Thông qua sự chủ trì của TPO, các thành phố đưa ra những sáng kiến để tăng cường quảng bá và xây dựng thương hiệu điểm đến. Để từ đó có những liên kết trong hoạt động du lịch, hướng đến khai thác hiệu quả thị trường quốc tế.
Theo ông Cao Thế Anh – phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lâm Đồng, hoạt động liên kết liên vùng nhằm xây dựng cơ chế để xúc tiến, xây dựng giá trị thương hiệu của một điểm đến vươn ra khỏi biên giới của quốc gia.
Để nâng cao hiệu quả, mỗi thành phố cần hướng đến một sản phẩm đặc trưng nhất, chẳng hạn như Đà Lạt phát triển du lịch xanh để thu hút du khách.
Đồng thời ông cũng kiến nghị tổ chức TPO chia sẻ hành vi tiêu dùng của các thành viên, thông qua đó để các thành phố nắm bắt được nhu cầu, mục đích của người dân để phát triển các sản phẩm du lịch cho phù hợp.
Ông Nguyễn Thành Thanh, giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, cũng cho rằng Long An đã xây dựng nhiều sản phẩm miệt vườn, vẻ đẹp sông nước.
Thông qua hội nghị hôm nay là cơ hội giới thiệu đến các thành viên của TPO về hình ảnh và bộ nhận diện thương hiệu du lịch của Long An.
Bà Seo Ji Ae (Ban thư ký TPO) gợi ý Busan là thành phố tiêu biểu của Hàn Quốc về khai thác du lịch kết hợp với làm việc, giải trí…
Thành phố có các chính sách, ứng dụng công nghệ vào việc hỗ trợ du khách thuận lợi nhất để tìm hiểu, khai thác các địa điểm vui chơi, giải trí của thành phố.
Tại hội nghị, ban tổ chức cũng lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu về những sáng kiến sắp triển khai của TPO nhằm hỗ trợ các thành viên phát triển, kết nối để xúc tiến du lịch của địa phương.
Đào tạo hoạt động du lịch trên nền tảng trực tuyến
Ban thư ký TPO đề xuất tạo nên một chương trình đào tạo hoạt động du lịch nền tảng trực tuyến để nâng cao chất lượng dịch vụ ở các nước thành viên, các vùng trong một quốc gia.
Đây được xem là một trong những nội dung quan trọng để các vùng có thể “nói chung một ngôn ngữ” trong kinh doanh, từ đó khai thác các thị trường tiềm năng hiệu quả hơn. Điều đáng nói là sẽ cùng xóa bỏ các vùng trũng chất lượng dịch vụ du lịch.