Nhiều vấn đề được đặt ra từ vụ việc tại Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN), khi trường đang gặp khó khăn tài chính khiến nhiều giáo viên đình công và nhiều nhóm phụ huynh viết đơn cầu cứu khắp nơi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên – người có nhiều năm theo dõi lĩnh vực giáo dục quốc tế – cho rằng ngay cả trong tình huống xấu nhất, quyền được học xuyên suốt của học sinh cần được các bên tính toán kỹ lưỡng.
Luật chưa quy định trường hợp trường học phá sản
* Một trường phổ thông tư thục liệu có thể tuyên bố “phá sản” không, thưa ông?
– Theo tôi biết thì trong Luật Giáo dục lẫn Điều lệ trường phổ thông hiện chưa có quy định về trường hợp trường học phá sản. Điều này có thể do trường công lập vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo và giữ vai trò trọng yếu trong nền giáo dục quốc gia.
Tuy nhiên, nếu xét về phương diện trường tư hoạt động như một doanh nghiệp, hoàn toàn tuân theo quy luật thị trường, bao gồm quy luật cung cầu và quy luật đào thải, thì tình huống trường học bị phá sản là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ở một số nước như Mỹ cũng có các trường học bị phá sản khi gặp khó khăn tài chính vì không tuyển đủ học sinh hoặc không tìm đủ nguồn tài trợ.
* Trong tình huống xấu nhất trường không thể tiếp tục hoạt động, liệu rằng các học sinh có phải “bơ vơ” vì bỗng nhiên mất chỗ học không, thưa ông?
– Dù tình huống một trường tư thục phá sản về lý thuyết có thể xảy ra, nhưng giáo dục là một lĩnh vực kinh doanh có những điều kiện kèm theo. Do vậy, cơ quan quản lý giáo dục cần đưa ra hướng dẫn để xử lý tình huống phát sinh, ổn định việc học cho học sinh.
Ví dụ cơ quan quản lý giáo dục có thể làm trung gian giới thiệu các trường có chương trình học tương đương để học sinh chuyển tiếp.
Mặt khác, thông thường hệ thống công lập có thể sẵn sàng bảo trợ cho một trường tư nào đó buộc phải phá sản vì khó khăn hoặc buộc phải đóng cửa vì sai phạm.
Nhưng cũng phải thấy rằng với học sinh đã học chương trình quốc tế, ngay cả khi trường công mở cửa hỗ trợ tiếp nhận học sinh, các em hầu như khó có thể theo học chương trình Việt Nam vì không tương thích.
Giáo dục phổ thông khác với các loại hình dịch vụ khác ở chỗ đòi hỏi sự ổn định và liên tục. Ở một mức độ nào đó, giáo dục là một loại “dịch vụ thiết yếu” với trẻ em giống như lương thực, nước uống, điện… do vậy cũng cần có một cơ chế đảm bảo an ninh giáo dục.
Cần cơ chế phòng ngừa từ xa
* Phụ huynh có thể làm gì để đòi quyền lợi của mình trong tình huống này, thưa ông?
– Khi trường tuyên bố đóng cửa, phụ huynh có quyền đòi lại phần học phí chưa sử dụng để có thể chuyển sang học trường khác. Nếu phần học phí đã đóng và đã bị sử dụng, cần phải có cơ quan thanh tra việc sử dụng nguồn lực của trường có sai sót dẫn tới tiền học phí của học sinh bị chiếm đoạt hay không.
Nếu trường chỉ giải trình nguyên nhân do lương giáo viên quá cao là một giải trình chưa hết trách nhiệm, cần phải có sự kiểm tra của cơ quan quản lý hoặc tổ chức kiểm toán độc lập. Về quan hệ dân sự, phụ huynh có quyền khởi kiện pháp nhân nhà trường hoặc cá nhân lãnh đạo quản lý của nhà trường và tham gia vào hội nghị chủ nợ.
* Có thể có những biện pháp phòng ngừa từ xa những sự việc tương tự không, thưa ông?
– Theo tôi, rất cần có cơ chế giám sát chặt chẽ được luật hóa để ngăn chặn bất cứ một tổ chức nào có động cơ không trong sáng, ví dụ muốn dựng lên một mô hình giáo dục, thu tiền trước của học sinh rồi sau đó “rút ruột” nguồn lực của trường và tìm cách phá sản theo quy trình “trách nhiệm hữu hạn”.
Tôi cũng đặt câu hỏi với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ở đây. Họ đã kiểm định trường như thế nào? Kết quả kiểm định của trường ra sao? Phụ huynh có quyền được biết kết quả đó hay đó là thông tin “bí mật” của nhà trường?
Theo tôi biết, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục các trường quốc tế như CIS (Hội đồng các trường quốc tế) và WASC (Hiệp hội các trường miền Tây nước Mỹ) đều có những tiêu chí kiểm định chặt chẽ, trong đó bao gồm cả những nội dung về quản trị trường học và nguồn lực tài chính.
Trường học không có chức năng đầu tư tài chính
* Phụ huynh đóng một khoản tiền lớn từ trước, có thể lên tới vài tỉ, sau đó con nhận được ưu đãi học phí hoặc được hoàn tiền sau khi hết học. Từ vụ việc lần này, nhiều người tiếp tục đặt ra câu hỏi về mức độ rủi ro khi tham gia các gói đầu tư này. Quan điểm của ông thế nào?
– Các gói đầu tư giáo dục vẫn là các gói đầu tư có rủi ro, thậm chí có những gói rủi ro rất cao. Sự rủi ro nằm ở chuyện phụ huynh phải đóng tiền trước. Có những gói thu tiền trước của học sinh tới 12 năm hoặc 15 năm.
Trong khi đó, pháp nhân của trường học là “công ty trách nhiệm hữu hạn” – người chủ trường có thể không phải chịu trách nhiệm trên phần tài sản cá nhân của họ trong trường hợp phá sản, cộng thêm việc không có gói bảo hiểm cho các khoản “tiền gửi” này, hay các quỹ trích lập dự phòng bắt buộc trong giáo dục nên rủi ro luôn nằm ở phía người đầu tư (tức là phụ huynh).
Để bảo vệ họ, chỉ có công cụ pháp luật rõ ràng mới có thể ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro. Hiện nay trước mắt, tôi thấy đã có chỉ đạo không cho phép trung tâm ngoại ngữ, tin học thu học phí dài hạn, theo sau một số sự vụ các trung tâm ngoại ngữ thông báo phá sản.
Điều này là hợp lý và có thể áp dụng cho các trường, ví dụ trường học không được phép thu học phí trước quá một năm học. Bởi vì khi thu trước học phí nhiều hơn một năm học, về bản chất đó là thỏa thuận đầu tư trước và một trường học thông thường không có chức năng đầu tư tài chính như vậy.