Giá vàng miếng SJC trong nước vẫn tiếp tục theo đà lao dốc mặc dù trước đó vài tuần, giá vàng trong nước vẫn “leo thang” bất chấp giá vàng thế giới tạm thời dao động đi ngang.
Trong phiên giao dịch chiều 22/3, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại 77,8 – 79,82 triệu đồng/lương (mua vào – bán ra), giảm 800.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với thời điểm sáng cùng ngày; giảm 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với so với chốt phiên hôm trước về dưới mốc 80 triệu đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức 77,5 – 79,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với thời điểm sáng cùng ngày; giảm 1 triệu đồng/lượng cả ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Như vậy, trong hai ngày qua, loại vàng này đã giảm 1,6 triệu đồng/lượng cả hai chiều. So với thời điểm lập đỉnh 82,5 triệu đồng/lượng đồng hôm 12/3, mỗi lượng vàng SJC hiện thấp hơn khoảng 2,7 – 2,8 triệu/lượng.
Giá vàng miếng trong nước giảm mạnh hơn so với thế giới khiến chênh lệch giữa hai thị trường được thu hẹp đáng kể. Hiện, giá kim loại quý trong nước và thế giới hiện chênh khoảng 14,6 triệu đồng, giảm 2,4 – 3,4 triệu đồng so với thời điểm “đỉnh” ngày 12/3.
Còn giá vàng nhẫn giảm với biên độ hẹp hơn, được niêm yết tại 67,8-69,1 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm tiếp 200.000 đồng mỗi chiều so với giá mở cửa sáng nay..
Trước đó vài tuần, giá vàng thế giới chỉ ở vùng giá 2.147 USD/ounce, giá vàng miếng SJC bán ra lên đến 81,3 triệu đồng/lượng, mà nay giá vàng thế giới lập kỷ lục mọi thời đại mà giá vàng miếng SJC lại giảm hàng triệu đồng/lượng, bán ra quanh mức 80 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia cho rằng, ở dĩ giá vàng miếng SJC “bốc hơi” là vì thông tin sắp tới sẽ có hàng loạt thay đổi quan trọng với thị trường vàng.
Cụ thể, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát kỹ lưỡng, toàn diện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức…
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về quản lý thị trường vàng, trước việc thị trường vàng biến động mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ Nhà nước độc quyền sản xuất loại vàng này, cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện.
Việc này xuất phát từ thực tế, giá vàng miếng SJC chênh lệch cao so với quốc tế, cũng như các loại vàng miếng khác, trang sức, mỹ nghệ.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng tại Nghị quyết 24 là giải pháp quan trọng kiểm soát chặt nguồn cung. Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã có hơn 10 năm.
Nhưng từ 2014 đến nay cơ quan này chưa đấu thầu bán vàng miếng, tăng cung trên thị trường.
“Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế ở mức cao”, Ngân hàng Nhà nước lý giải.