Nhiều vướng mắc cản tiến độ thi công
Ngày 21/3, tiếp tục chuyến công tác tại miền Trung, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã có buổi làm việc với các nhà thầu, tư vấn dự án của hai dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh.
Tại cuộc họp, ông Đỗ Thành Chung, Phó giám đốc doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (nhà thầu thi công cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng) cho hay: Hiện nay một số định mức, đơn giá về nhân công, ca máy chưa sát thực tế. Giá vật liệu dự toán chưa phù hợp với mặt bằng giá ở địa phương khiến hàng loạt nhà thầu gặp khó… Các mỏ vật liệu đặc thù dù đã cấp cho nhà thầu khai thác phục vụ dự án, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn về cách tính giá vật liệu tại mỏ.
Ngoài ra, công tác khảo sát thiết kế có một số điểm sai lệch so với thực địa. “Ban đầu dự tính sẽ dùng 700.000m3 đá ở đồi Km560, tận dụng làm đá bê tông, đá cấp phối đá dăm loại 1. Nhưng thực tế chỉ tận dụng được khoảng 100.000m3, khiến đơn vị rơi vào trạng thái bị động về vật liệu làm cầu, cống, phải lập hồ sơ điều chỉnh.
Hay như vị trí đồi Km535, ban đầu phương án khi thiết kế là đào. Nhưng khi làm, gặp nhiều đá cứng phải nổ mìn. Mà muốn nổ mìn phải mất 3 tháng làm thủ tục… Đáng nói, lúc thời tiết tốt thì đơn vị phải đi làm thủ tục. Lúc xong thủ tục lại gặp mưa gió. Chính những vấn đề này đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ, sản lượng thi công”, ông Chung dẫn ví dụ.
Ông Chung mong muốn, thông qua cuộc họp, Bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án, Tư vấn cùng xắn tay với các nhà thầu để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc.
Cũng tại dự án cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng, ông Mai Anh Đồng – Tổng giám đốc Côn ty CP 471 cho biết đơn vị đang triển khai đồng loạt trên toàn dự án. Tiến độ đạt 33%.
Tương tự các nhà thầu khác, khó khăn lớn nhất với 471 là đơn giá định mức, vấn đề điều chỉnh vật liệu.
Theo ông Đồng, nhìn vào báo cáo, có thể thấy tỉ lệ giải ngân ở dự án này ở mức thấp, trong khi sản lượng thi công thực tế của nhà thầu cao. Nguyên nhân do sản lượng được phê duyệt, thanh toán sau điều chỉnh nguồn vật liệu còn ít.
Vì vậy, nhà thầu đề nghị Bộ chỉ đạo Ban quản lý dự án và tư vấn sớm phê duyệt, hoặc tăng tỉ lệ tạm phê duyệt khối lượng đã thực hiện cho nhà thầu. Đối với những vị trí phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, thay đổi giải pháp xử lý đất yếu, sau khi Ban, tư vấn phê duyệt triển khai trên công trường cũng phê duyệt, ký phụ lục hồ sơ thanh toán luôn cho các nhà thầu hoặc cập nhật theo khoảng thời gian cố định để tránh tồn đọng giải ngân.
Chia sẻ với khó khăn của nhà thầu, Thứ trưởng Lâm cho rằng đơn vị khảo sát thiết kế cần phải sát sao hơn nữa. Quá trình khảo sát với những vị trí sử dụng vật liệu tận dụng thì phải tăng độ dày mũi khoan nhằm đánh giá sát địa chất. Như phản ánh của nhà thầu, vì thiết kế chưa sát thực tế dẫn đến phải đi mua vật liệu ở mỏ thương mại, mua bê tông thương phẩm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhà thầu.
Về phía tư vấn, kỹ sư Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ nhiệm dự án gói 12 Hàm Nghi – Vũng Áng (Công ty HECO) cho biết: Quá trình khảo sát, do số mũi khoan hạn chế nên không thể đánh giá hết được trữ lượng và chất lượng vật liệu ở nơi tận dụng. Ngay khi phát hiện có sự sai lệch, tư vấn đã cùng với Ban lập hồ sơ và phê duyệt điều chỉnh ngay cho nhà thầu.
Ông Nguyễn Thanh Vân – Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) đánh giá: Nhìn vào tiến độ hiện nay và khoảng thời gian còn lại, dự án hoàn toàn có thể về đích vào tháng 6/2025.
Tuy nhiên, ông Vân cũng bày tỏ lo ngại khi các nhà thầu lập tiến độ chưa gắn với biện pháp thi công tổng thể, chưa gắn với hiện trường.
“Các đơn vị cần rà soát lại tổng thể, kế hoạch thi công phải gắn với hiện trường. Cùng đó, tiếp tục rà soát, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi tuyến thành hình, như: Hệ thống thoát nước, hệ thống an toàn giao thông, nút giao… Quá trình làm phải đồng nhất về mặt hồ sơ thủ tục, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng vật liệu phục vụ dự án”, ông Vân nói và cho biết thêm: Riêng vấn đề giá vật liệu tại mỏ, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã làm với Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) để rà soát sớm đưa ra hướng dẫn về cách tính giá.
Chất lượng dự án là yếu tố quyết định sống còn của doanh nghiệp, là sinh mạng chính trị của cán bộ quản lý dự án
Ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của các nhà thầu tại cả 2 dự án cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh: Các nhà thầu tham gia dự án đều được Bộ GTVT lựa chọn rất kỹ, là những đơn vị có năng lực, có kinh nghiệm và đặc biệt là đã tham gia các dự án cao tốc trước đây. Việc được lựa chọn là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm.
Dự án này khởi công tháng 1/2023, có một vài gói chậm hơn 1-2 tháng. Nhưng qua 14 tháng (gần 1 nửa thời gian thực hiện dự án), các nhà thầu mới đạt khoảng 30% khối lượng công việc (riêng Xuân Trường khoảng 20%).
“Chúng ta cũng đang phấn đấu hoàn thành dự án vượt tiến độ, về đích 30/6/2025. Như vậy thời gian thi công dự án chỉ còn 15 tháng, khối lượng công việc còn rất nhiều. Những cái khó nhất ở giai đoạn đầu chúng ta đã vượt qua, giờ chúng ta càng phải nỗ lực, phải cố gắng hơn nữa” – Thứ trưởng nói và yêu cầu nhà thầu phải nhận thức lại trách nhiệm của mình.
“Các nhà thầu đã được tin tưởng, được lựa chọn thì phải hoàn thành đúng cam kết với chủ đầu tư, với Bộ GTVT. Làm như thế nào thì vẫn phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Phải xác định chất lượng là yếu tố quyết định sống còn của doanh nghiệp, là sinh mạng chính trị của cán bộ quản lý dự án. Các nhà thầu phải hết sức lưu ý, đây là dự án chỉ định thầu, cho nên làm đến đâu phải gọn đến đó, hồ sơ thủ tục phải đúng trình tự, đầy đủ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường thi công tại dự án Hàm Nghi – Vũng Áng.
Thông tin thêm, Thứ trưởng cho hay: Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, phối hợp với Bộ Xây dựng để sớm ban hành bộ quy định mới về định mức đơn giá.
Tuy nhiên, bản thân nhà thầu phải nỗ lực trước, căn cứ điều kiện thời tiết, điều kiện công địa thi công để tăng ca tăng kíp, xây dựng kế hoạch thi công cho phù hợp thực tiễn. Thời gian của dự án không còn nhiều, nên nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ ngay từ bây giờ. Đồng thời, chuẩn bị sẵn vật tư, vật liệu, không để bị dồn vào giai đoạn cuối.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tư vấn phải nêu cao vai trò, trách nhiệm kịp thời hỗ trợ nhà thầu trong xử lý vấn đề phát sinh, thẩm duyệt hồ sơ. Các Ban quản lý dự án tiếp tục bám sát địa phương để xử lý dứt điểm các tồn tại về mặt bằng.
“Bộ trưởng đã chỉ đạo, với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, khi đường đưa vào khai thác phải làm xong đồng thời các trạm dừng nghỉ, trung tâm điều hành giao thông thông minh, đường gom. Vì thế, từ bây giờ, Ban quản lý dự án phải xây dựng kế hoạch thực hiện”, Thứ trưởng lưu ý.
Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác, ông Hồ Ngọc Loan – Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Chủ đầu tư dự án – Bộ GTVT) cho biết: Tại dự án Bãi Vọt – Hàm Nghi đến nay, tổng giá trị sản lượng hai nhà thầu VINACONEX và Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng đã thực hiện đạt 1.317 tỷ/4.873 tỷ (27%). Ban đã giải ngân 100% số vốn kế hoạch giao của năm 2023 và 46% (607 tỷ đồng) vốn kế hoạch vốn được giao năm 2024.
Dự án Hàm Nghi – Vũng Áng, đến nay tiến độ dự án đạt 21,81% (sản lượng 1.377,04 tỷ/ 6.314,48 tỷ đồng). Trong đó gói XL11, liên danh Xuân Trường – Tự Lập – 471 thi công đạt 815/3.534 tỷ đồng (tương đương 23,07%). Ở gói này có nhà thầu Tự Lập và 471 thi công đạt, vượt tiến độ đề ra. Riêng Xuân Trường mới đạt 19%.
Gói XL12 liên danh Xuân Trường – Xây lắp 368 đã thi công đạt 562/2.780 tỷ đồng (đạt 20,22%). Nhà thầu Công ty Xây lắp 368 đã đạt 42,5%, Xuân Trường đạt gần 17% (chậm 2,6%). Tỷ lệ giải ngân của dự án năm 2024 là 138/1.437 tỷ đồng, đạt khoảng 9%.
Theo ông Loan, tỉnh Hà Tĩnh đã làm tốt công tác GPMB cũng như cấp mỏ cho các nhà thầu để thi công. Vấn đề ở đây là các nhà thầu phải có thức bố trí thi công hợp lý, khoa học để không ảnh hưởng đến tiến độ.
Sau chuyến thị sát của Thứ trưởng cũng như cuộc họp hôm nay, đại diện các nhà thầu cam kết bố trí đủ máy móc, nhân lực để thi công; Ngoài ra, các đơn vị sẽ họp lại thống nhất việc tổ chức thi công trên tuyến bài bản, khoa học.