Thách thức của U17 Việt Nam sẽ không chỉ đến từ đối thủ đồng trang lứa cực mạnh Nhật Bản mà còn có thể từ một đội khác cùng bảng D là Uzbekistan. Bóng đá trẻ Uzbekistan sở hữu nền tảng kỹ thuật và thể lực đáng gờm, từng đoạt danh hiệu vô địch mùa 2012 và thường xuyên góp mặt tại tứ kết U17 châu Á. Việc đội tuyển U20 nước này vừa đăng quang Asian Cup cũng tạo thêm động lực cho lứa cầu thủ U17 trong việc tiếp bước đàn anh giành lấy vinh quang.
Trong số 4 đội bóng thuộc bảng D, chỉ có thành tích của U17 Ấn Độ không quá nổi bật. Trong lịch sử 38 năm của giải đấu, Nhật Bản đứng đầu với 3 lần vô địch, 1 lần đứng hạng nhì và 1 lần xếp thứ ba. Uzbekistan đứng thứ 10 với 1 lần vô địch, 1 lần khác về nhì.
Tuyển U17 sẽ chạm trán các đối thủ rất mạnh tại VCK U17 Asian Cup Ảnh: VFF
Để chuẩn bị cho vòng chung kết Asian Cup 2023, U17 Việt Nam đã sớm tập trung từ ngày 1-4 và sau 2 tuần lễ, đội hoàn tất chu kỳ tập huấn đầu tiên. HLV Hoàng Anh Tuấn cùng với các học trò sẽ có khoảng nghỉ nửa tháng và trở lại tập trung vào đầu tháng 5. Trong khoảng thời gian này, ông Tuấn và các thành viên ban huấn luyện sẽ quan sát, đánh giá lại các cầu thủ U17 nổi bật không tập trung vì đang thi đấu ở giải U19 quốc gia cùng CLB chủ quản.
Ở đợt tập trung thứ nhì, tuyển U17 sẽ có khoảng 2 tuần để tập luyện trong nước và sau đó sẽ lên đường tập huấn và thi đấu cọ xát tại Nhật Bản, chủ yếu với các CLB địa phương xứ sở Mặt trời mọc. Trong khi đó, U17 Nhật Bản và U17 Uzbekistan cũng có sự chuẩn bị hết sức chu đáo, nếu không muốn nói tốt nhất. U17 Uzbekistan thi đấu… 8 trận giao hữu với các đội trẻ Argentina, Uruguay, Úc, CH Czech, Morocco và Ấn Độ từ đầu tháng 2 còn U17 Nhật Bản đã có khoảng 2 tuần tập huấn và thi đấu giao hữu tại Algeria với 2 CLB địa phương, 3 đội tuyển U17 Comoros, U17 Mali và U17 Algeria trong tháng 3.
Nguồn NLDO