Nhắc đến những món ăn vặt ở Sài Gòn là không thể không nhắc đến tàu hũ nóng. Món ăn đơn giản, mộc mạc mang đến hương vị ngọt ngào mà ai ăn rồi cũng nhớ mãi.
Đây có lẽ cũng là món ăn ký ức tuổi thơ của không ít người. Hồi còn nhỏ, chỉ cần nghe câu rao: “Ai tàu hũ hông?” là đứa trẻ nào cũng háo hức xin mẹ để được ăn.
Ở TP. HCM có không ít nơi bán tàu hũ nóng, nhưng được lòng những người sành ăn phải kể đến tàu hũ nóng cô Hiệp bán hơn 30 năm nằm ngay quận 3.
Gánh tàu hũ đơn sơ nhưng là tuổi thơ của biết bao người, có những người ăn tàu hũ ở đây từ khi con nhỏ và giờ đã lớn, lập gia đình lại đưa con qua đây để ăn.
Nằm trong con hẻm 284 đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM, là gánh tàu hũ nho nhỏ của cô Hiệp. Chỉ đơn giản với chiếc nồi tàu hũ, nồi đường mật và hơn chục chiếc ghế nhựa cho khách ngồi ăn, gánh tàu hũ của cô Hiệp cũng đã tồn tại hơn 30 năm và là nơi nuôi sống cả gia đình.
Từ 7 giờ sáng, cô Hiệp bắt đầu dọn hàng ra bán. Món tàu hũ tưởng bình dân nhưng lại khiến biết bao người mê đắm. Phần tàu hũ trắng muốt mềm thơm, ăn kèm với nước đường mật ngọt ngào thoang thoảng mùi gừng, nhai thêm miếng trân châu dai dai, hòa quyện cùng nước cốt dừa beo béo, tất cả tạo nên một bản hoà tấu của sự ngon lành. Cũng bởi vậy, thời tiết dù nóng nực nhưng tàu hũ nóng vẫn là món ăn được nhiều người yêu thích.
Cô Hiệp bán tàu hũ nóng từ những ngày đầu chỉ 1.000VNĐ/bát, giá cả tăng dần, những bát tàu hũ nóng lên giá 2.000VNĐ, 3.000VNĐ, 5.000VNĐ, 8.000VNĐ… rồi dừng lại ở giá 10.000VNĐ. “Cô bán giá 10.000VNĐ suốt mấy năm nay, nhiều người hỏi sao giá nguyên liệu tăng mà cô không tăng, nhưng nói thật cô nhìn mấy đứa nhỏ mà cô thương, cô không nỡ tăng giá” – cô Hiệp tâm sự.
Bát tàu hũ nóng chỉ 10.000VNĐ nhưng lúc nào cũng đầy ắp tàu hũ, nước đường gừng, nước cốt dừa và thật nhiều trân châu. Khách đến ăn tàu hũ sẽ được cho vào chiếc bát sứ đặt lên trên một chiếc bát nhôm để đỡ nóng. Dù đông khách nhưng cô Hiệp vẫn luôn hỏi khách muốn ăn như nào để cô làm theo cho đúng ý.
Buổi chiều đến có lẽ là thời điểm gánh tàu hũ của cô Hiệp đông khách nhất, khách đến ăn và mua mang về tấp nập. Bởi tiệm của cô không bán trên các ứng dụng đặt đồ ăn, nên khách muốn ăn thì chỉ có đến trực tiếp quán. Cứ thế, người đến ăn quây quần bên gánh tàu hũ và nồi đường mật lúc nào cũng nóng hổi, mọi người vừa ăn vừa trò chuyện với cô Hiệp, mọi thứ mộc mạc và dễ chịu như trở về tuổi thơ.
Nhà cô Hiệp đã có 3 đời làm tàu hũ, cô Hiệp được truyền nghề làm tàu hũ từ mẹ và bà nội. Cứ thế, cô gắn bó với nghề từ năm 26 tuổi cho đến bây giờ. Món tàu hũ tưởng chừng là đơn giản nhưng hoá ra lại vô cùng kỳ công và mất nhiều thời gian để làm. Cũng bởi vậy mà cô Hiệp nói rằng cô không muốn truyền nghề cho con cái vì làm việc này cực lắm.
Mỗi ngày cô Hiệp ngâm đậu nành từ 9 giờ tối, 10 giờ cô ngủ rồi sau đó 2 giờ cô phải dậy để xay và nấu, làm tất tần các thứ 6 giờ mới xong và 7 giờ đem đi bán. Để làm được đậu hũ, quan trọng nhất là công đoạn xay, bởi xay không kỹ thôi là có thể làm hỏng thành phẩm. Cô Hiệp kể: “Làm tàu hũ cực lắm, ngày trước có những lúc cô làm bị hỏng, tàu hũ không đông, cô chỉ biết khóc. Cô với chú thường xuyên cãi nhau vì những lúc xay đậu không chuẩn. Giờ làm quen rồi nhưng vẫn vất vả. Mỗi ngày cô chỉ ngủ được có 4 tiếng nên nhiều khi ngồi bán hàng mà cô ngủ gục lúc nào không biết”.
Đậu nành để làm đậu hũ cô Hiệp chọn loại ngon từ quê nhà ở Quảng Ngãi, mỗi ngày cô dùng khoảng 20kg đậu nành để làm thành 2 nồi đậu hũ lớn. Nước cốt dừa và nước đường mật cũng do cô Hiệp tự tay làm, trân châu thì cô được người nhà làm cho. Nước đường mật mía sánh thơm cũng là thứ làm nên thương hiệu tàu hũ cô Hiệp, cô cho biết dùng loại đường này đắt hơn nhưng thành phẩm ngon và ngọt thanh, không bị ngọt gắt nên ăn rất đưa miệng.
Tất cả mọi nguyên liệu đều được cô và người nhà tự tay làm nên rất chất lượng.
Ở tuổi gần 60, cô Hiệp sức khoẻ cũng không còn tốt, thế nên gánh tàu hũ vừa nơi cô kiếm sống, vừa là nơi để cô tìm thấy niềm vui mỗi ngày. Dù mệt mỏi nhưng lúc nào cô cũng nở nụ cười thật tươi, nhất là khi thấy khách ăn ngon. Từng bát tàu hũ được cô Hiệp múc đều tay, các miếng đậu hũ mềm mướt xếp lên nhau, rưới nước đường mật luôn nóng hổi thơm mùi gừng tươi, thêm nước cốt dừa và trân châu dẻo làm từ bột năng ngon hết ý. Thế là có một bát tàu hũ ấm bụng.
Nếu có dịp bạn hãy thử ghé gánh tàu hũ của cô Hiệp nhé!