Nhiều người khác đăng bài công khai về việc họ bị sa thải, điều cấm kỵ và phá vỡ những quy tắc bất di bất dịch về thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động.
Những người đăng tải cho rằng họ có quyền chia sẻ câu chuyện của bản thân, trên tài khoản mạng xã hội cũng của “chính chủ”. Trong khi đó, góc nhìn khác đặt vấn đề về hành vi ứng xử của người trẻ là không phù hợp và có thể gây phản tác dụng.
Video sa thải khiến “nhà anh sáng nhất đêm nay”
Một số video đã thu hút hàng triệu lượt xem, không chỉ khiến người bị sa thải mà nhà tuyển dụng rơi vào cảnh “nhà anh sáng nhất đêm nay” – khi mọi người đổ dồn sự chú ý vào và bắt đầu bàn tán, tranh cãi.
Lúc Gabrielle Dawson, một nhà sản xuất 28 tuổi làm việc tại trang CBS News của Hoa Kỳ, được yêu cầu tham gia cuộc gọi video sau ba tháng làm việc ở một thành phố mới, cô không hề biết mình sắp thất nghiệp.
“[Nhưng] tôi biết cuộc gọi đó không thể là điều gì tốt đẹp”, cô giãi bày. Dawson cài đặt điện thoại của mình ở chế độ quay phim cuộc họp, chủ yếu để ghi lại những gì đã nói.
Trong video, kể từ khi được đăng đã thu hút 9 triệu lượt xem trên TikTok, cho thấy người quản lý của Dawson đang tuyên bố bằng giọng đều đều: “Thật không may, tái cơ cấu đã khiến vai trò của bạn bị ảnh hưởng”.
Khi Dawson đặt câu hỏi nếu vậy tại sao ngay từ đầu lại được yêu cầu làm công việc này, cô gái 28 tuổi không nhận được câu trả lời.
Dawson nói, ban đầu cô không có ý định chia sẻ video trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cô đã quyết định chia sẻ sau khi có thông tin về việc sa thải.
“Tôi là người sống kín đáo và trước đây chưa bao giờ nghĩ đến việc chia sẻ, hoặc chỉ im lặng. Tôi nghĩ những video khác đã cho tôi sự can đảm, để đăng video của chính mình”, cô nói. “Tại sao tôi không thể chia sẻ câu chuyện của mình?”, Dawson đặt vấn đề.
Tara Quinn-Cirillo, một thành viên cộng tác của Hiệp hội Tâm lý Anh, nói rằng những nhân viên đăng tin họ bị mất việc có thể là một cách để khẳng định danh tính, vốn đã bị ảnh hưởng do sa thải. “Chia sẻ thông tin có thể khiến bạn cảm thấy có quyền kiểm soát”, cô nói.
Quinn-Cirillo phân tích thêm, những nhân viên có lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội tin rằng họ đang gây khó dễ cho công ty cũ bằng cách đưa quyết định sa thải vào thế giới hỗn mang của mạng xã hội, nơi họ có quyền lực.
Những người khác có thể chỉ đơn giản cập nhật thông tin về sự nghiệp của mình cho người theo trên mạng, như cách họ sẽ thông báo với thành viên trong gia đình.
Xu hướng bắt nguồn từ làm việc từ xa
Joni Bonnemort, người đã mất việc tại một công ty dịch vụ tài chính vào tháng 4 năm ngoái và đã đăng đoạn video ghi lại cảnh mình bị sa thải trên TikTok, nói rằng giờ đây đã bớt sợ hơn việc tiết lộ tin tức.
“Theo tôi, mạng xã hội đã phát triển đến mức việc chia sẻ những khoảnh khắc dễ bị tổn thương trong cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên ít cấm kỵ hơn. Tôi thấy không quá khó khăn khi chia sẻ về việc bị sa thải, bất chấp sự tổn thương”, cô cho biết.
Ghi lại cảnh bản thân bị sa thải cũng là một xu hướng xuất hiện kể từ khi có văn hóa làm việc từ xa. Hiển nhiên, việc quay phim bản thân bị sa thải thông qua một cuộc gọi Zoom sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc ngồi ngay tại văn phòng.
Sẵn sàng đạp đổ mọi thứ có thể phản tác dụng
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế hệ Z không gắn bó với công ty và có xu hướng chuyển đổi giữa các công việc nhiều hơn. Điều này khiến họ sẵn sàng đạp đổ tất cả ở công ty cũ một khi sắp rời đi.
Với tỉ lệ thất nghiệp ở Anh và Mỹ ở gần mức thấp nhất trong 50 năm qua, người trẻ giờ đây chưa phải trải qua cuộc khủng hoảng việc làm trên toàn nền kinh tế như các thế hệ trước.
Tuy nhiên, thực tế này lại xung đột với tình trạng sa thải nhân viên trên diện rộng ở các ngành công nghệ và truyền thông trong năm qua. Trong thời kỳ đại dịch, nhiều công ty tuyển dụng nhân sự chóng vánh, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn nhân lực và cuối cùng kết thúc bằng việc sa thải qua một cuộc gọi video.
Amanda Rajkumar, cựu giám đốc nhân sự toàn cầu của Adidas, cho biết xu hướng “QuitTok” (đăng tải video nghỉ việc trên TikTok – PV) giống như “một trong những ví dụ mạnh mẽ nhất cho đến nay về sự khác biệt giữa các thế hệ, giữa gen Z và gen X tại nơi làm việc”.
Cô lập luận xu hướng này cuối cùng có thể gây phản tác dụng đối với những người lao động trẻ đã từng đăng video. “Theo kinh nghiệm cá nhân, thế hệ của tôi thà chịu tổn thương còn hơn hành xử tệ với những người đã trả lương cho mình”, Rajkumar nói.