Hơn 121 triệu cổ phiếu mã VTP của Tổng công ty cổ phần Viettel Post sẽ chuyển từ UPCoM sang HoSE vào ngày 12/3 với giá tham chiếu 65.400 đồng một cổ phiếu.
Theo bản công bố của HoSE, với mức giá tham chiếu 65.400 đồng một cổ phiếu VTP, mã này được dự đoán có biên độ giao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên ở mức 20%. VTP cũng được kỳ vọng sẽ lọt vào các rổ chỉ số lớn của sàn HoSE trong thời gian tới.
Tính từ đầu tháng 11/2023 tới ngày 29/2/2024, VTPcó biến động giá là 87,56%, tăng lên mức cao nhất là 78.400 đồng một cổ phiếu. Đây cũng là mức giá chốt phiên giao dịch cuối cùng của cổ phiếu này trên UPCoM. Với mức vốn điều lệ gần 1.218 tỷ đồng, nếu tính tại phiên giao dịch cuối cùng ngày 29/2, vốn hóa của VTP đạt hơn 9.500 tỷ đồng, tăng 3 lần so với thời điểm đầu năm 2023.
Theo đại diện doanh nghiệp, nhịp phục hồi của cổ phiếu VTP được hỗ trợ bởi động thái mua ròng của khối nhà đầu tư ngoại. Với việc chuyển sàn sang HOSE, doanh nghiệp mong muốn duy trì động thái tích cực của dòng vốn này trong thời gian tới, đặc biệt là sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức lớn, các quỹ đầu tư. VTP cũng là cổ phiếu trên UPCoM lọt top đầu tư của cả 3 quỹ thuộc Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF).
“Việc chuyển từ đăng ký giao dịch trên UPCoM sang niêm yết trên HoSE là bộ đệm giúp cổ phiếu VTP lọt vào danh sách các cổ phiếu được phép sử dụng margin, từ đó tăng tính thanh khoản, cũng như nâng tầm vốn hóa của VTP trong tương lai. Thời điểm chuyển sàn cũng được đánh giá là hội tụ các yếu tố tích cực, trong đó có lợi thế khi là một thành viên của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội”, đại diện VTP chia sẻ thêm.
Bên trong một trung tâm phân loại của Viettel Post. Ảnh: Viettel Post
Theo báo cáo của doanh nghiệp, năm 2023, Viettel Post đạt doanh thu 19.590 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 380 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2022. Sản lượng bưu chính năm 2023 cũng tăng 43% so với năm 2022. Lĩnh vực lõi – chuyển phát tăng trưởng 29,1%.
Năm 2023, công ty cán mốc lịch sử từ khi hoạt động với 2 triệu đơn hàng một ngày qua hệ thống. Doanh nghiệp đều đặn trả cổ tức hàng năm vừa bằng tiền vừa bằng cổ phiếu với mức tổng chi trả khoảng 20%.
Ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post đặt mục tiêu doanh số công ty gấp 10 lần so với năm 2023, tương ứng mức tăng trưởng 60-65% mỗi năm.
Về mặt công nghệ, ngoài việc áp dụng robot AGV, Viettel Post đã làm chủ phần mềm và hệ thống điều khiển, tiến tới hợp tác với các đơn vị khác trong Tập đoàn Viettel để sản xuất thêm phần cứng tối ưu cho công tác vận hành.
Viettel Post không ngừng mở rộng hệ thống kho, vận tải vận chuyển và chuyển phát. Ảnh: Viettel Post
Tính đến năm 2023, quy mô thị trường logistics toàn cầu đã đạt gần 9.000 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 18.230 tỷ USD năm 2030. Châu Á – Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực có quy mô lớn và phát triển năng động nhất. Trong khi Việt Nam nằm trong top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới. Chính phủ cũng chú trọng xây dựng và phát triển hạ tầng logistics, thúc đẩy trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế với loạt giải pháp, cơ chế khuyến khích hạ tầng và dịch vụ. Mục tiêu đến năm 2025, ngành logistic sẽ đóng góp 5-6% vào GDP.
Là một trong những “ông lớn” trong ngành logistics tại Việt Nam, hệ sinh thái của Viettel Post dựa trên nền tảng hạ tầng hiện đại, công nghệ cao, cung cấp đầy đủ dịch vụ như: chuyển phát, supply chain (kho, vận tải vận chuyển, forwarding…), thương mại điện tử xuyên biên giới… đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics cho các khách hàng doanh nghiệp lớn trong ngoài nước.
Trong năm 2024, VTP sẽ tiếp tục chiến lược “Go Global” khi đẩy mạnh việc hoạt động của 2 công ty con tại thị trường Myanmar và Campuchia; khảo sát đầu tư sang Lào và lên kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Thái Lan và Trung Quốc.
Sau giai đoạn đầu tư ở châu Á, doanh nghiệp sẽ mở rộng thị trường sang Australia, châu Âu với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của toàn cầu. Ông Hoàng Trung Thành kỳ vọng, Viettel Post sẽ đặt nền móng xây dựng thành công các lĩnh vực của logistics như hệ thống chuỗi cung ứng (supply chain), công viên logistics, cửa khẩu thông minh, hệ thống hạ tầng logistics xuyên biên giới, đường sắt liên vận quốc tế. Từ đó, kết nối hiệu quả và đồng bộ các trung tâm khu công nghiệp, các vùng nuôi trồng với các nút giao thông của đường bộ, đường thủy, đường sắt, các cảng biển, các cảng hàng không, các hệ thống cửa khẩu.
Trong nước, doanh nghiệp đang dần hiện thực hóa mục tiêu trở thành hạ tầng logistics quốc gia. Theo đại diện công ty, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đang đặt ra những đòi hỏi về việc thay đổi hạ tầng mạng lưới, cách thức khai thác phần last mile (chặng cuối).
Theo đó, Viettel Post đang hình thành tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh ứng dụng những công nghệ mới nhất trên thế giới, tự động hóa quy trình vận hành, trong các công đoạn lưu trữ, lấy hàng, đóng gói, chia chọn. Tổ hợp này do đơn vị làm chủ hoàn toàn từ thiết kế, tích hợp và vận hành bao gồm cả phần cứng và phần mềm.
Tuệ Anh