Nhiều di tích biến mất
Theo trang SCMP, trong khi các điểm tham quan nổi tiếng toàn cầu như Đền Taj Mahal và Tháp Qutb Minar được bảo tồn tốt thì rất nhiều công trình di tích của Ấn Độ đang rơi vào tình trạng xuống cấp hoặc mất tích trong bối cảnh phát triển đô thị.
Năm ngoái, ngành văn hóa Ấn Độ đã báo cáo khoảng 50 trong số 3.693 di tích được bảo vệ của Ấn Độ đã “mất tích” nhưng các chuyên gia di sản tin rằng con số này có thể còn nhiều hơn nữa.
Kể từ khi bắt đầu triển khai hoạt động kiểm tra di tích chính thức vào năm 2013, Quốc hội Ấn Độ đã nhận được báo cáo thường niên từ Cơ quan Khảo sát Khảo cổ Ấn Độ (ASI) thuộc Bộ Văn hóa Ấn Độ, trong đó nêu bật các thông tin chi tiết về những địa danh lịch sử chưa được ghi chép của đất nước.
Nhà sử học Ruchika Sharma ở New Delhi cho biết điều này đáng lo ngại và có phần giống như một đại dịch vì sự xuất hiện thường xuyên trong những báo cáo nói rằng một số di tích quốc gia đã biến mất.
Nhà sử học Sharma cũng nói rằng ASI thường viện dẫn những lý do như đô thị hóa dẫn đến tình trạng mất đi các di sản.
Theo ASI, trong số các địa điểm lịch sử đã biến mất, có Kos Minar – một cột mốc thời Trung cổ ở bang Haryana; những khẩu súng của Hoàng đế Sher Shah ở thị trấn Tinsukia; địa điểm Phật giáo Telia Nala ở thành phố Varanasi; và Đài tưởng niệm Barakhamba, một tòa nhà lăng mộ từ thế kỷ 14 ở Delhi.
Ông Divay Gupta, một kiến trúc sư bảo tồn có trụ sở tại Delhi cho rằng các cấu trúc có thể đã biến mất do những yếu tố như không đủ kinh phí và phương pháp bảo tồn lỗi thời, quản lý di sản kém và thiếu sự kết nối giữa các di tích và cộng đồng địa phương.
Nâng cao ý thức bảo tồn di sản
Trước thực trạng này, ASI đã nhắc đến trách nhiệm nâng cao ý thức hơn nữa trong công tác bảo tồn di sản, đặc biệt đối với các di tích hoặc địa điểm đã hơn 100 năm tuổi và được xem là có tầm quan trọng quốc gia như cung điện, pháo đài, nghĩa trang và chữ khắc cổ.
Bên cạnh đó, chính quyền các bang của Ấn Độ cũng giám sát việc bảo vệ một số di tích lịch sử nhất định không nằm trong phạm vi quản lý của ASI.
Ở nhiều thành phố như New Delhi, luật bảo vệ các tòa nhà di sản và ngăn chặn những thay đổi cấu trúc đối với tòa nhà đã có hiệu lực từ lâu. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa các di tích được bảo vệ và không được bảo vệ vẫn rất lớn.
Chẳng hạn như, trong khi có hơn 700 địa điểm di sản được công nhận ở New Delhi, chỉ có 174 địa điểm được ASI bảo vệ.
Theo các chuyên gia di sản, chính tình trạng gia tăng dân số của Ấn Độ trong những năm gần đây đã thúc đẩy nhu cầu xây dựng các tòa nhà và cơ sở hạ tầng mới, khiến các nhà phát triển đô thị tính đến khả năng lấn chiếm các địa điểm di sản hoặc thậm chí phá bỏ chúng.
Nhiều di tích đã bị phá hủy trong quá trình mở rộng đường và xây dựng đường cao tốc hoặc bị người dân phá bỏ công trình để sử dụng đống đổ nát làm vật liệu xây dựng.
Theo ý kiến của các chuyên gia di sản, ngân sách của chính phủ dành cho việc bảo trì các di tích quá nhỏ so với số lượng địa điểm mà họ phải quản lý và bảo vệ. Hầu hết kinh phí được phân bổ cho các di tích là điểm thu hút khách du lịch số lượng lớn trong khi hầu hết các địa điểm khác không yêu cầu phí vào cửa.
“Nhiều di tích cần phải bảo vệ nhưng không có người bảo vệ. Vấn đề không phải là thiếu vốn mà là cách phân bổ vốn. ASI bố trí rất nhiều lính gác tại một địa điểm bán vé lớn như Qutab Minar nhưng những di tích mà du khách ít biết đến lại không có lính gác”, ông Sharma nói.
Theo ông Sharma, sự thiếu phối hợp giữa chính quyền địa phương và ASI là nguyên nhân chính dẫn đến việc mất đi di tích. Chẳng hạn như, khu đất xung quanh tòa tháp Kos Minars thời Mughal ở Haryana đã được chính quyền bang bán cho các nhà phát triển vì họ không biết về tình trạng cần được bảo vệ các địa điểm này.
Trong các trường hợp khác, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc phá hủy các di tích. Trích dẫn Nhà thờ Hồi giáo Akhondji 600 năm tuổi ở Mehrauli, ông Sharma nhấn mạnh ngày 30/1, Cơ quan Phát triển Delhi (DDA) đã san bằng nhà thờ Hồi giáo, mô tả đây là “công trình bất hợp pháp”. Ngày hôm sau, Tòa án Tối cao Delhi ra lệnh cho DDA giải thích lý do phá hủy nhà thờ Hồi giáo.
Nhà sử học và tác giả Ấn Độ Swapna Liddle cho biết cần phải có kế hoạch tốt hơn để bảo vệ di tích bên cạnh việc phát triển đô thị, kết hợp với sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các kiến trúc sư, nhà sử học và nhà khảo cổ học.
Bà Swapna Liddle cho rằng sau sự việc liên quan đến Nhà thờ Hồi giáo Akhondji, chúng ta cần có một bài học quý giá từ câu chuyện này vì địa điểm trên trước đây được cộng đồng địa phương quản lý và chăm sóc tốt.
“Nhiều nhà thờ Hồi giáo lịch sử trong nước hiện đang quản lý với cộng đồng người dân và điều này sẽ giúp ích cho ASI thúc đẩy công tác bảo tồn. Đó là một mô hình bảo tồn di sản tốt”, bà Liddle nói thêm./.