Khởi nghiệp ở tuổi ngoài 50, bà Đào Thị Hà, chủ cơ sở nuôi trồng đông trùng hạ thảo Phúc Khang (tỉnh Nam Định), chia sẻ với PNVN về hành trình khởi nghiệp của mình.
PV: Nhìn lại chặng đường đã qua, dấu mốc nào đáng nhớ nhất với bà?
Bà Đào Thị Hà: Tôi vốn bị bệnh về máu. Trong khoảng năm 2016-2017, sức khỏe của tôi không được tốt. Khi đó, tôi được người quen ở tỉnh Lai Châu gửi cho một số sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo để uống. Dùng một thời gian, tôi thấy sức khỏe của mình được cải thiện. Tôi đưa sản phẩm cho bạn bè, người thân mua dùng thử đều nhận được phản hồi tích cực và nhờ mua thêm để uống lâu dài.
Từ đó, tôi nảy ra ý định, tại sao mình không sản xuất rồi bán trực tiếp cho mọi người? Gia đình tôi lúc đầu không ủng hộ, nhiều người xung quanh còn bảo tôi “tham”. Nhưng tôi từng học ngành Y, có những hiểu biết nhất định trong lĩnh vực này.
Được sự hậu thuẫn của em trai, vốn là chủ một cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo có tiếng của khu vực miền Bắc, đặc biệt là niềm tin với sản phẩm tốt cho sức khỏe, tôi quyết tâm làm.
Trải qua không biết bao nhiều lần nấm không lên, lên không đều hoặc bị mốc, bị thua lỗ hàng trăm triệu đồng, đã có lúc tôi hoang mang nhưng rồi tôi vẫn quyết tâm làm lại từ đầu. Tôi quyết định lên xưởng tại Lai Châu học nghề, để nắm vững quy trình, tích lũy kinh nghiệm. Rồi tôi tìm đọc thêm sách báo, tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin để bổ sung kiến thức.
Sau đó, những mẻ nấm đã cho kết quả tốt. Từ 1 phòng nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo với diện tích khoảng 7m2 khi khởi nghiệp, đến nay, tôi đã xây được nhà xưởng rộng 100m2, chia thành nhiều phòng, khu phục vụ cho quá trình nuôi cấy, phân lập, tách giống.
Tôi cũng đầu tư được nhiều máy móc hiện đại phục vụ cho quá trình sản xuất như: nồi hấp, làm giàn máy điều hòa, máy lắc giống… Cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của tôi đang tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên và lao động thời vụ, với mức lương 150 nghìn đồng/ngày.
PV: Với các cơ sở sản xuất, có được sản phẩm tốt rồi còn phải tìm kiếm được đầu ra. Chị đã giải “bài toán” này như thế nào?
Bà Đào Thị Hà: Trên chặng đường khởi nghiệp của mình, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ từ các cấp Hội, chính quyền các cấp. Tôi còn được tham dự các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, về cách vận hành… do các cấp Hội tổ chức.
Các lớp tập huấn sử dụng thiết bị thông minh và bán hàng trên các kênh mạng xã hội như zalo, Facebook, youtube… giúp phụ nữ khởi nghiệp chúng tôi tự tin hơn và tiếp cận được với đông đảo khách hàng. Sản phẩm được xuất bán tại nhiều tỉnh, thành phố, thậm chí ra nước ngoài.
Để chinh phục người tiêu dùng, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của cơ sở Phúc Khang được tôi nghiên cứu, sản xuất đa dạng về chủng loại, gồm: nấm đông trùng hạ thảo nguyên khối, nấm đông trùng hạ thảo sợi tươi, nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, đông trùng hạ thảo ký chủ trên con nhộng tằm, đế đông trùng hạ thảo ngâm rượu, bột đông trùng hạ thảo…
PV: Chị có đề xuất gì để hành trình khởi nghiệp của phụ nữ được thuận lợi hơn?
Bà Đào Thị Hà: Tôi mong muốn, khi chị em chúng tôi đã làm ra sản phẩm rồi thì sẽ được các cấp, các ngành, các cấp Hội tiếp tục quan tâm tổ chức những buổi giao lưu dành cho chị em, giúp chúng tôi quảng bá sản phẩm cũng như lan tỏa khát vọng khởi nghiệp đến với nhiều chị em hơn nữa.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành có thể đa dạng hóa các hình thức giao lưu, kết nối phụ nữ khởi nghiệp thông qua các ngày kỷ niệm, dịp lễ, Tết hay thi đua hàng quý… để tạo sân chơi cho chị em được giao lưu kết nối. Tôi rất mong muốn phụ nữ khởi nghiệp được hỗ trợ không gian giới thiệu sản phẩm.
Trong không gian đó có thể lồng ghép các chương trình văn nghệ, vui chơi để thu hút khách hàng và các cơ sở sản xuất có cơ hội được giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất… đến với người tiêu dùng.
Bạn đọc quan tâm sản phẩm có thể liên hệ: Cơ sở nuôi trồng đông trùng hạ thảo Phúc Khang, số 26/418 đường Điện Biên, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định (xưởng nuôi trồng); Trưng bày và giới thiệu sản phẩm: 420 Đường Điện Biên, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; ĐT: 0838.164.075- 0916346299.