Hiện nay, hệ thống dập cháy hóa học thể tích (OXT, CO500) cho lớp tàu pháo trong Quân chủng có cơ chế hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào thao tác của thủy thủ. Trong quá trình khai thác còn nhiều điểm hạn chế như: Lực lượng trực canh phải theo dõi thường xuyên, hệ thống dập cháy không có khả năng điều khiển từ xa, không hiển thị nhiệt độ của các khoang ở trung tâm điều khiển. Khi phun chất dập cháy phụ thuộc vào thao tác ép khí nén, mở van cơ của người trực, tốn nhiều thời gian, dễ nhầm lẫn… Từ thực trạng đó, Thượng úy Dương Văn Tiền, Lữ đoàn 170, Vùng 1 đã nghiên cứu cho ra đời sáng kiến Hệ thống dập cháy tự động trên tàu.
Sáng kiến này được đánh giá có thể nhân rộng, ứng dụng cho các loại tàu, xe, kho, trạm, xưởng, khoang phòng chứa các chất dễ cháy nổ. Hệ thống cũng hỗ trợ tốt việc theo dõi, giám sát nhiệt độ các khoang phòng. Sản phẩm có thông số phù hợp với trình độ kỹ thuật, năng lực công nghệ, nguyên vật liệu, linh kiện trên thị trường hiện nay. Sáng kiến đạt giải Giải Khuyến khích Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo Nguyễn Phan Vinh năm 2023; Giải Nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 23.
Giới thiệu sáng kiến Hệ thống dập cháy tự động trên tàu ở Lữ đoàn 170. Ảnh: TTV
Sáng kiến chế tạo sinh hàn điều hòa Klimat của Thiếu tá Nguyễn Đức Vũ Bình (Lữ đoàn 170) cũng đạt giải cao tại các cuộc thi và được áp dụng rộng rãi tại đơn vị. Sáng kiến này nhằm kịp thời thay thế, sửa chữa điều hòa bị hỏng trong qua trình khai thác sử dụng tại đơn vị. Ưu điểm của sáng kiến là sử dụng các loại vật tư có sẵn trong nước, đơn vị có thể chủ động tạo nguồn vật tư thay thế trong điều kiện hàng đặc chủng khan hiếm. Qua thực tế sử dụng, sáng kiến đáp ứng được mục tiêu đề ra, có chức năng tương đương, thuận tiện trong lắp đặt.
Cùng với 2 sáng kiến tiêu biểu trên, những năm qua, Vùng 1 cho ra đời gần 100 đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mới, đa dạng trên các mặt công tác. Sản phẩm của các đề tài, sáng kiến này đều đã được ứng dụng tại đơn vị và mang lại hiệu quả cao về kinh tế, thời gian và công nghệ.
Đại tá Nguyễn Việt Trung, Phó Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật Vùng 1 cho biết: Đảng ủy, chỉ huy Vùng đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Các cơ quan đơn vị chủ động, tích cực với tinh thần tự lực, khắc phục khó khăn đồng thời đưa phong trào nghiên cứu khoa học là một trong những tiêu chí thi đua để khích lệ, động viên cán bộ, nhân viên tham gia. Nhờ đó, không chỉ những đơn vị có phong trào phát triển mạnh như Lữ đoàn 170, Lữ đoàn 679 mà các đơn vị mới thành lập, nâng cấp… có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn chế cũng tích cực tham gia nghiên cứu, cải tiến TBKT…
Kiểm tra mô hình tham gia hội thi ở Lữ đoàn 679
Hiện nay, Vùng 1 quản lý, khai thác khối lượng TBKT, khí tài đa dạng, có nhiều trang bị hiện đại nhưng cũng có không ít trang thiết bị đã sử dụng nhiều năm, tăng hạn nhiều lần, hệ số kỹ thuật không ổn định nên dễ phát sinh hỏng hóc. Trong khi lực lượng phân tán nhiều nơi, xa cơ quan chỉ huy, nhu cầu bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa đồng bộ rất lớn. Do đó, những sản phẩm trong nghiên cứu khoa học được áp dụng vào thực tiễn giúp tiết kiệm đáng kể công sức, vật tư, kinh phí đồng thời đáp ứng được yêu cầu đảm bảo kỹ thuật trong thực hiện nhiệm vụ. Tiêu biểu như: Thiết bị kiểm tra tập bắn súng tiểu liên AK của Lữ đoàn 147; Kích chống chìm của Lữ đoàn 169; Quy trình kiểm tra, sửa chữa hệ thống bảng điều khiển trên xe bệ phóng…
Trung tá Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ban Tàu thuyền Vùng 1 chia sẻ: Thông qua việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; ý thức, trách nhiệm, năng lực chuyên môn của cán bộ, nhân viên kỹ thuật đã được nâng lên một bước. Sản phẩm từ các mô hình, sáng kiến, đề tài được áp dụng rộng rãi trong thực hiện nhiệm vụ, giảm được sức người, tiết kiệm thời gian, ngân sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác; góp phần bảo đảm kịp thời TBKT cho Vùng 1 thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Xuân Hương