Đức Anh – tác giả tiểu thuyết trinh thám “Tường lửa”, “Đảo bạo bệnh” – cho rằng nhà văn cần đảm bảo cuộc sống trước khi hòa cùng nghề viết.
Đức Anh nhận giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam vào cuối năm ngoái với tiểu thuyết Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời. Anh nói về quan điểm làm nghề, suy nghĩ về dòng sách trinh thám đang theo đuổi.
– Điều gì tạo cảm hứng cho anh thực hiện tác phẩm ”Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời”?
– Đó là khi chứng kiến những hoàn cảnh khác nhau trong đời sống. Cùng là con người nhưng chúng ta lại mang tính cách và cuộc đời khác nhau, người thông minh, êm ấm, người lại ngu ngơ, sống ở tầng lớp thấp của xã hội. Tuy nhiên tôi không muốn thể hiện nó quá khắc nghiệt. Tôi thử đặt giả thiết nếu tạo hóa cho mỗi người có hai thân phận thì sao. Thực ra vẫn còn nhiều khoảng trống để phát triển ý tưởng của cuốn truyện giả tưởng này, tôi sẽ để dành cho phần tiếp theo.
Tôi lên ý tưởng vào tháng 6/2021 và viết từ cuối tháng 8 đến hết tháng 10 cùng năm. Đây là tiểu thuyết được hoàn thành trong thời gian ngắn, không có nhiều sự nghiên cứu do không dựa trên hiện thực. Tôi hoàn toàn phải sử dụng năng lực tưởng tượng và kỹ thuật kể chuyện của mình để xây dựng tác phẩm. Cái khó là làm sao để phát triển và đưa ý tưởng ban đầu đi xa hơn. Tôi gần như không gửi thông điệp gì, nếu có, đơn giản chỉ là mỗi người một nỗi đời riêng, hãy hiểu và thông cảm cho mọi sự tình trên thế gian.
– Theo đuổi dòng trinh thám không phải mới lạ với độc giả Việt, anh làm thế nào để tạo dấu ấn riêng?
– Thể loại này hấp dẫn, gay cấn và là dạng giải trí trí tuệ. Nói về dấu ấn, tôi chỉ sử dụng các kỹ thuật kể của trinh thám thôi. Tôi muốn viết câu chuyện của mình và đưa người đọc đi đến những câu hỏi để họ chiêm nghiệm.
Để duy trì sức sáng tạo, tôi sống với nó hàng ngày. Tôi luôn tự hỏi những điều thú vị mà mình gặp hàng ngày có thể viết được truyện hay không. Và nếu có, nó mang tư tưởng gì.
– Anh nhận định ra sao về thị trường sách trinh thám Việt hiện nay?
– Theo tôi, văn học trinh thám trong nước phát triển rõ rệt so với trước. Các tác phẩm có khả năng tái hiện và phản ánh chân thực cuộc sống, xã hội Việt Nam hiện đại, thường đưa ra những câu chuyện gắn với loạt vấn đề, từ đó giúp người đọc hiểu sâu hơn về thế giới xung quanh mình. Tuy nhiên, dòng trinh thám Việt chưa lớn mạnh, do chưa có các nhà văn thực sự tầm vóc, hiểu sâu về bản chất đời sống. Họ cần tham vọng hơn ở chỗ tìm kiếm các đề tài hàm chứa những nghịch lý của xã hội đương đại. Nếu chỉ đơn giản là tố cáo tội ác, sách sẽ không “sống” được quá lâu.
– Nhiều cây viết trẻ đã rời văn đàn vì không đảm bảo cuộc sống, quan điểm của anh thế nào?
– Với tôi, nếu một người không theo nghề văn, đó không phải điều xấu. Hết yêu thì hết mặn mà, phải không? Tôi cho rằng muốn làm nhà văn, trước hết bạn phải nuôi được bản thân. Bạn phải có nghề khác hoặc chính nghề văn, có chỗ đứng để quan sát xã hội.
Vì vậy ngoài việc viết, tôi lựa chọn kinh doanh trong ngành xuất bản. Tôi có thể tiếp xúc với bạn văn, độc giả hàng ngày, được ra khỏi vòng an toàn, hòa mình với hơi thở của xã hội. Công việc giúp tôi hiểu mọi người và hiểu chính mình hơn, biết đời sống không vận hành như những gì mình nghĩ. Tôi nghĩ điều này còn quan trọng hơn tiền.
Thế hệ trẻ chúng tôi may mắn khi được lớn lên trong cảnh hòa bình, được quyền lựa chọn văn chương để tha hồ bay bổng, mơ mộng. Áp lực cũng có nhiều, bởi giữa một xã hội vô vàn thông tin, ai cũng có thể là nhà sáng tạo. Để trở thành nhà văn, bạn phải vượt qua mọi cấp độ của sáng tạo, lao động nghiêm túc, đòi hỏi có thể chất và tinh thần khỏe mạnh. Ngoài ra, bạn cũng cần học cách lờ đi những lời phản đối từ gia đình và thoát khỏi cái bóng lớn của các tác giả thành danh khác.
– Trong quá trình theo đuổi nghiệp viết, khi nào anh thấy khó khăn nhất?
– Lúc mới sáng tác, tôi gặp thử thách trong việc tìm đề tài. Tôi muốn chọn một chủ đề gai góc, song khi ấy tôi còn trẻ, góc nhìn về cuộc đời chưa chín chắn. Nhưng tôi nghĩ điều khó nhất là luôn thấy sự bất tài của mình đang hiện diện bên cạnh. Tôi coi văn chương như một điều thần bí, giúp ta thấy những gì không thể nhìn bằng mắt thường. Tôi thực sự không thỏa mãn nếu chẳng tìm ra được góc cạnh nào đó khác với thứ mình từng biết, trên sự việc và con người quen thuộc. Bên cạnh đó, việc phát hành tác phẩm cũng là khó khăn mà tôi phải đối diện. Sách bán chậm hoặc không bán được đồng nghĩa sự nghiệp bị hẫng một bước.
– Sau ”Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời”, kế hoạch của anh là gì?
– Tôi cho rằng mình vẫn chưa phát huy hết nội lực nên sẽ viết một tiểu thuyết nghiêm túc, giàu tham vọng và phức tạp hơn. Đồng thời, tôi ấp ủ về một cuốn truyện trinh thám thực sự thú vị, dựa trên hiểu biết thực tế của tôi về đề tài pháp lý.
Đức Anh, 31 tuổi, sinh tại Nga, hiện sống và làm việc ở Hà Nội. Anh đã xuất bản ba cuốn tiểu thuyết của dòng trinh thám là Tường lửa, Thiên thần mù sương (2019), Đảo bạo bệnh (2020) – tác phẩm đoạt giải thưởng Cuộc vận động sáng tác vì an ninh Tổ Quốc và bình yên cuộc sống (2017-2020) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Phương Linh