Khi công ty yêu cầu áp dụng công nghệ mới, anh Khoa xin ba tháng để làm quen nhưng cấp trên chỉ cho một tháng.
Người đàn ông 44 tuổi từng là thiết kế, dàn trang cho một tờ báo in ở Hà Nội nhiều năm nay. Khi chiến lược của tòa soạn ưu tiên phát triển báo điện tử, công việc của anh ít được trọng dụng. Hai năm trước, anh được điều sang làm phát hành.
Tháng 10/2023, anh Khoa được gọi quay trở lại phòng thiết kế và yêu cầu cập nhật các kỹ năng, công nghệ mới phục vụ cho báo điện tử. Hơn hai năm không làm, chuyên môn của anh rơi rụng không ít, việc nắm bắt kỹ thuật mới lại không dễ ở tuổi tứ tuần và thời gian một tháng không đủ để thích ứng. Trong khi đó, phòng anh đang có những nhân viên 9X và đầu 2000 làm chủ được công nghệ mới.
“Tôi định cố thêm vài tháng để nhận thưởng Tết nhưng không thể đáp ứng được guồng công việc mới nên quyết định nghỉ”, Nguyễn Anh Khoa, một viên chức chia sẻ lý do thôi việc 5 tháng trước.
Trên các hội nhóm về lao động việc làm thời gian qua có không ít người chia sẻ chuyện bị sa thải. Một người (đề nghị giấu tên) kể, cuối năm 2023 do công ty tái cấu trúc, hàng loạt nhân sự lâu năm từ kế toán, sales tới IT bị sa thải.
Vài ngày ngày trước khi anh nhận quyết định nghỉ, công ty đã âm thầm tuyển một người mới trả lương bằng nửa, đào tạo từ đầu và bàn giao công việc chỉ trong 5 ngày.
Thay vì đồng cảm, nhiều người cho rằng lao động này “nên nhìn lại mình xem khả năng tới đâu mà bị một người mới thay thế chỉ sau 5 ngày học việc?”.
Theo ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cần phải nhìn tổng thể là nền kinh tế và yêu cầu với nguồn nhân lực lúc này đang theo xu hướng mới, tức lao động vừa phải có bằng cấp, tay nghề, vừa phải phù hợp với thời kỳ ứng dụng công nghệ.
“Lao động giản đơn nhường chỗ cho lao động có nghề và lao động có nghề sẽ bị thay thế bởi người vừa có nghề, vừa kỹ năng và thái độ tiếp nhận cái mới”, ông Tuấn nói.
Trong xu hướng này, lao động trung niên có thể trở thành nhóm “dễ bị tổn thương” nếu “vẫn giữ con người cũ”. Một bộ phận người trung niên có xu hướng ỷ lại “có kinh nghiệm và hiểu biết cuộc sống”, sự tích cực, xông xáo bị giảm dần.
“Suy cho cùng người sử dụng lao động cần hiệu quả, đặc biệt sự ham học tập kỹ năng, công nghệ và thông thường người trẻ đáp ứng nhanh hơn”, ông Tuấn nói.
Với 13 năm kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự, Nguyễn Huyền Hảo, CEO một công ty “săn đầu người” ở Hà Nội cho biết bên cạnh sự ra đời của công nghệ hiện đại, AI thay thế nhiều trong lĩnh vực, lao động trung niên còn đối mặt với “sự lu mờ trước thế hệ lao động mới mang tên Gen Z”.
Thống kê đến 2030, Gen Z chiếm 33% lực lượng lao động Việt Nam. Với thế mạnh công nghệ, nhạy bén tư duy và tiếp cận dễ các đối tượng tiêu dùng trẻ, nhiều người trẻ đang nhìn thấy và dẫn dắt, làm chủ thị trường, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại điện tử, IT hay logistic. Kinh nghiệm trong tuyển dụng cho các sếp Gen Z của Hảo cho thấy họ có tâm lý không muốn làm với các nhân sự quá nhiều tuổi hơn mình.
Hơn nữa, không ít doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực CNTT có yêu cầu chỉ tuyển người dưới 35. “Nhận không ít những yêu cầu này từ khách hàng, đôi khi tôi cảm thấy như tự tát vào mặt mình vì chính tôi cũng đang trên 35 tuổi”, bà Hảo nói.
Theo ông Trần Anh Tuấn, trong bối cảnh mới người trung niên cần phải bỏ tư tưởng “sống lâu lên lão làng”. Người trẻ dù kinh nghiệm ít hơn, họ được đào tạo, có sức trẻ nên năng nổ hơn. Mặt khác cũng cần nâng cao trách nhiệm của các trung tâm dịch vụ việc làm trong việc kết nối việc làm cho người trung niên. Các cơ quan quản lý nhà nước chú trọng việc nghiên cứu chính sách, hỗ trợ đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề cho người trung niên thích nghi với thị trường lao động.
“Lao động trung niên chịu thay đổi, làm việc gắn với thực tế thì không bao giờ lo bị đào thải”, ông Tuấn nói.
Bà Hảo cũng cho biết đối cảnh hiện tại buộc lao động trung niên phải vượt qua cái bóng của mình, dám bước ra khỏi vùng an toàn và hòa mình với người trẻ để làm mới mình liên tục. Nữ CEO này cũng đang tham gia nhiều cộng đồng của Gen Z để không chỉ hiểu, học hỏi ngôn ngữ của họ, mà còn biến suy nghĩ, tâm hồn mình cũng trẻ như họ.
Với kinh nghiệm 10 năm tuyển dụng nhân sự cao cấp tại các tập đoàn lớn, bà Đàm Thị Thu Trang, CEO một công ty tuyển dụng ở Hà Nội cho biết rất nhiều ứng viên có tuổi mà cô tiếp xúc đang cảm thấy bị đe dọa bởi Gen Z nên đang làm mới mình.
Tuần trước, Trang làm việc với một người là giám đốc điều hành chuỗi trường quốc tế. Chị chia sẻ nhân viên của mình đã livestream tuyển sinh, thu hút được nhiều học viên cho trường, vừa khiến chị tò mò, vừa lo sợ rằng “đến lúc những nhân sự trẻ này vận hành ổn thì không biết công ty có còn cần đến mình không”.
“Bản chất vai trò công việc của chị ấy không chỉ vận hành mà là thúc đẩy kinh doanh. Nếu nhân viên tuyển được nhiều học viên hơn, chị ấy sẽ đối mặt với câu hỏi ai mới là người nắm cuộc chơi ở đây?”, Trang nói.
Thực tế này buộc chị phải vượt qua cái bóng của chính mình. Thay vì các cách marketing truyền thống giờ chị quyết định xuất hiện trên livestream giới thiệu về trường, các chính sách khuyến mãi và “chốt deal” ngay trong phiên live.
Ban đầu chị cũng sợ bị người ta đánh giá, sợ nói không hay nhưng cuối cùng vẫn bỏ tiền túi đi học một khóa livestream. “Trái với những lo lắng, giờ chị ấy tự tin vì kỹ năng ăn nói cải thiện, công việc cũng suôn sẻ hơn”, Trang chia sẻ.
Giống như nữ giám đốc này, anh Lê Huy Khánh, 37 tuổi, trưởng phòng marketing của một công ty lĩnh vực logistic ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đang tranh thủ theo học một số khóa về sử dụng AI và công nghệ mới phục vụ công việc vào tối và cuối tuần. Gần nhất anh học một lớp sử dụng Chat GPT trong viết content và dùng phần mềm tự dựng video.
“Tôi đi học vì cảm thấy bị đe dọa”, anh Khánh nói.
Thời gian trước anh quản lý dưới quyền 10 nhân sự, nhưng từ cuối năm vừa công ty yêu cầu cắt giảm, chỉ giữ lại hai. Cấp trên cũng yêu cầu anh phải cập nhật công nghệ mới của ngành.
“Thay vì kiểm soát con người, giờ tôi phải kiểm soát công nghệ”, anh cho hay. Đồng thời anh cũng phải kiêm nhiệm nhiều thứ, sẵn sàng làm các công việc vốn trước chỉ cần “sai quân”.
Chuyên gia tuyển dụng Đàm Thị Thu Trang cho biết với những thay đổi tích cực này “rất đáng để chờ đợi thế hệ trung niên giải bài toán dành cho mình”.
Anh Khoa hiện làm thiết kế tự do, chạy xe ôm công nghệ và hưởng thêm trợ cấp thất nghiệp để trang trải cuộc sống. Làm ngoài có thời gian linh hoạt hơn nhưng thu nhập cũng bấp bênh, trong khi hai con còn tuổi ăn học.
“Trước đây tôi nghĩ làm công chức là tự hào lắm, nhưng ở bên trong mới biết chẳng ổn định cũng chẳng tự hào, chỉ khiến mình trì trệ đi”, anh nói. “Công chức hay tư nhân cũng luôn phải nâng cao kỹ năng nếu không sẽ bị đào thải”.
Phan Dương