(HQ Online) – Thường xuyên nắm bắt tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kịp thời phổ biến những chính sách mới tới doanh nghiệp… là những cách làm đã và đang được Cục Hải quan Thanh Hóa tập trung triển khai để giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan.
Hoạt động nghiệp vụ của công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa. Ảnh: N.Linh |
Hỗ trợ doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu
Tính đến ngày 14/3 kim ngạch xuất khẩu làm thủ tục tại Cục Hải quan Thanh Hóa đạt 0,92 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 1,98 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng có thuế đạt 1,96 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. |
Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Hải quan Thanh Hóa Lê Xuân Huế cho biết, để thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đạt kết quả cao nhất, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo các chi cục trực thuộc chủ động triển khai giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách nhà nước phù hợp với đặc điểm, tình hình. Đồng thời chủ động đánh giá tác động của các cam kết hội nhập quốc tế có thể ảnh hưởng đến số thu, bám sát diễn biến giá dầu trên thế giới để kịp thời đánh giá mức độ ảnh hưởng; tình hình triển khai các dự án mới, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn quản lý, kịp thời có các giải pháp thúc đẩy, nuôi dưỡng nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ.
Đặc biệt, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, Quốc hội cũng như của tỉnh Thanh Hóa được kịp thời cập nhật và tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp chủ động nắm bắt và thực thi hiệu quả.
Những nhiệm vụ được các chi cục hải quan trực thuộc Cục Hải quan Thanh Hóa triển khai cụ thể sát với tình hình địa bàn quản lý. Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa, Chi cục trưởng Ngô Văn Thành cho biết, địa bàn quản lý của chi cục trải rộng ở các khu công nghiệp trong tỉnh với hơn 200 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có gần 150 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên; hàng hóa chủ yếu là may mặc, da giày, thủy sản, vật liệu xây dựng… Đây không chỉ là những doanh nghiệp giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động mà còn đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Do vậy, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu được đơn vị xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ công chức.
“Với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, Chi cục duy trì tổ chức các hội nghị đối thoại hải quan – doanh nghiệp; bên cạnh đó bố trí, sắp xếp công chức phù hợp với vị trí việc làm, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về hải quan; thực hiện đúng, đầy đủ quy trình nghiệp vụ hải quan. Nhờ đó, số lượng tờ khai và kim ngạch xuất nhập khẩu có sự gia tăng theo từng năm”, ông Ngô Văn Thành cho biết.
Tính đến ngày 10/3, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa làm thủ tục hải quan cho hơn 230 doanh nghiệp, với hơn 22.400 tờ khai, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 800 triệu USD; số thu ngân sách đạt hơn 38 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Là đơn vị chủ chốt, đóng góp vào số thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan Thanh Hóa, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn đã phát huy những lợi thế vị trí địa bàn quản lý để thu hút hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm thủ tục, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn Lê Hồng Phong cho biết, liên tục trong 3 năm qua, kết quả thu ngân sách nhà nước của chi cục đều vượt chỉ tiêu được Bộ Tài chính giao. Số thu tăng trưởng đóng góp trực tiếp hơn 96% vào số thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan Thanh Hóa.
Gánh vác trọng trách quan trọng, lãnh đạo chi cục cho biết, công tác cải cách, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu được đặt lên hàng đầu. Song song đó chủ động tuyên truyền chính sách hỗ trợ của tỉnh, thu hút hãng tàu, doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng biển Nghi Sơn. Tính đến ngày 14/3/2024, đã có 8 chuyến tàu dầu thô nhập khẩu làm thủ tục hải quan, khối lượng nhập khẩu đạt gần 2,2 triệu tấn tương đương với 15,7 triệu thùng, giá dầu thô bình quân đạt 80 USD/thùng, số thuế GTGT trung bình đạt 396 tỷ đồng/chuyến dầu; số thu ngân sách nhà nước từ dầu thô nhập khẩu đạt hơn 3.170,9 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 82,7% trong tổng thu ngân sách của đơn vị.
Những kết quả đạt được của các chi cục đóng góp quan trọng vào thành tích Cục Hải quan Thanh Hóa xếp hạng Top đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh trong khối các cơ quan sở, ban, ngành cấp tỉnh năm 2021, 2022.
Tiếp tục tận dụng lợi thế cảng biển
Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất nhập khẩu của các đơn vị thuộc và trực thuộc, tính đến ngày 14/3, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu làm thủ tục tại Cục Hải quan Thanh Hóa đạt 2,9 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhóm hàng hóa xuất nhập khẩu thường xuyên làm thủ tục qua địa bàn gồm: đá vôi, dăm gỗ; các sản phẩm đá; xi măng, clinker, hạt nhựa, chế phẩm lọc hóa dầu; dầu thô, nguyên phụ liệu lọc hóa dầu; máy móc, thiết bị phục vụ xây dựng các dự án đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn; thạch cao sản xuất xi măng, than; sản phẩm may mặc, da giày…
Bên cạnh đó, Cảng biển Nghi Sơn đã làm thủ tục tiếp nhận 8 chuyến tàu container xuất nhập cảnh của hai hãng tàu CMA và VIMC với tổng số 2.114 container. Nhóm hàng hóa xuất khẩu bằng container chủ yếu là sắn lát, hạt nhựa, giấy bìa, bột đá…
Triển khai nhiệm vụ trong những quý tiếp theo, Cục Hải quan Thanh Hóa xác định một trong những giải pháp trọng tâm là thực hiện vận động thu hút doanh nghiệp logistics mở chuyến tàu tại cảng biển Nghi Sơn và kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu về làm thủ tục hải quan tại đơn vị nhằm tăng cường nguồn thu ngân sách nhà nước cho địa phương.
Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu cho UBND tỉnh trong triển khai các chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển hoạt động XNK. Tăng cường công tác phối hợp với với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Hiệp hội Đá, Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa… qua đó kịp thời nắm bắt, xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp, kết hợp tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp.