Những ngày qua, người dân sống gần khu vực thi công – sân bay Long Thành (Đồng Nai) liên tục bị bụi đỏ tấn công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
Đáng nói, các chuyên gia cho rằng điều này còn tiềm ẩn nguy cơ tổn hại sức khỏe, mất an toàn giao thông… Bụi đỏ không chỉ tấn công vào nhà cửa, trường học… mà còn lan đến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây gây hạn chế tầm nhìn cánh tài xế.
Hít bụi đỏ lâu ngày tổn hại phổi
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS Trần Văn Ngọc – chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM – cho biết bụi đỏ có thành phần chính là bụi đất tạo ra từ các công trình đang thi công, gió có thể tác động khiến chúng bay xa hơn.
Khi hít phải các bụi đất này, hệ thống thanh lọc của phổi, phế quản sẽ tự đào thải. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc thường xuyên ngày này qua ngày khác, trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe như: tổn thương niêm mạc đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng phổi, xơ hóa phổi…
Đặc biệt người dễ bị ảnh hưởng nhất là người già và trẻ em, do hệ miễn dịch sức đề kháng kém.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo người dân sống gần sân bay Long Thành nên đeo khẩu trang hạn chế sự xâm nhập bụi đỏ vào đường hô hấp.
Trường hợp ở trong nhà, người dân nên sử dụng các màn che, đóng cửa, sử dụng quạt hút bụi để tống lượng bụi ra ngoài.
Ngoài ra, có thể trồng thêm các cây xanh để hạn chế lượng bụi đỏ tấn công. Đối với các công trình đang thi công, khi trời nắng nhiều, lượng phương tiện hoạt động mạnh, phải tưới nước thường xuyên hạn chế phát sinh bụi.
Cần sớm ngăn chặn bụi đỏ
TS Nguyễn Bảo Thành – chuyên gia xây dựng Trường đại học Văn Lang – nhận định tình trạng bụi đỏ từ công trình càn quét vào nhà dân, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tiếp tục kéo dài ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, an toàn giao thông đi lại trên cao tốc.
Các đơn vị cần tích cực thực hiện các giải pháp ngăn chặn điều này, giảm thiểu các nguy cơ có thể xảy ra.
Trong đó phương pháp hay sử dụng hiện nay là phun sương dập bụi, tưới nước thường xuyên tại khu vực thi công. Tuy nhiên sân bay Long Thành là một đại công trình nên phải dùng nhiều xe phun sương cao áp cùng lúc.
Thậm chí nếu cần thiết các đơn vị phải tính toán mời chuyên gia có kinh nghiệm về vấn đề này tham gia tư vấn, xử lý, học hỏi kinh nghiệm từ các nước từng xảy ra tình trạng tương tự.
Ngoài ra, trong suốt quá trình thi công, vận chuyển nên cố gắng che chắn, hạn chế bụi đỏ tấn công tràn lan.
Người dân sống lân cận khu vực cần chủ động đeo khẩu trang, tưới nước, che chắn nhà cửa… hạn chế tối đa bụi đỏ tiếp xúc trực tiếp, nhất là người già, trẻ em.
Khuyến cáo chỉ số ô nhiễm không khí
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, chỉ số AQI (Air Quality Index) là một chỉ số báo cáo chất lượng không khí hằng ngày.
Đây được coi là một thước đo đơn giản hóa mức độ ô nhiễm không khí, cho biết không khí xung quanh ta là sạch hay ô nhiễm, ô nhiễm đến mức độ nào.
Rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng càng cao khi chỉ số AQI càng lớn. Chỉ số AQI tập trung vào sự ảnh hưởng tới sức khỏe người dân có thể gặp trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi hít thở không khí ô nhiễm.
Cụ thể nếu chỉ số chất lượng không khí AQI từ 51-100 có thể tham gia các hoạt động ngoài trời không hạn chế.
Chỉ số AQI từ 101-150 nên giảm thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời, hạn chế hoặc tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí như đường phố, các điểm giao cắt giao thông, các công trình xây dựng, khu vực sản xuất công nghiệp, làng nghề và các khu vực ô nhiễm khác.
Chỉ số AQI từ 151-200 cần hạn chế tham gia các hoạt động quá sức. Nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện hoạt động vừa phải.
Ngoài ra, tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao, hạn chế mở cửa sổ, đặc biệt là các gia đình gần đường giao thông.
Chỉ số AQI từ 201-300 cần tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động quá sức. Khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà.
Chỉ số AQI từ 301-500 cần tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn.