SGGPO
Một phóng sự truyền hình được viết bằng ứng dụng ChatGPT vừa được phát sóng trên Đài Truyền hình TPHCM (HTV). Đây là phóng sự đầu tiên tại Việt Nam do AI viết, thu hút sự quan tâm, chú ý của khán giả cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ thông minh nhân tạo.
Phóng sự “Xu hướng phát triển trí thông minh nhân tạo tại Việt Nam” trong chương trình Cuộc sống tương lai Cafetek của HTV9 phát sóng mới đây do chính ChatGPT viết. Chỉ trong vòng 8 phút, ChatGPT có thể đề xuất được 5 phần chính trong kịch bản và tự viết được hơn 500 chữ cho mỗi phần. Ngoài ra, ứng dụng này còn đề xuất thêm những chuyên gia tại Việt Nam để phỏng vấn, bổ sung vào bài phóng sự. Sau khi có bài viết cơ bản từ ChatGPT, ekip tiến hành lồng tiếng và tiến hành dựng clip trên nền tảng mà ứng dụng này đã viết.
Ekip chương trình Cuộc sống tương lai Cafetek đang dựng phóng sự dựa trên nội dung do ChatGPT viết |
Theo đánh giá của ChatGPT, hiện nay Chatbot và AI là công cụ đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, công nghệ trí thông minh nhân tạo được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như tự động hoá, hỗ trợ trực tuyến… Tuy nhiên, Chatbot và AI đang đối mặt về việc an toàn dữ liệu, nhiều công ty quan tâm đến bảo mật và hệ thống luôn hoạt động ổn định, độ chính xác về công nghệ cũng là một thách thức rất lớn. Bên cạnh đó, ChatGPT cho rằng, ChatBot và AI tại Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển công nghệ, bao gồm các nền tảng AI, BigData, dịch vụ trực tuyến, dịch vụ tự động hoá để cung ứng cho toàn cầu…
Đoạn phóng sự được nhiều khán giả, chuyên gia đánh giá là dễ nghe, đủ thông tin và đúng bố cục từng phần đối với một phóng sự cơ bản. Nhìn nhận về khả năng của ChatGPT trong ngành làm nội dung, nhiều chuyên gia công nghệ cũng đánh giá sự khó lường với khả năng công nghệ trí thông minh mang lại.
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội tin học TPHCM đánh giá, khó có thể nhận ra đây là phóng sự do ChatGPT viết, những thông tin mà ứng dụng này tổng hợp trong phóng sự đầy đủ toàn diện, bao quát trong ngành công nghệ tại Việt Nam.
“Rõ ràng với lượng dữ liệu lớn và học hỏi liên tục của AI, kinh nghiệm tổng hợp thông tin của ứng dụng này thực sự tốt và rút ngắn thời gian cho con người rất nhiều so với cách chúng ta phải lục tìm qua nhiều tư liệu của các nguồn rồi lại phải tổng hợp thủ công, rất mất thời gian”, ông Vũ Anh Tuấn cho biết.
Còn theo nhà báo Ngô Trần Thịnh, chịu trách nhiệm sản xuất chương trình Cafetek cho biết, văn bản mà ChatGPT thực hiện có thể tự tổng hợp, bố cục và viết bài tương tự như một biên tập viên 1 đến 2 năm tuổi nghề. Không quá hay, nhưng đầy đủ thông tin và góc nhìn, đủ để phục vụ thông tin cho khán giả. Thời gian để xong một kịch bản như vậy chỉ khoảng 8 phút, quá nhanh so với một biên tập viên bình thường có thể làm.