Trên thực tế, giáo dục trẻ quản lý tài chính tập trung vào chi tiết và từng khoảnh khắc trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, khi đứa trẻ xin tiền mẹ, lời nói của người mẹ có thể ảnh hưởng đến quan điểm của đứa trẻ về tiền bạc. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi nói chuyện với con cái về vấn đề này.
Hai bà mẹ (Trung Quốc) đang trò chuyện ở cổng trường, cùng các con của họ ở bên cạnh. Bọn trẻ có quan hệ tốt, và quyết định cùng nhau đi xem phim mới vào buổi tối. Vì vậy cô bé Tiểu Lý ngẩng đầu xin mẹ tiền mua vé xem phim: “Mẹ, con muốn 200 ngàn đồng để xem phim buổi tối”. Không nói lời nào, mẹ cô bé lấy ra 500 ngàn đưa cho con gái. Đứa trẻ mừng rỡ, hôn hít, ôm eo mẹ cười hạnh phúc.
Nhưng mẹ của Tiểu An lại làm hoàn toàn ngược lại, Tiểu An cũng ngẩng đầu xin tiền mẹ: “Mẹ ơi, con muốn 100 ngàn để xem phim”. Người mẹ cúi xuống kiên nhẫn hỏi con: “Tên phim là gì? Con định đi xem phim ở đâu, mua bao nhiêu vé, phương tiện đi lại như thế nào và ước tính tổng chi phí là bao nhiêu?”.
Tiểu An bị câu hỏi của mẹ làm cho bối rối, cô bé trầm ngâm hồi lâu rồi đỏ mặt trả lời mẹ: “Phim là phim mới chiếu, có khi tốn hơn 70 ngàn. Con định tự mua vé đi, thêm tiền xe buýt và tiền nước khoảng 100 ngàn đồng”.
Sau khi Tiểu An trả lời mẹ, mẹ cô đã lấy trong túi ra 100 ngàn đồng và đưa cho đứa trẻ rồi nhẹ nhàng nói: “Mẹ sẽ cho con thêm 50 ngàn, số tiền này sẽ được tính là quỹ dự phòng. Con có thể chọn mua vé cho bạn, hoặc hai đứa sẽ mua một ít đồ ăn nhẹ. Đây là lần thứ hai mẹ đưa tiền tiêu vặt cho con trong tháng này nhé”. Tiểu An cầm lấy 150 ngàn đồng, gật đầu và cười hạnh phúc.
Hai đứa trẻ đang xin tiền mẹ, nhưng cách làm của họ rất khác nhau. Người mẹ đầu tiên đưa tiền liền cho đứa trẻ bao nhiêu tùy thích. Người mẹ thứ hai thay vì đồng ý với số tiền mà con đòi thì lại hỏi con mục đích xin 100 ngàn là gì.
Sau đó, hướng dẫn trẻ lập kế hoạch tiêu tiền và sử dụng đúng phần tiền này. Điều đáng chú ý là người mẹ rất biết hoạch định tiền bạc, đến cuối cùng không đưa cho đứa trẻ 100 ngàn mà là 150 ngàn đồng.
Nhìn qua cũng có thể thấy, quan điểm về tiền của người mẹ thứ hai quả thực đáng khâm phục, được giáo dục đúng đắn, con cái sẽ biết nhìn nhận lại tiền bạc và biết cách tiết kiệm, quản lý tài chính hợp lý.
Sự thật đã chứng minh rằng giáo dục quản lý tài chính khác nhau tạo ra những đứa trẻ rất khác nhau. Tiểu Lý thường tiêu xài phung phí, chiêu đãi bạn bè và lấy tiền mẹ vất vả kiếm được không đắn đo. Trong khi bố mẹ cũng chỉ là những người làm công ăn lương bình thường, không dư dả mấy.
Mẹ của Tiểu An không hào phóng với con cái, nhưng bà là Phó giám đốc công ty, có thực lực kinh tế vững vàng. Dưới sự huấn luyện của mẹ, Tiểu An rất thận trọng trong việc tiêu tiền, thường tích cóp tiền tiêu vặt để mua những thứ mình thực sự cần.
Cách cư xử của hai bà mẹ phản ánh quan điểm của họ về tiền bạc và ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của con cái. Người mẹ thứ hai hiểu rất rõ rằng cần phải tích cực giáo dục về tài chính và trí tuệ cảm xúc cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Tiết kiệm luôn là một đức tính đáng quý nhưng đôi lúc tiết kiệm lại dễ bị nhầm lẫn với những hành vi tằn tiện, bủn xỉn. Có thể thấy rất rõ sự khác biệt khi nhìn vào bức ảnh những người đi mua rau dưới đây.
Vì muốn lựa chọn thứ tốt nhất, ngon nhất, họ sẵn sàng bẻ hết lá bên ngoài của búp rau, chỉ để lại phần lá non. Ngoài ra khi chỉ lấy phần đọt non, cân nặng của chúng sẽ nhẹ hơn, như vậy những người này đã mua được mớ rau vừa ngon lại vừa rẻ. Ai cũng hồ hởi vui sướng vì đã tiết kiệm được một vài đồng.
Nếu như bạn không cảm thấy việc đó là đáng xấu hổ mà lại rất tự hào. Hơn nữa, lại dùng cách này để giáo dục cho con mình, việc này sẽ gây ra tác động tiêu cực đối với tương lai của chúng mà bạn không thể ngờ tới.
Trước đây từng có một câu hỏi trên mạng xã hội Trung Quốc rằng: “Người gây khó chịu nhất cho bạn là ai?“
Một cư dân mạng đã trả lời: “Đó là đồng nghiệp của tôi, Tiểu Lệ. Cô ấy và tôi là bạn học từ nhỏ. Mặc dù cả hai có duyên phận sâu sắc đến lớn nhưng tôi thật sự không thích cô ấy.
Tiểu Lệ là cô gái có gia cảnh tốt, tính tình không đến nỗi tệ nhưng cô ấy lại rất kén chọn và thích lợi dụng người xung quanh.
Ngày đó đứa trẻ nào cũng có bút và gôm nhưng cô ấy luôn thích mượn của bạn khác để dùng. Lâu dần cũng không đứa bạn học nào muốn cho Tiểu Lệ mượn nữa.
Sau này Tiểu Lệ đi làm ở công ty, tính của cô ấy vẫn không thay đổi một chút nào. Cô ấy luôn xuýt xoa, tỏ vẻ thèm thuồng khi nhìn thấy đồ ăn, xe cộ, quần áo hay bất cứ thứ gì của đồng nghiệp khác. Không hiểu cô kiếm được tiền để làm gì? Và cũng vì vậy cô ấy không bao giờ được thăng chức.
Công ty thường hay có những món quà tặng cho khách hàng. Tiểu Lệ là nhân viên kinh doanh nên cô ấy thường xén bớt hoặc ăn chặn quà của khách. Cô ấy tưởng mọi người không biết, thực chất ai cũng rõ tính cách của cô như lòng bàn tay.
Đến khi có cơ hội thăng chức lên trưởng nhóm, Tiểu Lệ tuy có năng lực cao nhưng đã bị gạch tên ngay lập tức. Giám đốc bộ phận nói rằng nếu cho Tiểu Lệ lên chức, cô ta sẽ ngang nhiên ăn bớt đến mức nào.”
Có thể nói rằng, chỉ vì cái lợi nhỏ trước mắt, Tiểu Lệ đã đánh mất đi tiền đồ của mình. Gốc rễ của vấn đề chính là ở thói quen tằn tiện đến bủn xỉn của cô ngay từ khi còn nhỏ.
Chính vì vậy, phụ huynh cần phải lưu ý, nhất là khi con còn nhỏ, là giai đoạn quan trọng để hình thành nhân cách. Một khi phát hiện ra dấu hiệu của sự tằn tiện thì phải tìm cách giúp trẻ cắt bỏ càng sớm càng tốt, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Những hành vi tuy rất nhỏ nhặt nhưng sau này trẻ khó có thể tạo ra sự khác biệt lớn, bố mẹ tuyệt đối không nên xem thường.
Tiết kiệm kiểu chỉ chăm chăm tận dụng
Tiết kiệm thái quá sẽ có thể dẫn đến sự đánh đổi, hy sinh phẩm chất đạo đức và giá trị bản thân. Ví dụ, trẻ có được món đồ mới như cục tẩy, cây bút sẽ không dám dùng mà cất kín, sau đó mượn của bạn khác để sử dụng.
Thậm chí, trẻ có thể lấy cắp của bạn khác. Hành vi này, về lâu dài, khiến trẻ trở thành người thiển cận, chỉ ham lợi ích nhỏ, không biết quan tâm và chia sẻ với người khác. Khi trưởng thành, trẻ khó có được sự giúp đỡ của tập thể bởi chỉ biết nhờ vả mà không biết hỗ trợ trở lại. Trong môi trường xã hội, họ khó có được bạn tốt, đồng nghiệp tốt.
Xem tiết kiệm là tất cả
Tiết kiệm tiền là điều quan trọng, nhưng cha mẹ không nên xem đó là điều duy nhất cần làm. “Thay vì tiết kiệm, tại sao bạn không dạy con cách phát triển số tiền chúng kiếm được?”, chuyên gia tài chính Kim Kiyosaki đặt câu hỏi.
Chuyên gia tài chính khuyên các gia đình nên dạy trẻ hiểu về các kiến thức tài chính như quỹ tương hỗ hoặc cách phát triển một doanh nghiệp nhỏ.
Không tuân theo các quy tắc
Tại địa điểm tham quan, một bé gái đã chặn mẹ mình lại khi bà đang chuẩn bị mua vé vào cổng. Theo quy định, khi bé cao trên 1,2 mét sẽ phải mua vé nhưng bé gái này nheo mắt nói với mẹ: “Con mặc váy mà, lát nữa khi nhân viên soát vé kiểm tra con sẽ chùng chân xuống, họ không biết đâu”.
Người mẹ thoáng ngạc nhiên rồi cười: “Con gái ngoan ghê, biết tiết kiệm tiền cho mẹ”.
Hành động “trốn vé” có thể giúp mẹ con này tiết kiệm được một chút tiền, thế nhưng sự không trung thực này sẽ dạy cho bé gái điều gì?
Người mẹ có thể nghĩ con mình khôn và cô cũng không thể lường được thói quen không trung thực từ những điều nhỏ nhặt này thực chất chỉ là khôn vặt, là lươn lẹo và sẽ gây tác động xấu thế nào đối với quá trình hình thành nhân cách của đứa trẻ.
Không hiểu được nhu cầu thực sự của bản thân
Tiết kiệm đúng cách là hành động không xa hoa, lãng phí mà vẫn đảm bảo nhu cầu của bản thân. Trong trường hợp tiết kiệm đến mức không còn lắng nghe nhu cầu bình thường của mình là sai lầm lớn. Điều này giới hạn tầm nhìn của trẻ, khiến trẻ quá chú trọng vào những thứ trước mắt mà không bao giờ nghĩ đến lợi ích lẫn mất mát lâu dài của bản thân.
Chỉ cho con mặc quần áo cũ được người thân, bạn bè cho để tiết kiệm
Tuổi thơ của mỗi đứa trẻ rất ngắn. Đây cũng là độ tuổi mà tính cách của trẻ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nếu trong độ tuổi này, cha mẹ để con mặc những bộ đồ cũ kỹ được người thân, bạn bè cho có thể khiến trẻ bị bạn bè cười chê. Theo thời gian, những đứa trẻ này sẽ cảm thấy thiếu tự tin, không dám đến nơi đông người.
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy có thể trở nên cực đoan khi trưởng thành. Vì chịu sự kiểm soát lâu ngày của cha mẹ khiến chúng có thể tăng cường nỗ lực để thoả mãn bản thân khi có khả năng tài chính. Chúng có xu hướng đặt nặng vấn đề tiền bạc, làm việc điên cuồng, thậm chí là bất chấp để kiếm tiền. Sau khi có tiền, chúng có thể tiêu xài hoang phí với mong muốn bù đắp những thiệt thòi thuở nhỏ.
Ngược lại, một số trẻ lại có xu hướng tiết kiệm quá mức, dè xẻn trong chi tiêu, luôn ép bản thân sống trong khổ hạnh.
Cho trẻ thấy mình phải chật vật vì tiền để trẻ có ý thức tiết kiệm
Nhiều cha mẹ liên tục than vãn về chuyện tiền bạc với con cái để tạo áp lực cho trẻ. Khi cha mẹ làm vậy, trẻ sẽ hình thành tâm lý sợ hãi cuộc sống trưởng thành. Thậm chí, trẻ sẽ coi tiền là gánh nặng và là mục tiêu số một trong cuộc sống sau này.
Đề cao giá trị đồng tiền
Đồng tiền rất quan trọng nhưng chỉ là vật chất, là phương tiện để sống, không phải là tất cả. Trong nhiều trường hợp, cha mẹ vì nghèo nên chặt chẽ với con từng đồng, cấm ngặt con những nhu cầu tối thiểu, khiến đứa trẻ sợ hãi sự khó nghèo, dần hình thành tâm lý tôn thờ tiền bạc. Khi trưởng thành, trẻ trọng vật chất, trở nên toan tính, thậm chí đánh đổi cả danh dự vì tiền.
Nói với con về tiền bạc từ sớm
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Giáo dục tiền bạc là một khóa học bắt buộc trong cuộc sống và là trọng tâm của giáo dục con cái, cũng giống như tiền bạc là trọng tâm của gia đình”.
Trong khi đó, doanh nhân người Mỹ gốc Nhật Robert Kiyosaki – tác giả cuốn “Cha giàu, cha nghèo” – cho biết: “Nếu bạn không thể dạy con mình về tiền bạc, sau này sẽ có người khác thay thế bạn, chẳng hạn như chủ nợ, cảnh sát và thậm chí là những kẻ lừa đảo. Nếu để những người này giáo dục con bạn về tài chính, tôi sợ bạn và con của bạn sẽ phải trả cái giá đắt hơn”.
Theo các chuyên gia, không bao giờ là quá sớm cho việc giáo dục con về tiền bạc. Trong quá trình lớn lên của trẻ, sự thiếu nhận thức đúng đắn về tiền bạc khiến trẻ không hiểu hết ý nghĩa của đồng tiền, không biết cách sử dụng tiền và dễ sai lầm.
Trong đó, dạy con tiết kiệm là một trong những công việc khó khăn và vất vả nhất của cha mẹ. Bởi, nuôi dạy trẻ cần phương pháp và thời gian, không phải ngày một ngày hai mà cha mẹ có thể khiến một đứa trẻ từ nghe lời, thành tự giác, rồi có một thói quen.
Hướng dẫn con cách sử dụng tiền hợp lý
Công việc dạy trẻ tiết kiệm càng trở nên khó khăn hơn gấp bội, khi cha mẹ cần hướng dẫn con cách sử dụng tiền hợp lý.
Ở hầu hết các quốc gia châu Á, cha mẹ sẽ quản lý tiền tiêu vặt của con. Phụ huynh cũng sẽ chi thêm cho các khoản phát sinh. Tuy nhiên, ở Nhật Bản lại không phải như vậy. Tại xứ sở hoa anh đào, phụ huynh mong muốn giúp trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền và tự quản lý chi tiêu. Đặc biệt, nếu muốn có được số tiền để mua thứ gì đó, trẻ phải lao động và tiết kiệm.
Cách dạy con tiết kiệm tiền của phụ huynh Nhật Bản được coi là vô cùng đáng học hỏi. Tại quốc gia này, cha mẹ đưa tiền tiêu cho con một lần vào đầu tháng. Nếu chẳng may các em có tiêu hết thì cũng sẽ không được cho thêm khoản nào cả. Do đó, ngay từ bé, các em đã phải học cách tính toán chi tiêu và phân chia tiền hợp lý trong tháng.
Ngay khi còn là học sinh mầm non, mỗi bé sẽ được cha mẹ cho 50 – 70 yên/ngày. Các bé có thể mua cho mình bánh kẹo hoặc đồ chơi với giá từ 10 – 50 yên. Vì vậy, để mua được món đồ với giá 50 yên, các bé phải “nuôi heo”. Điều đó tạo cho các bé khả năng tiết kiệm.
Lên bậc tiểu học, các bé bắt đầu được cho tiền tiêu vặt hàng tháng, đầu tiên là 1.000 yên, để bé được mua thứ mình thích. Nếu sử dụng hết, muốn mua thêm thứ khác, trẻ phải đợi tới tháng sau. Tùy từng gia đình mà quyết định khoản tiêu vặt đó được dùng để mua gì, có thể là đồ dùng học tập hay đồ chơi. Lớn hơn một chút, số tiền tiêu vặt đó sẽ tăng, nhưng không quá nhiều.
Cha mẹ Nhật sẽ hướng dẫn các em ghi chép các khoản chi trong tháng, được cho bao nhiêu? Mua cái gì? Giá bao nhiêu?… Sau đó, để trẻ tự hệ thống lại cái gì đáng và không đáng mua để tháng sau chi tiêu hợp lý hơn. Ngoài ra, cha mẹ Nhật luôn lên phương án dạy con phải có kế hoạch trong tương lai, muốn có “thù lao” thì phải lao động và tích lũy từng ngày.
Hãy nói với con tiền từ đâu mà có
Hai nhà tâm lý học nổi tiếng của Ý Anna Berti và Anna Bombi nhận xét trẻ trong độ tuổi từ bốn đến năm thường nghĩ rằng mọi người ai cũng có tiền và ngân hàng là nơi phát tiền cho mọi người sử dụng. Phần lớn trẻ chỉ được nhìn thấy bố mẹ, người thân đến quầy giao dịch ngân hàng hay cây ATM rút tiền, nên không có gì ngạc nhiên khi trẻ có suy nghĩ như vậy.
Hãy từ từ giải thích cho trẻ hiểu tiền thực sự từ đâu mà có. Nói với trẻ về công việc mà bạn làm, bạn được trả lương như thế nào, vì sao ngân hàng đưa tiền cho bạn. Hãy giải thích thời gian ban ngày bạn không ở bên con là để đi làm, để kiếm tiền ra sao. Bằng cách tâm sự, con của bạn sẽ dần hiểu được tiền có được là dựa trên lao động, công sức; chính vì thế không nên phí phạm hay sử dụng hoang phí đồng tiền kiếm được.
Dạy con về tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền là một quá trình. Bạn phải thừa nhận sự thật rằng những sai lầm sẽ rất dễ xảy ra. Ví dụ, con bạn có thể tiêu quá nhiều tiền cho một món đồ không cần thiết. Mặc dù có thể dễ dàng hướng con khỏi sai lầm này, nhưng đôi khi tốt hơn hết bạn nên ngồi lại và để nó xảy ra. Nó sẽ dạy cho con bạn biết rằng chúng nên quan tâm đến tiền của mình hơn là tiêu tiền vào những thứ mà chúng không cần đến.
Điều này có thể khó khăn cho chúng ta với tư cách là cha mẹ. Suy cho cùng, tiền bạc là có giá trị, và bạn không muốn thấy con mình lạm dụng nó. Tuy nhiên, những sai lầm này sẽ dẫn đến những bài học cuộc sống quý giá. Bạn sẽ thấy rằng con bạn sẽ không bị cám dỗ để làm điều này nữa. Nó khuyến khích con suy nghĩ nhiều hơn về thói quen chi tiêu của mình. Nếu con mắc phải quá nhiều sai lầm, đã đến lúc phải bước vào và giải quyết chúng.