Chị L.T.M., 46 tuổi, ngụ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ chị rất hay khó chịu với chồng và hai con của mình về những việc họ làm trong sinh hoạt hằng ngày.
Nhà sạch hơn khách sạn
Đến nhà chị M., người khách nào bước vào nhà cũng phải “giật mình” vì nhà chị rất sạch, đồ đạc để thật ngay ngắn như được đúc trong khuôn mẫu. Bạn chị đến chơi thì nói vui: “Nhà M. còn sạch hơn cả khách sạn 5 sao”.
Để nhà gọn sạch đến mức này thì “rảnh lúc nào chị lại tập trung vào dọn nhà”. Sáng chị dậy từ 4h sáng, bắt đầu dọn dẹp dưới phòng trệt, cầu thang, sân thượng… Chị M. bảo hôm nào nhà cửa chưa dọn xong chị không thể đi ngủ.
Phòng của hai con, chị phân công cho hai con lau dọn nhưng lúc nào vào phòng của các con chị đều nói muốn “tăng xông” vì đồ đạc để không gọn gàng. Chị nhiều lần dạy các con drap giường phải trải phẳng phiu như thế nào, chăn gấp đẹp ra làm sao, gối cũng phải để cho cân đối, chứ không phải nghiêng về bên này hay bên khác. Trên bàn học sách vở phải để gọn gàng thế nào, còn trong nhà tắm chị đã dặn các con nhiều lần chiếc khăn mặt treo lên cũng phải treo cho thẳng tắp, vuông vắn, hai mép khăn phải thật bằng nhau…
Vậy mà lần nào vào phòng các con chị cũng phải “la lối” vì chỗ này chưa được, chỗ kia cũng chưa được. Con chị một hôm bày tỏ thái độ: “Mỗi lần vào phòng con mẹ bực mình đến vậy thì lần sau mẹ đừng vào nữa ạ”.
Chị M. khựng người trước câu trả lời của con nhưng vẫn nói thêm: “Mẹ nói để con biết cách sắp xếp đồ đạc cho gọn gàng. Khi con biết cách sắp xếp thì con làm việc gì sau này cũng tốt”.
Có lần con chị lại nói: “Con thấy gọn gàng là tốt nhưng không nên dành thời gian dọn dẹp mà hết thời gian làm được việc khác. Con quan tâm đến việc thiết kế phần mềm hơn, nên với con gọn gàng tương đối là được”.
Vậy rồi, những câu chuyện trong gia đình chị cứ xoay trong việc xếp cái bát sao cho đẹp thẳng tắp, rửa ly xong cũng thế, phải làm sao cho các bông hoa trên ly cùng xoay ra ngoài, cùng quay một phía…
Do quá kỹ tính nên chị M. thừa nhận mình cũng mệt mỏi khi luôn nhắc chồng và hai con gọn gàng giống mình.
Về phía chồng con, chị cảm thấy mọi người không thích, không thoải mái nhưng không hiểu sao chuyện sắp xếp gọn gàng đã “ăn vào máu của chị”, chị thấy rất khó chịu khi đồ đạc không được để đúng vị trí của nó. Như xếp ly chén xong chị phải chỉnh ly chén thế nào cho đẹp mắt nhất. Lau nhà xong chị còn nhìn nghiêng xem sàn nhà đã bóng sạch chưa…
Ba loại khăn lau nhà với màu đỏ, xanh, trắng
Chị H.T.N., 26 tuổi, ngụ ở Q.Tân Phú, kể khi cưới xong về nhà chồng ở chị thấy rất áp lực vì mẹ chồng kỹ tính và rất sạch sẽ.
Mẹ chồng nhiều năm chỉ ở nhà nội trợ, nuôi con nên mọi thời gian bà chỉ chăm chăm vào căn nhà. Hằng ngày đều đặn 4h30 sáng bà đã dậy lau chùi hết các tầng lầu, trừ phòng ngủ của mọi người, lau chùi từng chiếc bàn, chiếc ghế, các cửa kính… Bà có ba chiếc khăn để lau nhà với ba màu khác nhau. Màu đỏ để lau nhà lần đầu, màu xanh lau lần hai và khăn màu trắng lau lần ba.
Chổi cũng có nhiều loại. Chổi quét các lầu trên, chổi quét dưới trệt, chổi quét ngoài sân, chổi quét sân thượng… Đó chỉ là một số việc chị N. kể tượng trưng để biết việc gì bà cũng làm tỉ mỉ như vậy.
Chị N. cũng là dân từ tỉnh vào TP lập nghiệp, dù cố dậy sớm nhưng hầu như toàn dậy sau mẹ chồng. Chị N. muốn giúp mẹ chồng nhưng chị bảo phải cả tuần sau khi về nhà chồng ở chị mới nhớ hết các bước lau nhà, quét nhà, các bước dọn dẹp của bà. Dù cố gắng làm việc nhà để mẹ chồng có thể hài lòng nhưng kể từ ngày về nhà chồng chị N. chưa lần nào được mẹ chồng hài lòng.
Mẹ chồng chị ít nói, bà không phàn nàn gì nhiều, bà chỉ nói “con làm vậy chưa được, để mẹ làm cho” là chị N. đã hiểu bà chưa vừa lòng với cách chị làm. Chị N. bắt đầu le lói có ý định muốn ra ở riêng dù chồng chị là con trai duy nhất trong nhà.
Còn chị P.B.T., 42 tuổi, ngụ ở Q.Phú Nhuận, kể lần đó chị cùng một số người trong cơ quan được một đồng nghiệp mời đến nhà ăn cơm trưa. Lúc mọi người đến nhà, đồng nghiệp của chị đã làm xong hết, gọn gàng như nhà hàng và mọi người chỉ việc ngồi ăn.
Tuy nhiên đến lúc ăn thì đồng nghiệp của chị dặn mọi người ăn xong phải vất đồ vào đâu, khăn ăn để thế nào, ly uống nước để sao cho dễ ăn… Không khí hôm đó thật trầm lắng, ai cũng ráng ăn nhẹ, nói khẽ, chuẩn chỉnh đến mức cao nhất có thể.
Vừa bước ra khỏi căn hộ những đồng nghiệp của chị đã nói với nhau “đi ăn, đi chơi mà thấy căng thẳng quá”.
“Ai cũng biết việc sạch sẽ, gọn gàng là điều tốt, là việc nên làm nhưng việc gọn gàng, sạch sẽ làm ảnh hưởng đến niềm vui hoặc tạo ra sự căng thẳng, mệt mỏi cho mọi người xung quanh thì cũng cần xem lại. Một người kỹ tính, sạch sẽ không sao nhưng đừng bắt tất cả mọi người phải giống mình vì mỗi người mỗi khác, chứ không phải tất cả mọi người nhất nhất theo một hình mẫu nào đó”, chị T. nêu ý kiến.
Bừa bộn quá thành bầy hầy, kỹ tính quá thành ra tự gây áp lực, nên một gia đình làm sao cho cân đối các đòi hỏi của nhau không phải đơn giản khi từ những mảnh ghép, những cá tính riêng về chung một nhà.
Vậy nên chăng cả vợ lẫn chồng mỗi người nên tiến một chút hoặc lùi một chút, thay vì bức bối vì nhà cửa chưa tinh tươm như ý thì mình cùng vui vì đã chu đáo toàn tâm với gia đình, cảm nhận hạnh phúc trong cả sự khác biệt.
Mọi người cùng dễ bị áp lực
Có những hôm cảm thấy như trong nhà không ai hiểu mình, chị L.T.M. tâm sự với chị gái. Chị gái khuyên: “Em gọn gàng, sạch sẽ là tốt nhưng đừng bắt tất cả các người khác, đặc biệt những người thân, cũng phải sống sạch như em. Khi người thân không theo được em, mà chị tin chắc ít người sạch được như em, em sẽ buồn. Sống trong không khí luôn đòi hỏi theo ý em, chồng và các con của em cũng sẽ buồn”.