Đó là thông tin được ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh chia sẻ tại buổi họp báo diễn ra trong chiều 25.3, tại Hà Nội về chuỗi hoạt động và hội nghị với chủ đề: “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh”, do Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhân kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1.4.1959 – 1.4.2024).
Theo Bộ NN-PTNT, phát triển kinh tế biển và nuôi biển đã được Chính phủ, Bộ NN-PTNT coi là một trong những mũi nhọn ưu tiên và đã được cụ thể hóa bằng Quyết định 1664 ngày 4.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Đề án 1664).
Nhưng thực tế triển khai ở các địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc, chồng chéo giữa các ngành. Cụ thể, quy hoạch nuôi biển hiện đang chồng chéo với nhiều quy hoạch khác như: tài nguyên môi trường, du lịch…
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Nuôi biển Việt Nam, một trong những rào cản lớn nhất là đến nay chưa có địa phương nào giao được vùng biển cho doanh nghiệp và ngư dân quản lý thì không thể thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
“Khó khăn lớn nhất là liên quan đến giấy phép và pháp lý, các doanh nghiệp đã phải đối mặt từ nhiều năm. Chúng tôi tiếp nhận hàng chục khuyến nghị, đề xuất từ doanh nghiệp với mong muốn giải quyết những trở ngại này, trong khi hiện nay vẫn chưa có sự kết nối hiệu quả giữa các bộ, ngành về chính sách nuôi biển”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho biết xác định nuôi biển bền vững, tỉnh Quảng Ninh thông qua các nghị quyết về phát triển bền vững ngành du lịch và nghị quyết về phát triển bền vững ngành thủy sản để tránh sự xung đột.
Cụ thể, ngành nuôi biển được quy hoạch phải đảm bảo ngành nuôi biển không có sự vướng mắc vào khu vực dành cho du lịch hay các ngành khác, để chống chồng chéo. Quảng Ninh xây dựng quy hoạch nuôi trồng thủy sản đến từng thôn, tất cả các hộ nuôi biển đều được rà soát. Những hộ dự kiến chuyển đổi nghề có thể được giao khu vực biển để chuyển từ khai thác sang nuôi trồng.
Cũng theo ông Lê Minh Sơn, trong hội nghị do Bộ NN-PTNT tổ chức tới đây, Quảng Ninh sẽ giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đa giá trị; tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong nước để tổ chức phát triển bền vững nuôi biển trong những năm tới.
“Quảng Ninh sẽ công bố khu vực biển để thu hút đầu tư nuôi biển và ký kết các biên bản ghi nhớ, cam kết hợp tác với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để phát triển nuôi biển công nghiệp, bền vững”, ông Sơn nói.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về nuôi biển nhờ quyết tâm điều chỉnh, quy hoạch nghề nuôi biển theo hướng mang lại đời sống tốt hơn cho người nông dân và bảo vệ vùng biển xanh, phát triển nghề cá. Từ kinh nghiệm của Quảng Ninh, không gian phát triển nuôi nuôi trồng thủy sản không nên bị bó hẹp mà cần tích hợp cùng với các ngành kinh tế khác.
“Hội nghị tới đây cũng là cơ hội để các địa phương học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ nuôi biển mới từ các doanh nghiệp và các tổ chức quốc quốc tế từ có những suy nghĩ, hướng tiếp cận mới trong định hướng và chỉ đạo sản xuất phát triển nghề nuôi biển Việt Nam theo hướng giảm phát thải, tăng trưởng xanh, theo cam kết của Việt Nam với quốc tế”, ông Luân nói.