Theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2024, tiêu chí tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với trường đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với trường đại học có đào tạo tiến sĩ.
Nhiều ý kiến cho rằng tiêu chí này là một thách thức khá lớn với các trường, nhất là các trường đại học khu vực phía Nam.
Thống kê cho thấy hiện có khoảng 85.000 giảng viên đại học, cao đẳng sư phạm. Trong số này chỉ có 26.800 giảng viên có trình độ tiến sĩ, chiếm 32%.
Tuy nhiên các trường miền Bắc có tỉ lệ tiến sĩ cao hơn miền Nam. Các trường khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ giảng viên tiến sĩ rất thấp.
Không chỉ giảng viên có trình độ tiến sĩ, ở các chức danh, trình độ khác như giáo sư, phó giáo sư hay thạc sĩ các trường đại học phía Nam cũng rất thấp.
Đáng chú ý là nếu tính theo vùng kinh tế, cả nước có 6 vùng. Tỉ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ của 5 vùng cộng lại cũng không bằng vùng Đồng bằng sông Hồng. Tây Nguyên là vùng có ít trường đại học nhất nên tỉ lệ giảng viên các trình độ đều đứng chót bảng.
Ở chức danh giáo sư, vùng Đồng bằng sông Hồng áp đảo về tỉ lệ. Cũng dễ hiểu vì đây là khu vực tập trung nhiều trường đại học nhất tại Việt Nam khi chiếm 44,3% số trường đại học.
Đông Nam Bộ có số lượng trường đại học nhiều thứ hai cả nước, chiếm tỉ lệ 18,4%. Tuy nhiên tỉ lệ giảng viên có chức danh giáo sư chênh lệch rất lớn.
Chỉ riêng vùng Đồng bằng sông Hồng đã chiếm hơn 63% số lượng giảng viên có chức danh giáo sư của cả nước.
Ở chức danh phó giáo sư, Đồng bằng sông Hồng cũng chiếm gần 60%. Cộng năm vùng còn lại cũng không bằng.
Tình hình cũng tương tự ở trình độ tiến sĩ. Đồng bằng sông Hồng chiếm hơn 50%.
Trong khi đó, ở trình độ thạc sĩ, sự chênh lệch giữa các vùng vẫn còn nhưng không quá cao như các trình độ cao hơn.
So với các trình độ khác, giảng viên có trình độ thạc sĩ của Đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ thấp hơn dù vẫn cao nhất cả nước. Các khu vực khác có tỉ lệ giảng viên thạc sĩ tăng lên.
Như vậy so với chuẩn cơ sở giáo dục đại học, rất nhiều trường đại học còn cách chuẩn rất xa về tiêu chí tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ.
Cả nước còn khoảng 40% cơ sở giáo dục đại học có tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong tổng số giảng viên cơ hữu thấp hơn 20%.
Ông Vũ Văn Yêm – Đại học Bách khoa Hà Nội – cho rằng hai năm nay nhiều trường rầm rộ tuyển tiến sĩ, trả 300 – 500 triệu đồng cho tiến sĩ về trường có lẽ là chạy theo thông tư chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Điều này cũng tốt. Tuy nhiên, tiêu chí này là thách thức đối với các trường phía Nam, đòi hỏi các trường có chiến lược đào tạo cán bộ phù hợp.
Hơn 5.500 giảng viên có trình độ đại học
Thống kê năm học 2021-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy các trường đại học có hơn 5.500 giảng viên có trình độ đại học, chiếm 7,1% tổng số giảng viên. Con số này giảm rất nhiều so với tỉ lệ lên đến 47% của năm 2011.
Tỉ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư cũng tăng đều trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, đạt tỉ lệ khoảng 6,6%.
Tuy vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá số lượng giảng viên là giáo sư (khoảng hơn 600 người), phó giáo sư (hơn 4.500) vẫn thấp.
Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ thấp trong khi khối lượng giảng dạy quá lớn khiến việc học tập, nâng cao trình độ của giảng viên cũng bị hạn chế.