Đại học tại chức là chương trình đào tạo dành cho người vừa làm vừa học, nhằm mục đích bổ sung kiến thức, bồi dưỡng, cải thiện và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Để biết bằng đại học tại chức có giá trị như bằng đại học chính quy không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây.
Bằng đại học tại chức và chính quy có giá trị ngang nhau?
Theo Luật Giáo dục đại học, văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học sẽ được hiệu trưởng/giám đốc các trường đại học/học viện cấp văn bằng.
Nghị định 99 của Chính phủ ban hành năm 2019 quy định, bằng cử nhân cấp là bằng cấp cho người tốt nghiệp trình độ đại học theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra tiếng Anh bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo.
Như vậy, bằng đại học tại chức được công nhận có giá trị tương đương với bằng đại học chính quy theo quy định.
Tuy nhiên, người học cần chú ý đối tượng theo học hệ chính quy và hệ tại chức là hoàn toàn khác nhau. Trong khi đối tượng học hệ tại chức là những người đã đi làm, còn hệ chính quy lại dành cho sinh viên. Thời gian học của hệ tại chức chủ yếu diễn ra vào buổi tối, cuối tuần, hệ chính quy là học các ngày trong tuần, lịch học cố định.
Quy định về chương trình đào tạo đại học tại chức
Thông tư 08 năm 2021 của Bộ GD&ĐT quy định hình thức đào tạo hệ tại chức như sau:
– Các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo hoặc tại cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định liên kết đào tạo tại Điều 5 của Quy chế. Riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo, cơ sở phối hợp đào tạo.
– Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy linh hoạt trong ngày và trong tuần.
Nếu muốn đăng ký vào lớp học tại chức tại các trường đại học, bạn cần chuẩn bị và đáp ứng đủ một số điều kiện dưới đây:
– Đảm bảo có một trong số các loại bằng sau: bằng tốt nghiệp THPT, bằng trung cấp nghề, cao đẳng hoặc bằng cử nhân một chuyên ngành khác với ngành đăng ký học.
– Có đầy đủ giấy tờ tùy thân và các loại giấy tờ để làm thủ tục nhập học.
– Đóng lệ phí đăng ký dự tuyển đầy đủ cho các tường theo học tại chức.
– Thực hiện các quy định trong quy trình đăng ký và đào tạo của trường và Bộ GD&ĐT ban hành.