Chiều 20/3, sau khi Trung ương họp, quyết định việc thôi giữ các chức vụ đối với ông Võ Văn Thưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV. Kỳ họp diễn ra ngày 21/3, họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Việc triệu tập kỳ họp Quốc hội bất thường lần này để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội, căn cứ vào Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Chiều 20/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Ban Chấp hành Trung ương, ông Võ Văn Thưởng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Thưởng đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông.
Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông Võ Văn Thưởng đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.
Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021-2026.
Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh là các chức danh do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, do đó, quy trình miễn nhiệm với ông Võ Văn Thưởng sẽ do Quốc hội tiến hành.
Với việc tổ chức kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội khóa XV sẽ có 6 kỳ họp bất thường kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XV. Đây là việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 78 năm hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Riêng năm 2023, Quốc hội đã tổ chức số lượng kỳ họp nhiều nhất trong một năm với 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp bất thường (lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ 4).
3 kỳ họp này đã xem xét, quyết định 84 vấn đề lớn, quan trọng, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần ổn định và phát triển đất nước, tạo tiền đề thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo.
Ngay trong những ngày đầu năm 2024, Quốc hội đã tổ chức thành công kỳ họp bất thường lần thứ 5, thông qua hai đạo luật đặc biệt quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Quốc hội khóa XV cũng nhiều lần nhận định các kỳ họp “bất thường” đã trở thành “bình thường”, nhằm đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của đời sống kinh tế, xã hội và nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Theo ông Huệ, mọi hoạt động của Quốc hội đều vì mục tiêu tối thượng là lợi ích quốc gia, dân tộc, mọi quyết sách của Quốc hội đều phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
“Chúng ta sẽ tiếp tục tinh thần sẵn sàng biến những điều bất thường thành bình thường để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm yêu cầu kiến tạo sự phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.