Nhiều thành viên NATO ở châu Âu đối mặt thâm hụt ngân sách cao, khó có thể đáp ứng mục tiêu ngân sách quốc phòng ít nhất 2% GDP.
Các thành viên châu Âu của NATO cần tăng đóng góp hơn 60 tỷ USD mỗi năm để đáp ứng nhu cầu ngân sách quốc phòng của liên minh.
Mỹ nhiều lần kêu gọi các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng, đặc biệt dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, người thường xuyên phàn nàn rằng Mỹ phải chịu gánh nặng tài chính nhiều hơn các nước thành viên khác. Trump hôm 10/2 cho biết từng tuyên bố Mỹ sẽ không bảo vệ những thành viên NATO không góp đủ ngân sách cho liên minh.
Sau khi xung đột Ukraine bùng phát, việc thúc đẩy các thành viên NATO tăng ngân sách quốc phòng để đối phó với mối đe dọa từ Nga đang làm gia tăng áp lực ngân sách ở châu Âu, vào thời điểm nhiều quốc gia phải thi hành chính sách “thắt lưng buộc bụng” về tài chính. Các nhà kinh tế cho rằng điều này sẽ khiến cho khoảng cách giữa các nước châu Âu ngày càng xa.
Nghiên cứu của Viện Ifo của Đức cho thấy các nước có tỷ lệ ngân sách quốc phòng trên GDP thấp nhất so với mục tiêu 2% GDP mà NATO từng thống nhất cũng là những quốc gia có mức nợ và thâm hụt ngân sách cao nhất ở châu Âu.
Đức là quốc gia có mức thiếu hụt lớn nhất, khi chi ít hơn 15 tỷ USD so với mức yêu cầu. Tây Ban Nha, Italy và Bỉ theo sau với mức thiếu hụt lần lượt gần 12 tỷ USD, 11,7 tỷ USD và gần 5 tỷ USD.
Ba quốc gia Tây Ban Nha, Italy, Bỉ nằm trong nhóm 6 nước Liên minh châu Âu (EU) có mức nợ trên 100% GDP trong năm ngoái. Italy còn là một trong những nước có thâm hụt ngân sách cao nhất khối với 7,2% và điều này khó cải thiện trong năm nay.
“Các quốc gia có mức nợ và chi phí lãi vay cao dường như không còn lựa chọn nào khác là cắt giảm chi tiêu trong các lĩnh vực khác. Điều này không dễ dàng. Đức đã tìm cách giảm trợ cấp dầu diesel cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng vấp phải phản ứng dữ dội từ nông dân”, Marcel Schlepper, nhà kinh tế tại Ifo, nói.
Matthew Miller, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, thừa nhận EU đã nỗ lực để thúc đẩy các thành viên NATO đạt mục tiêu 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Washington từ lâu đã muốn châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng và tự chủ hơn về an ninh. Những lời đe dọa của cựu tổng thống Trump đã khiến nhiều thành viên liên minh lo ngại về tương lai nếu ông tái đắc cử vào tháng 11.
Tổng ngân sách quốc phòng năm ngoái của NATO là 1,2 nghìn tỷ euro, trong đó Mỹ đóng góp cao hơn gấp đôi so với mức 361 tỷ euro mà các thành viên EU, Anh và Na Uy cộng lại.
Các quy tắc tài khóa mới của EU áp dụng cho năm tới dự kiến thúc đẩy các quốc gia cắt giảm chi tiêu nhiều hơn để tuân thủ mức trần thâm hụt ngân sách 3% hàng năm và ngưỡng nợ 60% so với GDP. Hơn 10 quốc gia trong khối có thể vượt trần thâm hụt hàng năm, điều có thể khiến họ đối mặt với lệnh trừng phạt của Ủy ban châu Âu.
Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán cuối năm ngoái, Ba Lan, Italy và các nước vùng Baltic đã vận động thành công để tránh nguy cơ bị phạt theo quy tắc mới. Theo đó, Ủy ban châu Âu sẽ coi chi tiêu quốc phòng là yếu tố giảm nhẹ khi đánh giá có nên trừng phạt các nước vượt trần thâm hụt hàng năm hay không.
Ba Lan dự kiến chi hơn 4% GDP cho ngân sách quốc phòng trong năm 2024 và trở thành nước có mức chi lớn nhất trong NATO. Điều này đồng nghĩa Warsaw có thể được xem xét giảm nhẹ trừng phạt khi vi phạm mức trần của EU.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước cho biết 2/3 số thành viên liên minh dự kiến đạt mục tiêu 2% GDP cho ngân sách quốc phòng trong năm nay, tăng từ 3 nước vào năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Các quốc gia khu vực đồng euro đang trên đà tăng ngân sách quốc phòng từ gần 163 tỷ USD năm 2021 lên hơn 347 tỷ USD vào năm 2026, theo Pantheon Macroeconomics. Tuần này, Na Uy trở thành thành viên NATO mới nhất tuyên bố sẽ đáp ứng mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024, sớm hơn một năm so với kế hoạch.
Lorenzo Codogno, cựu quan chức Bộ Tài chính Italy và hiện là cố vấn kinh tế, cho biết mục tiêu này sẽ “khó khăn” với Italy, quốc gia có mức nợ trên 140% GDP vào năm ngoái, nếu không có miễn trừ quy định hoặc hỗ trợ từ EU.
“Mối đe dọa từ Nga không được xem là đủ lớn để biện minh cho quyết định cắt giảm phúc lợi xã hội và đầu tư cho vũ khí”, ông nói.
Khảo sát của NATO chỉ ra tỷ lệ ủng hộ thấp của công chúng đối với ý tưởng tăng ngân sách quốc phòng ở những nước có mức đóng góp ít. Chỉ 28% người dân Italy cho rằng đất nước của họ cần tăng đầu tư cho quân sự, trong khi 62% muốn duy trì hoặc cắt giảm mức 1,47% như hiện tại.
Dù là nơi đặt trụ sở của NATO, Bỉ chỉ chi 1,2% GDP cho ngân sách quốc phòng vào năm ngoái, một trong những nước đóng góp ít nhất liên minh, theo số liệu công bố tuần trước. Tây Ban Nga cao hơn một chút với 1,24%.
Trừ 7 quốc gia châu Âu cam kết hoàn thành mục tiêu 2% trong năm nay, trong đó có Thụy Điển, nước vừa được kết nạp, Ifo chỉ ra châu Âu thiếu hụt 38 tỷ USD ngân sách quốc phòng so với kế hoạch.
“Chúng tôi đang đi đúng hướng, nhưng quá chậm và quá muộn”, Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski nói cuối tuần trước, chỉ ra ngân sách quốc phòng của Nga dự kiến đạt 7% GDP trong năm nay. “Nga đang chuyển sang nền kinh tế thời chiến. Các nền kinh tế châu Âu ít nhất cũng phải chuyển sang chế độ khủng hoảng”.
Thanh Tâm (Theo FT, AFP, Reuters)