Mỗi mô hình, giải pháp, cách làm hay đều chứng minh tính cần thiết, sự sáng tạo của các đơn vị qua năm tháng.
Nhận diện hơi thở cuộc sống
Trưởng Ban thanh niên Công an TP.HCM Đặng Văn Thắng cho hay trước tình hình tội phạm về tín dụng đen ngày càng phức tạp, Đoàn đã thực hiện công trình “Tuổi trẻ Công an TP.HCM xung kích tham gia phòng chống tội phạm liên quan tín dụng đen trên địa bàn TP”.
Phối hợp cùng Phòng cảnh sát hình sự, các bạn đã làm nhiều sản phẩm tuyên truyền, thành lập 22 đội hình tuyên truyền tại công an các quận huyện “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền cho bà con cảnh giác với tín dụng đen.
Qua bốn năm, đến nay công an cùng bà con đã ra quân nhiều đợt bóc xóa quảng cáo vi phạm, phát hàng trăm ngàn tờ bướm đến người dân cùng nhiều thông tin về tội phạm tín dụng đen.
Đặc biệt, đoàn viên, thanh niên Công an TP cùng các địa phương, đơn vị phối hợp đã thực hiện chuỗi bích họa “Việt Nam tươi đẹp” (1,2 tỉ đồng) do các hình ảnh phong cảnh đất nước, biển đảo quê hương trên các mảng tường sau khi bóc xóa quảng cáo sai quy định.
Trong khi đó, Chuyến xe mùa xuân được Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức từ năm 2002 đến nay đã đưa trên 60.300 sinh viên khó khăn về quê đón Tết.
Những tấm vé nghĩa tình ấy ban đầu chỉ với số lượng nhỏ có được nhờ tiết kiệm qua các chương trình, bán đồ thủ công gây quỹ. Cho đến khi có nguồn hỗ trợ từ nhiều đơn vị đã trở thành hoạt động mỗi dịp Tết hằng năm.
Tính đến nay, tổng kinh phí các chuyến xe là hơn 24 tỉ đồng. Bao nhiêu sinh viên xa quê như vỡ òa khi nhận được tấm vé về quê từ hàng vạn tấm lòng san sẻ.
Giám đốc trung tâm Lê Xuân Dũng nói anh cũng từng là sinh viên được tặng tấm vé này ngày trước nên rất hiểu giá trị chương trình mang lại.
Điều những người làm chương trình này thấy hạnh phúc khi các năm qua dù chưa nhiều song đã có những sinh viên từng được tặng vé năm nào nay ra trường, đi làm ổn định đã quay lại cùng góp tay tặng vé cho đàn em. Và mỗi chuyến xe hằng năm giờ không chỉ có sinh viên mà còn nhiều hành khách là những lao động xa quê vào TP mưu sinh.
Thắp lên tình yêu biển đảo
Khoảng chục năm qua, học sinh, đội viên quận 8 (TP.HCM) đã quen với phong trào “Em nuôi heo đất – 60 ngày tiết kiệm vì biên giới biển, đảo”.
Nhiều hoạt động giúp các bạn nhỏ tiết kiệm hàng trăm triệu đồng dành cho biển, đảo. Phó bí thư Quận Đoàn 8 Võ Thái Dương cho biết thường vào tháng 9 mỗi năm sẽ phối hợp với ngành giáo dục phát động phong trào cho 33 liên đội toàn quận thực hiện trong 60 ngày.
Có nhiều cách để các bạn nhỏ quận 8 cùng lựa chọn tham gia. Các chi đội nuôi heo đất bằng tiền tiết kiệm tiêu vặt, thu gom ve chai… để gửi ủng hộ hành trình “Măng non sẵn sàng vì biên giới biển, đảo”.
Tham gia hành trình, các bạn nhỏ trực tiếp đến thăm chiến sĩ tại một số vùng biên giới, biển, đảo, được tận tay trao đi những phần hỗ trợ, chăm lo cho chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng, dụng cụ học tập, góc học tập cho các bạn là con, em chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn.
Qua 10 năm, các liên đội của quận đã thực hiện trên 1.300 buổi phát thanh măng non về phong trào, các hội thi tìm hiểu về biên giới, biển, đảo cùng rất nhiều buổi nói chuyện truyền thống, chiếu phim lịch sử…
Từ nguồn thu được qua chương trình, các bạn nhỏ đã ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa” 60 triệu đồng, chương trình “Vì Trường Sa thân yêu” 275 triệu đồng, Quỹ “Vì Biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc” 355 triệu đồng…
Quan trọng hơn, những bài học sẻ chia, tình yêu nước, yêu biển đảo quê hương được nhân lên qua từng hành động nhỏ đã trở thành việc quen thuộc hằng ngày.
“Ngày không tiền mặt” lan tỏa mạnh mẽ
Hưởng ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ, từ năm 2019, báo Tuổi Trẻ đã có sáng kiến tổ chức chuỗi hoạt động sự kiện truyền thông “Ngày không tiền mặt 16-6” và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ chính phủ, các bộ ngành, chính quyền cùng các ngân hàng, tổ chức tài chính và người dân nhiều nơi cả nước.
Đây cũng là một trong những nỗ lực thúc đẩy thói quen thanh toán, tiêu dùng không tiền mặt trong xã hội, vừa thuận lợi vừa tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.
Theo ông Trần Xuân Toàn – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – năm năm qua chương trình được tổ chức định kỳ với cao điểm vào ngày 16-6 hằng năm và ngày này được công nhận là “Ngày không tiền mặt”.
Với mục tiêu khuyến khích thanh toán không tiền mặt, bên cạnh các tuyến truyền thông trên mặt báo, chương trình đã triển khai nhiều hoạt động gắn với cộng đồng như “Tiểu thương không tiền mặt”, tặng máy POS cho các tiểu thương; hoạt động “ủng hộ nông sản Việt”, tiêu thụ 75 tấn vải thiều, hơn 2.800kg gạo ST Xuân Hồng. Qua đó quyên góp trên 86 triệu đồng cho con em nông dân đến trường.
Ngoài ra, còn có “phiên chợ không tiền mặt” cho công nhân các khu công nghiệp, “chuyến xe không tiền mặt” từ Bắc vào Nam, workshop thanh toán không tiền mặt, chương trình dán mã QR thanh toán tại chợ Bến Thành, cuộc thi “Chiến thần không tiền mặt”…
Đặc biệt, Lễ hội không tiền mặt năm 2023 (từ 16 đến 18-6) tại đường Lê Lợi (TP.HCM) đã thu hút khoảng 50.000 người tham dự.
Có thể nói qua năm năm chương trình đã góp phần tác động đến chính sách và thói quen không dùng tiền mặt trên cả nước.
12 giải thưởng Hồ Hảo Hớn 2024
– Hội thi Bí thư Đoàn cơ sở giỏi TP.HCM từ 2009 đến nay (Ban Tổ chức – Kiểm tra Thành Đoàn).
– Hội thi Học sinh, sinh viên giỏi nghề từ 2004 đến nay (Ban Thanh niên trường học Thành Đoàn và Trung tâm (TT) Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM).
– Hội đồng trẻ em TP.HCM từ 2016 đến nay (Hội đồng Đội TP.HCM).
– Chương trình văn nghệ “Hát về thời hoa đỏ” từ 2013 đến nay (Ban Tuyên giáo – Đối ngoại và Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM).
– Diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế từ 2016 đến nay (Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM, TT Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Ban cán sự Đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM).
– Chương trình “Ngày không tiền mặt” vào 16-6 hằng năm từ 2019 đến nay (báo Tuổi Trẻ).
– Chương trình “Chuyến xe mùa xuân” từ 2002 đến nay (TT Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM).
– Tủ sách di sản Hồ Chí Minh với thanh thiếu nhi từ 1999 đến nay (Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Trẻ).
– Công trình “Tuổi trẻ Công an xung kích tham gia phòng chống tội phạm liên quan tín dụng đen trên địa bàn TP” từ 2019 đến nay (Đoàn thanh niên Công an TP.HCM).
– Mô hình “Em nuôi heo đất – 60 ngày tiết kiệm vì biên giới biển, đảo” từ 2014 đến nay (Hội đồng Đội quận 8).
– Giải pháp “Tận dụng vật liệu sau sản xuất để xây dựng khu vui chơi cho học sinh nghèo” từ 2018 đến nay (Đoàn Xí nghiệp Ô tô cơ khí An Lạc).
– Giải pháp “Đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên thông qua việc học tập các bài lý luận chính trị “số 5” từ 2020 đến nay (Đoàn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM).