Những ngày này, Điện Biên đang vào mùa hoa ban nở trắng trời. Đâu đâu cũng gặp những nụ cười phấn khởi, khi chính trên mảnh đất này, quân dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Với những người nghèo trên địa bàn Điện Biên, niềm vui ấy còn được nhân lên gấp bội khi sống trong tình cảm đoàn kết, yêu thương của nhân dân cả nước.
Ông Giàng Vàng Sinh (xã Hứa Ngải, huyện Mường Chà) xúc động khi ngôi nhà mới khang trang vừa được hoàn thành. Quan trọng hơn, ngôi nhà mơ ước ấy lại được xây dựng theo đúng kiến trúc của người Mông. Ông Sinh tâm sự: “Khi được biết gia đình nằm trong danh sách được hỗ trợ xây mới ngôi nhà Đại đoàn kết, chúng tôi cùng các con đã tự thiết kế ngôi nhà trên nền đất kê cột theo đúng truyền thống của dân tộc Mông. Gia đình tôi vui lắm. Mong ước có mái nhà chắc chắn từ lâu mà không thực hiện được. Chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước và Mặt trận rất nhiều”.
Còn gia đình ông Lò Văn Mấng (bản Mớ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên) thì tất bật hoàn thành những phần việc cuối cùng cho ngôi nhà mới. Những vật dụng gia đình cũng được ông bày biện ngay ngắn ở từng nơi. Gia đình ông Mấng cũng là một trong số những hộ gia đình được nhận sự giúp đỡ của doanh nghiệp và các mạnh thường quân.
Ông Mấng cho biết, được Đảng, Nhà nước quan tâm giúp đỡ nên gia đình tôi đã xây được ngôi nhà mới chắc chắn và khang trang hơn. Từ đây, nhà đình tôi yên tâm làm ăn để dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Cũng như gia đình ông Sinh, ông Mấng, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo khác cũng được hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết tại các huyện, thành phố. Tiêu biểu như tại huyện Mường Chà, toàn huyện có gần 580 hộ thuộc 12 xã, thị trấn đã được nhận sự hỗ trợ. Tính đến thời điểm này, các hộ dân đã cơ bản hoàn thành ngôi nhà mơ ước của mình.
Để đảm bảo tiến độ đề ra, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện Mường Chà đã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát. Từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương.
Ông Lý A Giàng – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mường Chà cho biết, trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, nhiều hộ gia đình đã làm xong và đón Tết trong những ngôi nhà mới. Những hộ gia đình còn lại thì hoàn thành ngay sau Tết. Tất cả những ngôi nhà đó đều được xây dựng theo phương châm “Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh, huyện vận động hỗ trợ bằng tiền, nhân dân tự tổ chức xây dựng nhà ở Đại đoàn kết” và nguyên tắc “Cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự làm nhà”.
Nhờ đó, các gia đình đã tiết kiệm được tối đa chi phí xây dựng. Theo đó, các ngôi nhà khi hoàn thành đều đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu 3 cứng: mái cứng, tường cứng và nền cứng.
Còn tại huyện Nậm Pồ, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của huyện thì phần lớn nhà Đại đoàn kết đã được hoàn thiện. Những căn nhà được làm mới đều to, đẹp hơn so với căn nhà cũ.
Ông Trần Văn Hiền – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nậm Pồ cho biết, trong thời gian qua, chúng tôi tập trung rà soát để xác định chính xác các hộ có đủ điều kiện được hỗ trợ làm nhà. Bên cạnh đó, huyện cũng thành lập Ban Chỉ đạo và phân công cho các thành viên gồm Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp phụ trách từng xã, từng bản và huy động các lực lượng khác như công an, quân đội để phối hợp tham gia hỗ trợ người dân trong quá trình xây dựng.
Mục tiêu hỗ trợ xây dựng gần 600 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo thì đến nay huyện đã hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra. Kết quả trên có được là do sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự chủ động của các hộ gia đình, sự đồng thuận, chung tay giúp đỡ của cộng đồng, người dân trong bản nên các ngôi nhà đã sớm được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Chia sẻ thành quả trong xây dựng nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, ông Lò Văn Mừng – Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên cho biết, với đề án xóa 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đến nay tỉnh đã hoàn thành 100% mục tiêu dù quá trình triển khai thực hiện gặp khó khăn do địa hình đồi núi hiểm trở. Khi thực hiện Đề án này, tỉnh Điện Biên đã nhanh chóng rà soát số lượng nhà cần hỗ trợ với phương châm Nhà nước hỗ trợ, nhân dân cùng làm.
Trong đó, người dân được tự quyết định mẫu nhà phù hợp với truyền thống của mình với mức hỗ trợ tối thiểu 50 triệu đồng/căn. Chính bởi vậy Đề án nhận được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân nên chỉ trong khoảng 9 tháng, toàn tỉnh đã hoàn thành 5.000 căn nhà với số vốn cần huy động là 250 tỷ đồng.
“Quá trình triển khai thực hiện đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh, huyện, xã cho đến các bản làng, tổ dân phố để đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Vì vậy, việc xây dựng được thực hiện đúng tiến độ; tất cả các ngôi nhà đều đảm bảo chất lượng khi hoàn thành”, ông Mừng chia sẻ.