Phim “A tourist”s Guide to Love” kể chuyện tình cô gái Mỹ du lịch xuyên Việt, rung động với chàng hướng dẫn viên du lịch bản xứ.
Tác phẩm là dự án quốc tế đầu tiên quay tại Việt Nam sau khi kết thúc giãn cách cuối năm 2021. Câu chuyện bắt đầu tại Los Angeles, nhân vật chính Amanda – một chuyên viên du lịch (Rachael Leigh Cook đóng) – đột ngột chia tay bạn trai. Cô được sếp cử đến Việt Nam dưới vỏ bọc du khách để thăm dò một công ty tổ chức tour tại địa phương. Trong chuyến đi, cô làm quen Sinh – hướng dẫn viên du lịch người Việt (Scott Ly).
Với lời đề nghị của Sinh, họ quyết định thay đổi lịch trình, tìm hiểu nhiều vùng đất mới. Khi tình cảm cả hai dần nảy sinh, người yêu cũ của Amanda bất ngờ xuất hiện, khiến cô buộc lựa chọn một trong hai.
Qua 106 phút, chuyện tình cặp nhân vật chính được phát triển theo chuyến đi khám phá Nam – Trung – Bắc của nhóm du khách. Amanda vốn thích mọi thứ diễn ra theo kế hoạch định sẵn, nhưng khi đến Việt Nam, cô chấp nhận nghe theo sự sắp xếp của Sinh – một chàng trai ưa mạo hiểm. Nhờ Sinh, chuyến du lịch của Amanda trở thành cuộc phiêu lưu. Anh hướng dẫn cô cách trả giá để tránh mua hớ tại chợ Bến Thành, hay bày Amanda mẹo qua đường ở TP HCM: “Luôn tiến về phía trước, đừng lùi lại”.
Chuyện tình dần nảy nở khi cả hai có dịp khám phá những ngóc ngách trong tâm hồn. Amanda nhận ra bản thân sẵn sàng đón nhận những thứ mới lạ hơn cô nghĩ, qua cách nhân vật ghi lại nhật ký hành trình: “Mọi thứ ở chuyến đi này đều nằm ngoài dự tính của mình”. Cô đồng cảm hơn với Sinh – một thanh niên gốc Việt về nước lập nghiệp để gắn bó với cội nguồn. Ngày Tết cổ truyền, khi thấy Amanda lần đầu diện áo dài Việt, cũng là lúc Sinh rung động với cô.
Sau một nửa thời lượng, phim dần đuối vì thiếu cao trào. Đạo diễn khắc họa chuyện tình cặp nhân vật chính theo môtíp “hành trình chữa lành”, tuy nhiên những tình tiết lãng mạn chủ yếu được thể hiện qua lời nói, thay vì hành động. Khâu kịch bản mỏng cũng khiến nhiều người xem thấy chuyện tình Amanda – Sinh diễn tiến vội vàng. Khán giả Nguyễn Trâm Anh cho biết: “Câu chuyện của cả hai chưa được khai thác kỹ lưỡng, thiếu chemistry (sự hòa hợp), do đó cách họ yêu nhau chỉ sau vài ngày đồng hành bị thiếu thuyết phục”.
Trên một số diễn đàn điện ảnh, phim bị chỉ ra mắc nhiều lỗi logic. Ở phân cảnh ngày Tết tại Hà Giang, nhiều nhân vật được phát hiện mặc áo cộc tay dù thời tiết lạnh. Trong phân đoạn cuối phim, cảnh nữ chính chạy đi tìm nam chính ở Hà Nội cũng thiếu chuẩn xác về khoảng cách địa lý.
Biên kịch Eirene Trần Donohue thừa nhận phim mắc một số lỗi về tình tiết, cho biết êkíp muốn quay phim theo hành trình du lịch nhưng không đủ thời gian để đảm bảo đúng theo bối cảnh, thời tiết. Là người gốc Việt, Eirene dùng vốn hiểu biết về văn hóa truyền thống quê hương để viết nên kịch bản phim. Cô lấy cảm hứng từ câu chuyện của gia đình và bản thân. Mẹ cô là người Việt, gặp và yêu bố Eirene ở TP HCM, còn cô kết hôn với người chồng hiện tại sau khi tình cờ quen nhau ở Hà Nội.
Điểm cộng của phim là phần hình ảnh, nhiều bối cảnh trong nước hiện lên mượt mà, giàu màu sắc. Vẻ đẹp các danh lam thắng cảnh được khắc họa xen kẽ các phân đoạn về tập quán văn hóa. Nhóm nhân vật khám phá cuộc sống náo nhiệt ở TP HCM với khu chợ Bến Thành, trải nghiệm cảm giác thả hoa đăng trên sông Hoài, Hội An, học gói bánh chưng, chuẩn bị bữa cơm ngày Tết tại Hà Giang, hay xem múa rối nước ở Hà Nội.