Học phí đóng dễ, đòi… chưa chắc
Các gói “đầu tư giáo dục” hay các chương trình “tài chính giáo dục” hiện được mời gọi cho nhiều phụ huynh có định hướng cho con theo học tại các trường quốc tế.
Hình thức này tiềm ẩn một số rủi ro. Điển hình, vụ lùm xùm tại Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) hiện tại một phần liên quan đến các gói “đầu tư giáo dục”.
Thời điểm trước dịch COVID-19, AISVN triển khai nhiều gói “đầu tư giáo dục”. Theo đó, khi phụ huynh đóng trước từ 3 – 5 tỉ đồng tùy chương trình, con họ sẽ được học miễn phí trong suốt thời gian tại trường. Đến khi hoàn thành chương trình học và đủ thời gian thỏa thuận – có thể là 5, 7 hoặc 12 năm – phụ huynh sẽ được hoàn trả 100% số tiền đã đóng.
Chị P. – từng có con học tại AISVN – cho rằng nếu nhà trường có kế hoạch rõ ràng sử dụng nguồn tiền này để tái đầu tư hoặc quản lý tài chính chặt chẽ, các gói tài chính giáo dục có lợi cho đôi bên. Ngược lại, trong trường hợp tài chính của trường gặp biến động không thể cân bằng, rủi ro thuộc về phụ huynh.
Chị P. kể trong hai năm 2022 và 2023, chị phải tới lui nhiều lần đòi lại khoản tiền gần 5 tỉ đồng đã đóng cho con tại AISVN vì con chị ra nước ngoài học. Chị cho biết đại diện nhà trường hẹn đi hẹn lại chị nhiều lần, lý do là khó khăn tài chính.
“May mắn cho tôi là vào giữa năm 2023, tôi tìm được một phụ huynh khác muốn vào học và đã đồng ý chuyển nhượng lại gói học phí của tôi”, chị P. nói.
Cũng trong năm 2023, Trường AISVN đã bỏ điều khoản hoàn trả 100% học phí đã đóng trong một chương trình học phí mới. Với gói mới này, phụ huynh sẽ đóng 2,5 tỉ đồng, con được học trọn gói cho đến khi tốt nghiệp 12, bất kể các em vô lớp mấy. Trường hợp các em học cấp 3, nhà trường sẽ có gói học phí ưu đãi riêng.
Nhiều “gói đầu tư” trường quốc tế
Nhiều trường quốc tế khác cũng có các chương trình “đầu tư giáo dục”. Chẳng hạn, Trường quốc tế Nam Mỹ (UTS) có gói đầu tư trị giá 2 tỉ đồng cho chương trình tiếng Anh theo chuẩn Common Core (Mỹ) và 2,75 tỉ đồng cho chương trình tiếng Anh Oxford.
Theo nhà trường, với gói đầu tư đóng một lần, gia đình nhận lại 100% học phí sau khi học sinh hoàn thành chương trình phổ thông tại UTS và phụ huynh không phải lo về học phí trong suốt 12 năm học.
Hệ thống Trường ICS áp dụng một chương trình đầu tư giáo dục cho năm học 2023 – 2024, đầu tư 9 năm hoàn đến 80% học phí. Cụ thể, phụ huynh sẽ đóng 100% mức học phí cho 9 năm học, bao gồm 5 năm tiểu học và 4 năm THCS, ngay trong năm học đầu tiên.
Chẳng hạn, với lộ trình tích hợp chương trình học quốc tế Oxford, phụ huynh sẽ đóng một lần hơn 1,2 tỉ đồng (cụ thể 1.273.300.000 đồng) cho học phí xuyên suốt 9 năm (lớp 1 – 9). Phụ huynh được cam kết hoàn trả 80% học phí sau khi con hoàn thành 9 năm học, tức hơn 1 tỉ đồng (cụ thể 1.018.640.000 đồng).
Trong khi đó một số trường quốc tế “tung” chính sách chiết khấu cho phụ huynh đóng tiền dài hạn, ví dụ đóng trước 2 năm phụ huynh được chiết khấu 20%, đóng trước 3 – 4 năm được chiết khấu 30 – 40%, đóng trước 5 – 12 năm được chiết khấu 50%…
Cần cơ chế kiểm soát
Ngay trước vụ việc tại Trường quốc tế AISVN, vào tháng 8-2023, Trường quốc tế Green Shoots ở TP Hội An, Quảng Nam bất ngờ thông báo đóng cửa. Nhiều phụ huynh cho biết họ đã đóng các gói “đầu tư giáo dục” cho con với tổng số tiền hơn 14 tỉ đồng thì đột nhiên trường “bốc hơi”, chủ trường ôm học phí về nước.
Dù không phải là trường quốc tế, nhưng vụ việc tại trung tâm Anh ngữ Apax Leaders cũng là một hình thức đóng các gói học phí trước, với trị giá có thể lên đến hàng trăm triệu đồng cho nhiều năm học. Khi nhiều trung tâm Apax Leaders giải thể, phụ huynh gian nan đi đòi lại khoản tiền đã đóng.
Theo thống kê của chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, có ít nhất 10 trường quốc tế và song ngữ chào mời gói “đầu tư giáo dục” cho phụ huynh đóng học phí trước 3 năm, 5 năm, thậm chí tới 12 hoặc 15 năm. Đổi lại, phụ huynh được hưởng học phí thấp hơn mức đóng lẻ từng năm, có thể giảm học phí từ 20%, 40% hoặc cao hơn.
Có những gói đầu tư giống như “vay vốn” của phụ huynh. Cụ thể, phụ huynh đóng vào trường một khoản tiền trong 12 năm, trong suốt thời gian đó học sinh được học miễn phí, hết 12 năm trường hoàn trả toàn bộ số tiền đã đóng. Gọi là đầu tư vì xét về mặt tài chính, số tiền lãi đã được dùng để chi trả tiền học cho học sinh.
Nguyên hiệu trưởng một trường quốc tế tại quận 7 (TP.HCM) nêu bài toán: giả sử một trường quốc tế có 1.000 học sinh. Khoảng 1/5 phụ huynh, tức 200 người, tham gia gói đầu tư này, trung bình mỗi gói khoảng 5 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền trường quốc tế này huy động được đã lên đến 1.000 tỉ đồng.
“Đây rõ ràng là một số tiền lớn nên rất cần có cơ chế để ngăn ngừa trường hợp nhà trường tư lợi dụng hoặc sử dụng số tiền huy động sai mục đích”, vị này nói.