Đó là khẩu vị đặc trưng: (1) Lạp xưởng tôm Long An, Tôm khô sinh thái Cà Mau, Củ kiệu, Trứng Bắc thảo Sò Đo; (2) Gỏi cuốn thịt bắp, tôm chua, Chấm cùng mắm tôm chà Gò Công; (3) Gỏi rau má đất, tôm sinh thái Cà Mau; (4) Bánh hỏi bò đun Sài Gòn; (5) Tôm càng Bến Tre kho tàu, dùng kèm cơm (lúa – tôm hữu cơ) Sóc Trăng; (6) Vịt Gò Công khìa nước dừa, dùng kèm bánh mì; (7) Canh đồ bát Gò Công; và (8) Chuối hấp, nước cốt dừa.
Đơn cử như khi nhắc đến Nam Bộ, chúng ta dễ liên tưởng đến những cánh đồng cò bay thẳng cánh. Để tạo nên vựa lúa lớn bậc nhất này, mạng lưới sông ngòi kênh rạch cả tự nhiên và nhân tạo gần như đóng vai trò quyết định với nguồn nước và phù sa bên trong. Trong mâm cơm miền Nam có sự góp mặt của 02 đại diện cho sản vật sông nước: tôm sinh thái Cà Mau và tôm càng Bến Tre. Từ điểm tận cùng trên đất liền kết nối với vùng đất Nam Bộ mênh mông, con tôm sinh thái Cà Mau mang lại cho thực khách kết cấu thịt chắc dai, ngọt đậm khó quên. Đây là những con tôm được nuôi thả tự nhiên, ăn phù du theo con nước và chỉ được thu hoạch một lần mỗi năm vào đúng mùa nước lên, làm khô hay ăn tươi đều rất ngon.
Hay từ vuông lúa tôm Sóc Trăng đến miệt vườn An Giang. Theo con nước lên xuống mỗi mùa là thứ phù sa trân quý bồi tụ ra vùng châu thổ giàu có, miệt vườn trĩu quả. Khám phá ẩm thực Nam Bộ, thực khách sành ăn khó lòng bỏ qua hương vị của cây trái nơi đây: hạt cơm mẩy thơm, cốt dừa beo béo, quả bần chua chua, sầu đâu đắng, gừng cay cay nồng hay ớt hiểm cay hoa mắt… Trong đó, hạt gạo đã đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ lúa gạo thế giới với loại gạo ngon nhất thế giới nhiều năm liền. Đặc biệt, thực khách sẽ thưởng thức loại gạo lúa tôm đặc sản Sóc Trăng. Đây là loại gạo trồng luân canh trong vuông tôm, hạn chế dùng hóa chất và có hương vị đặc biệt dẻo thơm, ngon và đưa cơm với bất kỳ món nào trong mâm ngon 8 khẩu vị đặc trưng phương Nam. Ngoài ra, món tráng miệng còn sử dụng chuối sáp An Giang được để chín tự nhiên trước khi chế biến, giữ lại hương vị tuyệt hảo của miệt vườn Nam Bộ.
Đặc biệt, với vùng đất Gò Công (Tiền Giang) góp mặt trong “Mâm Ngon Miền Nam’ với thức chấm độc đáo của món mắm tôm chua đặc sắc. Không lên men bằng cơm mẻ, tôm chua Gò Công sử dụng lá chùm ruột và được làm từ con tôm bản địa tự nhiên. Chỉ những nghệ nhân lành nghề mới biết canh mắm cho “đủ nắng”, lúc đó, mắm mới có sắc đỏ tươi màu gạch tôm, thơm nức với mùi vị đặc trưng khác hẳn với các loại mắm khác.
Kỳ công hơn, ẩm thực Gò Công còn chiêu đãi thực khách thêm món ăn truyền thống gần như mai một trong đám tiệc, bàn ăn dịp lễ Nam Bộ xưa: canh Đồ Bát – là một trong những món phải có trên bàn tiệc ở Gò Công thời trước mà các bà, các mẹ thường chuẩn bị và truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu. Kỳ công nhất ở chỗ món canh này cần ít nhất 8 loại nguyên liệu tươi lành từ rau củ, nấm, quả hạt đến các loại thịt tùy theo điều kiện địa phương. Tất cả nguyên liệu với đủ màu bắt mắt, được nấu chín mềm mà không nát với phần nước dùng trong, thanh ngọt, thơm dịu mùi nấm.
Chị Thanh Vân, phụ trách Marcom Mặn Mòi – một trong số ít nhà hàng theo phong cách hương vị quê nhà của người Việt cho biết, khi trải nghiệm mâm cơm hay mâm ngon miền Nam sẽ là trải nghiệm ẩm thực đầy thú vị không dừng ở hương vị, nguyên liệu mà còn là hành trình đưa thực khách sành ăn chu du qua từng vùng đất, hiểu thêm về câu chuyện của mỗi món ngon đặc sản phương Nam, với mong muốn tôn vinh sản vật bản địa và quảng bá văn hóa ẩm thực của các vùng miền Việt Nam.
Phong vị ẩm thực phương Nam với gạo ngon, mắm thơm, cho đến con tôm con cá tươi rói giòn ngọt sẽ được tái hiện trên mâm ngon miền Nam chắc chắn sẽ là trải nghiệm ẩm thực đáng thử khi ghé thưởng thức.