Chị Nguyễn Thị Chi, Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương), chia sẻ với PNVN về kế hoạch triển khai “Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” ở địa phương trong thời gian tới tại địa bàn nông thôn.
Hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, các quỹ tín dụng
– Được biết, Hội LHPN xã Cẩm Văn là một trong số những cấp Hội cơ sở của tỉnh Hải Dương thực hiện thành công “Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” thời gian qua, xin chị cho biết Hội LHPN xã đã triển khai đề án này thế nào?
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, thời gian qua, Hội LHPN xã Cẩm Văn đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp, hình thức hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đạt hiệu quả thiết thực. Qua đó góp phần nâng cao đời sống hội viên, chăm lo phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Hiện toàn xã Cẩm Văn có 1.400 hội viên phụ nữ, công việc hàng ngày của chị em chủ yếu là trồng trọt, buôn bán nhỏ lẻ. Ngay từ giai đoạn đầu, Hội LHPN xã đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức khảo sát hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, phân loại các đối tượng cần ưu tiên giúp đỡ. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, phát triển kinh tế, được triển khai gắn kết với Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các hoạt động “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Tiết kiệm làm theo gương Bác” cũng được chúng tôi rất chú trọng. Nhờ đó, chỉ trong năm 2023, Hội đã giúp đỡ 12 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo; Trao tặng gần 500 bóng đèn, bếp đun tiết kiệm cho các hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Hội LHPN xã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho trên 300 hội viên vay vốn phát triển kinh tế, với số tiền trên 32 tỷ đồng. Chúng tôi cũng tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của 8 tổ tiết kiệm, với số tiền trên 250 triệu đồng, hỗ trợ cho 420 hội viên mua con giống, vật nuôi phát triển kinh tế gia đình. Các chi, tổ hội duy trì hiệu quả mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; hỗ trợ nguồn vốn tín dụng không lãi, hỗ trợ hàng trăm ngày công lao động.
Hội tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể vừa và nhỏ do nữ làm chủ tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, các quỹ tín dụng trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ quốc gia giải quyết việc làm, các nguồn cho vay phát triển kinh tế tập thể của trung ương, của tỉnh Hải Dương… Đồng thời, duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế bền vững, vận động phụ nữ tham gia các loại hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), khởi nghiệp và khởi sự doanh kinh doanh, đẩy mạnh công tác phối hợp dạy nghề, giới thiệu việc làm tăng thu nhập cho hội viên.
Cùng với đó, chúng tôi tích cực phối hợp các phòng, ban chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng mô hình phát triển kinh tế “nuôi trồng thuỷ sản bền vững tại thôn Hoành Lộc”, “trồng cây cà rốt VietGAP tại thôn Văn Thai – sản phẩm OCOP”. Tổ chức cho cán bộ, hội viên tham quan học tập kinh nghiệm, liên kết các công ty doanh nghiệp trên địa bàn xã, các địa phương lân cận giới thiệu tạo công ăn việc làm cho hơn 270 hội viên phụ nữ.
Nhận thức về khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình chưa đồng đều
– Những thành công rõ nét từ “Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” của xã Cẩm Văn đã tác động đến nền kinh tế địa phương nói chung, cũng như bản thân các nữ chủ cơ sở sản xuất tại địa phương thế nào, thưa chị?
Kinh tế hộ phát triển, điều thay đổi rõ nhất là về tư duy của phụ nữ vùng nông thôn. Nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế địa phương, góp phần khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống trong hội viên phụ nữ.
Từ việc tham gia các mô hình, hoạt động do Hội LHPN xã phát động, chị em hội viên đã có sự liên kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển kinh tế, đem lại giá trị kinh tế cao hơn, giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân xã ngày càng khởi sắc.
– Trong quá trình triển khai “Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” ở địa phương, Hội LHPN xã Cẩm Văn có gặp khó khăn gì không?
Dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song theo tôi, công tác phối hợp tuyên truyền về ý nghĩa của Đề án vẫn chưa sâu, chưa chặt chẽ. Trong khi đó, nhận thức về khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình của hội viên phụ nữ cũng chưa đồng đều.
Bên cạnh đó, năng lực của một số cán bộ Hội cơ sở còn hạn chế, chưa thể hiện hết trách nhiệm trong việc nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, tư vấn, khích lệ phụ nữ tham gia khởi nghiệp.
Ngoài ra, sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền, các ngành chuyên môn chưa thường xuyên trong hỗ trợ kinh phí cũng như các nguồn lực khác; thậm chí nội dung hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp còn chung chung. Đặc biệt, phụ nữ tham gia khởi nghiệp, tiếp cận các chính sách, vốn còn hạn chế… Hầu hết các ý tưởng, dự án của chị em vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có tính cạnh tranh trên thị trường.
Sẽ duy trì, nhân rộng các mô hình khởi nghiệp hiệu quả của hội viên
– Để khắc phục những khó khăn trước mắt và duy trì, phát triển, mở rộng hơn nữa mô hình khởi nghiệp ở địa phương, thời gian tới Hội LHPN xã Cẩm Văn có kế hoạch gì?
Thời gian tới, Hội LHPN xã Cẩm Văn chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”; duy trì, nhân rộng các mô hình khởi nghiệp hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ phụ nữ vay vốn để tạo việc làm, phát triển kinh tế; hướng dẫn các cơ sở Hội xây dựng các mô hình tập hợp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế; duy trì và đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể.
Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích vận động hội viên, phụ nữ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã. Tạo điều kiện giúp phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, tranh thủ chương trình, đề án đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để chị em hình thành, phát triển ý tưởng, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời, chúng tôi mong chính quyền, Hội LHPN cấp trên phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan, huy động nguồn lực hỗ trợ các ý tưởng đang có sản phẩm, thực hiện hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh theo tiêu chuẩn an toàn, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
– Xin cảm ơn chị!