khách hàng cũng chia sẻ câu chuyện của mình, thường không quá 3 câu. Liu lấy điện thoại ra làm ví dụ: “Đã ly hôn, vẫn đang đau khổ, hiện nằm viện”. Thi thoảng khách hàng cũng đề cập đến các tình huống khác, chẳng hạn như ngoại tình hoặc xung đột với vợ/chồng. Nhưng Liu chưa bao giờ hỏi thêm hay đưa ra phán xét nào. Câu trả lời của anh thường là các biểu tượng cảm xúc kèm theo những câu động viên như: “Tôi tin mọi thứ rồi sẽ tốt hơn” hoặc “Hôn nhân là để hạnh phúc, nhưng ly hôn cũng là để hạnh phúc”.
Liu nhận thấy những người thực sự quyết tâm tiêu hủy kỷ vật của mình thì không hay nói nhiều, trong khi những người chia sẻ thêm thông tin thường là đang do dự và tìm kiếm thêm những lời động viên.
Đã có 3 trường hợp Liu phải gửi lại ảnh cưới nguyên vẹn vì chưa nhận được xác nhận trước khi hủy. Một khách hàng đã làm hòa với bạn đời của mình, một khách hàng khác đổi ý không rõ lý do, và trường hợp thứ ba chỉ đơn giản là nhầm lẫn – khách hàng đã vô tình gửi nhầm ảnh cưới của bố mẹ họ.
Vài ngày trước đó, một người đàn ông khoảng 40 tuổi gửi tới chỗ Liu ảnh người vợ đã khuất của mình, cùng những bức ảnh chụp cuộc sống hôn nhân của họ. Vài ngày sau, anh ta gọi điện để hỏi xem liệu có thể gửi thêm quần áo và túi xách của vợ mình hay không. Nhìn những kỷ vật ấy, người đàn ông thấy buồn nhưng lại không muốn bán chúng. Khi cả hai trò chuyện qua điện thoại, Liu yêu cầu người đàn ông liệt kê từng món đồ một. Nói được nửa chừng, người đàn ông bật khóc.
Gần đây, một chàng trai trẻ yêu cầu cắt nhỏ đồ đạc mà bạn gái cũ anh ta để lại sau khi “đá” anh ta, bao gồm một chiếc khăn tắm và một chiếc đèn pin. Liu cũng nhận được một số món đồ của những con thú cưng đã qua đời của khách hàng.
Khi mới bắt đầu công việc này, anh luôn xúc động mỗi khi đối mặt với sàn nhà phủ đầy ảnh cưới. “Tôi không nghĩ là những người đang độc thân sẽ muốn kết hôn sau khi nhìn thấy cảnh tượng này” – anh nói và chỉ xuống đất. Tuy nhiên, theo thời gian, Liu và các đồng nghiệp của mình gần như trở nên thờ ơ với tất cả. Họ đã nghiền nát quá nhiều kỷ vật hạnh phúc.
Tuy nhiên, việc nhận được những bức ảnh trẻ em vẫn khiến họ cảm thấy khó chịu. Liu cho biết, các đơn đặt hàng liên quan đến ảnh trẻ em gần đây ngày càng nhiều hơn, mặc dù anh không thể giải thích lý do tại sao.
Có những album ảnh trẻ em ở các độ tuổi khác nhau và những album có ảnh gia đình. Liu cho biết anh gặp khó khăn về mặt cảm xúc mỗi khi cần phun sơn lên mặt một đứa trẻ và cho bức ảnh đó vào máy hủy. “Tôi cũng có con” – anh nói.
Nhìn chung, Liu cảm thấy công việc kinh doanh của mình giúp mọi người quên đi quá khứ. Trong các video đăng trên mạng xã hội Douyin, anh hoan nghênh mọi người bộc lộ cảm xúc thông qua dịch vụ của mình. Anh thậm chí còn quay phim lại quá trình nghiền nhỏ và chia sẻ video với khách hàng để tăng thêm cảm giác “nói lời tạm biệt”.
Trên thực tế, có một khách hàng nữ muốn nghiền nát các món đồ của mình vào ngày hoàn tất thủ tục ly hôn. Cô muốn đánh dấu dịp này bằng cách xem đoạn video quay cảnh những bức ảnh cưới của cô bị nghiền nát thành từng mảnh.
Cá nhân hoá dịch vụ
Gần đây, Liu đã cung cấp thêm các dịch vụ cá nhân hóa bên cạnh việc chỉ đơn giản là ném kỷ vật vào chiếc máy nghiền. Khách hàng có thể viết hoặc ghi âm tin nhắn chia tay của mình để đọc to hoặc bật lên khi kỷ vật của họ được đưa vào máy hủy.
Anh cũng cung cấp các buổi gặp gỡ riêng, trong đó khách hàng có thể thuê địa điểm trong 2 giờ và treo tất cả ảnh của họ trong nhà máy để chào tạm biệt, có cả một người dẫn chương trình và một vài công nhân làm nhân chứng. Nhưng cho đến nay, không ai trong số 700 khách hàng của Liu chọn 1 trong 2 dịch vụ này.
Tuy nhiên, đã có 5 khách hàng yêu cầu được tham dự quá trình nghiền nhỏ kỷ vật. Một số chỉ đơn giản muốn tiết kiệm phí vận chuyển bằng cách giao hàng tận tay, trong khi những người khác muốn đích thân ném chúng vào máy nghiền.
Một người phụ nữ lái chiếc Mercedes đến chỗ Liu để phá hủy một chiếc hộp lớn đựng đồ lưu niệm. Liu đã quay video cho cô và lồng lời bài hát “Good Days”.
Hầu hết khách hàng đều cắt đứt quan hệ với Liu ngay khi công việc hoàn thành. Một người đã gửi tin nhắn cho anh trên WeChat với nội dung: “Tôi có thể phải chặn bạn vì tên người dùng của bạn có từ ‘ảnh cưới’ và tôi không muốn chồng (hiện tại) của mình hiểu lầm”. Một người khác viết: “Tôi hy vọng đây là lần đầu tiên và lần cuối cùng chúng ta làm việc cùng nhau”.
Sau cùng, đống giấy vụn còn lại từ những bức ảnh sẽ được sử dụng để tạo ra điện năng. Khi đống giấy vụn tích lũy đạt đến trọng lượng nhất định, nhà máy sẽ chuyển nó đến một nhà máy điện nhiên liệu sinh học gần đó, nơi nó được ném chung vào đống rác thải sinh hoạt trong một hố lớn có thể chứa tới 100.000 tấn. Liu đã đến thăm nhà máy vào mùa hè năm ngoái, nhưng hình ảnh đống rác của anh bị trộn lẫn trong cái hố chứa đầy thức ăn thối rữa khiến anh cảm thấy khó chịu nên đã rời đi.
Vào cuối ngày, Liu đã làm xong các đơn đặt hàng nhưng vẫn để nguyên một món đồ là chiếc váy cưới màu trắng. Nó nằm nhàu nát trên mặt đất trông như một đám mây trắng bồng bềnh. Một phụ nữ đã gửi nó tới đây sau khi hoàn tất thủ tục ly hôn vào sáng hôm đó. Vì chiếc váy có thể bị vướng vào máy hủy nên Liu dự định gửi nó trực tiếp đến nhà máy điện nhiên liệu sinh học. Khi các công nhân đã ra về, anh nhặt chiếc váy lên và treo nó lên.
Chiếc váy từng tượng trưng cho nguồn năng lượng mãnh liệt giữa hai người yêu nhau sẽ sớm tạo ra một loại năng lượng hoàn toàn khác.
Xu hướng du lịch mới của giới siêu giàu