Tháng 1 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ một số điều khoản quy định cụ thể.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 19/3, chị Ann Huỳnh, hiện đang làm việc Công ty đầu tư Bất động sản S3i VA LLC-USA, bang Virginia, Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm và vui mừng đối với những thay đổi của Luật Đất đai (sửa đổi).
Tìm hiểu qua báo chí, các ý kiến chuyên gia tại Việt Nam về những thay đổi của Luật Đất đai và tham khảo các chuyên gia Việt kiều ở nước ngoài, chị Ann Huỳnh nhận thấy luật sửa đổi mang tính bao trùm và có nhiều điều khoản rõ ràng hơn, giúp cho những Việt kiều hay những nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư tại Việt Nam cảm thấy quyền lợi của họ được đảm bảo rõ ràng hơn.
Theo chị, đây là yếu tố rất quan trọng, thể hiện luật đất đai đã sửa đổi theo hướng minh bạch và có lợi cho những người Việt ở nước ngoài.
Chị cho rằng luật đất đai lần này quy định rõ về việc đấu thầu các lô đất cho dự án, giúp cho những người dân tộc thiểu số được sở hữu đất hay những hộ gia đình họ đã sở hữu từ trước nhưng chưa làm thủ tục…
Điều đó thể hiện Chính phủ Việt Nam đã quan tâm đến tính đa dạng và bao trùm về đối tượng thụ hưởng trong luật đất đai.
Chị cũng nhận thấy những thay đổi cho thấy chính sách cởi mở của chính phủ trong việc thu hút nguồn lực vốn từ nước ngoài, cũng như gắn kết thêm kiều bào với Tổ quốc, thể hiện nhất quán tinh thần đại đoàn kết dân tộc và kiều bào là một phần không thể tách rời của dân tộc.
Theo chị, đây là định hướng rất đúng đắn bởi trên thực tế, kiều bào còn có họ hàng và người thân ở Việt Nam, và họ muốn giúp cho bà con anh em, cũng như đóng góp cho quê hương bằng cách gửi kiều hối và tái đầu tư.
Do vậy, việc đầu tư vào bất động sản ở ngay tại Việt Nam sẽ là kênh mà những người Việt ở nước ngoài có người thân trong nước hướng tới.
Chị Ann Huỳnh nhận định Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ làm gia tăng lòng tin của Việt kiều đối với chính phủ, giúp tăng cường sự đoàn kết và kết nối giữa người Việt ở trong và ngoài nước, thu hút sự đầu tư từ phía Việt kiều và bạn bè quốc tế.
Về ý kiến đóng góp, chị Ann Huỳnh kiến nghị với chính phủ khi mở cửa thu hút đầu tư xem xét tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài; kiến nghị Bộ ngoại giao Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài xem xét hỗ trợ khâu cấp hộ chiếu cho kiều bào.
Chị cũng đưa ra một số giải pháp để giải quyết được lượng hàng tồn kho ở Việt Nam, như rất nhiều dự án được xây xong nhưng chưa có người mua thì với chính sách mới, có thể mở cửa để thu hút được một lượng khách hàng là kiều bào, những người Việt Nam đang sống ở nước ngoài hay những người nước ngoài đang sống tại Việt Nam.
Những dự án có nhiều người mua sẽ tạo ra tính thanh khoản cao hơn trên thị trường, dẫn đến dòng tiền và các chủ đầu tư dự án có nguồn thu nhập để hoàn thành những dự án dang dở, tiếp tục mở ra những dự án mới và cung ứng một lượng hàng trên thị trường cho những người có nhu cầu.
Tuy nhiên, theo ý kiến của chị, sau khi ban hành luật, Việt Nam cần có biện pháp phòng ngừa nguy cơ khủng hoảng nhà đất như từng xảy ra tại Canada hay Australia.
Chị Ann Huỳnh cho rằng với những sửa đổi của Luật Đất đai lần này, với sự thông thoáng, thu hút được dòng tiền, thu hút được nhiều người mua, cũng cần có những biện pháp phòng vệ đảm bảo cân bằng xã hội trong tương lai, để người dân Việt Nam cũng có điều kiện mua được nhà.
Theo chị, chính phủ cũng cần tính đến những trường hợp người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam nhưng không ở lâu dài vì vẫn còn vướng bận công việc ở nước ngoài, để có những dự án mà Việt kiều được đứng tên sổ đỏ, sổ hồng.
Người Việt ta có câu: “An cư lạc nghiệp,” chị Ann Huỳnh tin rằng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ giúp cho mọi người đạt được nguyện vọng đó./.