Để đạt mục tiêu tăng trưởng, Trung Quốc muốn ổn định bất động sản, cơ sở hạ tầng, đồng thời đầu tư vào sản xuất, công nghệ.
Từ năm 2000, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Trung Quốc trên 8% mỗi năm, mở ra thời kỳ mức sống cải thiện đáng kể, nghèo cùng cực gần như không còn. Nhờ mở cửa thị trường và cải cách thương mại, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới về quy mô tính bằng USD và lớn nhất thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP).
Tuy nhiên, tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc đi kèm với sự mất cân đối trong nền kinh tế. Người dân chi tiêu không cao và chủ yếu là tích lũy tiết kiệm. Nguồn lực này lại chảy vào bất động sản và hạ tầng, là hai động lực tăng trưởng truyền thống. Theo thời gian, lợi ích từ các trụ cột này giảm dần, thậm chí gặp khó.
Xây dựng đường bộ, cầu cống và đường sắt cao tốc khiến nợ của các chính quyền địa phương ngày càng tăng cao. Ngành bất động sản – trước đây chiếm hơn 20% hoạt động kinh tế của Trung Quốc, đã bước vào năm khủng hoảng thứ ba.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), số lượng dự án xây dựng mới đã giảm 60% so với trước đại dịch. Vào năm 2023, giá nhà hiện hữu đã giảm 6,3% so với cùng kỳ 2022 tại các thành phố lớn.
Bất chấp hai động lực truyền thống này chậm lại, Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay khoảng 5%, tương tự 2023. Để đạt được, giới chức định sẽ ra sức ổn định chúng. Tại cuộc họp quốc hội thường niên đầu tháng này, Thủ tướng Lý Cường hứa sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước và giảm bớt rủi ro trong lĩnh vực bất động sản và nợ chính quyền địa phương.
Theo đó, Bắc kinh muốn hợp lý hóa việc chi tiêu cho động lực cơ sở hạ tầng. Sẽ không có tuyến tàu điện ngầm mới ở Cáp Nhĩ Tân. Tại Côn Minh, giai đoạn 3 của hệ thống tàu điện ngầm chưa được trung ương phê duyệt. Ở Baotou (Nội Mông), việc xây dựng tàu điện ngầm cũng đang hoãn.
Với bất động sản, Bắc Kinh đề nghị các địa phương lập “danh sách trắng” dự án bất động sản mà các ngân hàng quốc doanh có thể tiếp tục cấp vốn. Chính quyền đồng thời tập trung hơn vào phân khúc nhà ở giá rẻ được trợ cấp bởi nhà nước.
Song song đó, Bắc Kinh giờ tập trung vào “lực lượng sản xuất mới”. Wang Huiyao, nhà sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, nói thuật ngữ này phản ánh niềm tin của chính phủ rằng kinh tế kỹ thuật số, công nghệ cao và chuyển đổi năng lượng có thể thúc đẩy tăng trưởng.
Xiang Songzuo, Giám đốc Viện nghiên cứu tài chính khu vực Vịnh Lớn, Cựu Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết chính phủ muốn một quá trình tăng trưởng suôn sẻ, có kiểm soát để tránh những vấn đề nghiêm trọng có thể phát sinh như tỷ lệ thất nghiệp cao và bất ổn xã hội.
“Họ biết các động lực cũ không còn có thể đảm bảo cho tương lai kinh tế nữa nên đang thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực mới này”, ông nói.
Để tài trợ cho chính sách kích thích “lực lượng sản xuất mới”, chính phủ có kế hoạch phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ (gần 138,3 tỷ USD) trái phiếu dài hạn trong năm nay. “Có sự đồng thuận rằng nền kinh tế Trung Quốc cần phải tiếp tục phát triển, với cấu trúc, mô hình tăng trưởng cần phải chuyển sang phân khúc cao cấp”, ông Xiang Songzuo nói thêm.
Trước đó, nhờ được hỗ trợ chính sách, đường phố Bắc Kinh và Thượng Hải phủ đầy xe điện nội địa của BYD, Nio, Li Auto và XPeng. Không chỉ thế, ngành sản xuất pin mặt trời của họ cũng phải khiến phương Tây e dè. Nước này tiếp tục muốn khẳng định tên tuổi ở các lĩnh vực như chuyển đổi năng lượng, trí tuệ nhân tạo, kinh tế kỹ thuật số và công nghệ sinh học.
Nhưng vẫn có những thách thức trong việc gia tăng sức mạnh cho các động lực tăng trưởng mới. Dư thừa sản xuất ở một số ngành công nghiệp có thể tạo ra tranh chấp thương mại với các nền kinh tế lớn khác, theo Le Monde.
Tăng cường sản xuất cũng đòi hỏi người tiêu dùng nội địa mở hầu bao hơn. Tuy nhiên, sau khi thị trường bất động sản trầm lắng, niềm tin người tiêu dùng cũng suy giảm, do khoảng 70% tài sản hộ gia đình nước này nằm trong nhà đất. Thống kê cho thấy trong khi sản xuất tăng tốc trong tháng 1 và tháng 2, ở mức 7% so với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ chỉ tăng 5,5%.
Louise Loo, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Oxford Economics đánh giá hoạt động kinh tế đầu năm của nước này đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, một số yếu tố mạnh mẽ có thể chỉ là tạm thời. Thị trường việc làm vẫn xấu đi. Tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc đã tăng lên 5,3% trong tháng 2 từ mức 5,2% trong tháng 1.
“Người tiêu dùng tạm thời phấn khích nhờ chi tiêu liên quan đến mùa Tết. Nhưng nếu không có thêm kích thích tiêu dùng lớn năm nay, khó duy trì tốc độ chi tiêu mạnh mẽ”, chuyên gia nói.
Đến nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tiếp tục cam kết triển khai các biện pháp tiếp theo để giúp ổn định tăng trưởng, sau khi các bước được thực hiện kể từ tháng 6 chỉ có tác dụng khiêm tốn. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo năng lực tài chính của Bắc Kinh hiện hạn chế và cho rằng bài phát biểu của ông Lý Cường tại cuộc họp Quốc hội tháng này chưa tạo được niềm tin cho nhà đầu tư.
Cuối tuần này, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc hai tháng đầu năm đạt 215,1 tỷ nhân dân tệ (29,88 tỷ USD) giảm 19,9% so với cùng kỳ 2023, nối tiếp xu hướng giảm bắt đầu sau khi tăng trưởng chững lại do suy thoái bất động sản kéo dài và nhu cầu trong nước yếu.
Một số nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc có nguy cơ rơi vào giai đoạn trì trệ như Nhật Bản vào cuối thập kỷ này, trừ khi chính quyền điều chỉnh lại nền kinh tế theo hướng tiêu dùng hộ gia đình và phân bổ nguồn lực theo thị trường.
Zichun Huang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, kỳ vọng động lực kinh tế sẽ cải thiện hơn nữa trong thời gian tới nhờ vào làn gió thuận lợi từ chính sách kích thích. “Nhưng sự phục hồi này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do những thách thức cơ cấu cơ bản của nền kinh tế”, ông nói.
Phiên An (theo Le Monde, Reuters, WSJ)