Đôi khi chỉ nhận lại một nụ cười của người nhận cũng làm mình hạnh phúc, thôi thúc khao khát cống hiến và như tiếp thêm nguồn động lực để mình tiếp tục với sứ mệnh hỗ trợ cộng đồng đã lựa chọn.
LÊ VĂN PHÚC
Đang là sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), anh bạn này còn làm phó trưởng ban thường trực Mạng lưới tình nguyện quốc gia khu vực miền Nam. Phúc là một trong 20 đề cử toàn quốc cho giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm nay.
Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, Phúc bày tỏ:
– Tôi chọn bắt đầu từ hoạt động tình nguyện. Với tôi, tình nguyện giúp người trẻ thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, đất nước. Nhờ đó các bạn trẻ có cơ hội trải nghiệm, cống hiến, phụng sự cộng đồng, có lòng nhân ái, biết sống trách nhiệm, sẻ chia và phát triển bản thân một cách toàn diện hơn.
Có một chút liều lĩnh
* 16 tuổi đã thành lập nhóm từ thiện, làm sao để tập hợp được những bạn trẻ cùng chí hướng?
– Sinh ra và lớn lên ở Gia Lai, từ nhỏ tôi đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn. Nhiều câu chuyện gặp phải làm tôi luôn trăn trở tự hỏi “Người trẻ làm được gì?”.
Quê tôi thời điểm đó hầu như chưa có bất kỳ câu lạc bộ, đội nhóm tình nguyện nào. Tôi phát phiếu khảo sát cho các bạn với mong muốn tạo môi trường để các bạn trẻ được tham gia hoạt động tình nguyện bền vững, chuyên nghiệp, dài hạn.
Giờ nhìn lại thấy sự ra đời của Fly To Sky lúc ấy có khi là liều lĩnh vì tôi mới 16 tuổi. Cái tên như ước mong đưa chúng tôi bay đến bầu trời, chắp cánh những ước mơ là sứ mệnh nhóm vẫn đeo đuổi các năm qua. Hiện nhóm đã có hơn 200 thành viên chính thức với hơn 80% là học sinh phổ thông cùng khoảng 6.700 tình nguyện viên khắp cả nước.
* Các bạn đã làm được nhiều việc thời gian qua, đâu là hoạt động nổi bật và đáng nhớ?
– Dù chủ yếu là học sinh, sinh viên song nhóm đã và đang thực hiện 27 dự án cộng đồng, hơn 150 chương trình, chiến dịch chăm sóc sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội và môi trường, văn hóa – giáo dục tại Gia Lai và 22 tỉnh thành khác trên cả nước. Ước tính tổng kinh phí của các hoạt động gần 12 tỉ đồng.
Các tình nguyện viên của nhóm đã tặng hơn 47.000 cuốn sách, 33 tủ sách và thư viện cho các trường học vùng cao, mái ấm giúp trẻ tiếp cận, xây dựng thói quen đọc sách. Chúng tôi cũng đến dạy thường xuyên cho hơn 50 trẻ mồ côi tại mái ấm, giúp học sinh một số trường học sử dụng nước sạch, giúp bà con một số trang thiết bị y tế cơ bản.
Nhóm đã mang hơn 30.000 suất quà cùng hàng chục tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm đến với bà con nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Riêng lúc dịch COVID-19, nhóm đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng phòng chống dịch, tặng túi quà an sinh, rau củ quả, nhu yếu phẩm cho nhiều nơi.
Mô hình “Đổi sách lấy cây” đáng nhớ khi thu hút hơn 23.000 người tham gia, quy đổi tương đương 73 tấn sách, giấy với trên 2.500 tình nguyện viên tại chín tỉnh thành cùng tham gia. Và còn nhiều dự án khác vẫn đang tiếp tục cùng chia sẻ, giải quyết các vấn đề của địa phương.
Tình nguyện rất cần chuyên nghiệp
* Gắn bó và quen thuộc với tình nguyện, theo bạn cần làm gì để phát huy tinh thần này trong người trẻ?
– Cá nhân tôi cùng ban thường trực Mạng lưới tình nguyện quốc gia khu vực miền Nam (thuộc Trung tâm tình nguyện quốc gia) thường kết nối với Đoàn – Hội các nơi. Đồng thời lắng nghe, chia sẻ thông tin, định hướng và hỗ trợ các câu lạc bộ, đội nhóm tình nguyện phía Nam cũng như cộng đồng tình nguyện trong nước.
Thông qua hội nghị mạng lưới tình nguyện quốc gia, diễn đàn, ngày hội tình nguyện, liên hoan các câu lạc bộ, đội nhóm tình nguyện khu vực và toàn quốc sẽ là cơ hội để hiểu hơn về hoạt động của các câu lạc bộ, đội nhóm tình nguyện xem có thể giúp đỡ các bạn thế nào.
Tất cả đều trên tinh thần tình nguyện song tôi thật sự hạnh phúc. Bởi lẽ nếu chỉ có một mình, tôi không thể giúp được nhiều người nhưng khi cộng hưởng nhiều người cùng đam mê, hỗ trợ họ làm tốt hơn, hiệu quả hơn, quan trọng là có thể hiện thực hóa mục tiêu thì hoạt động tình nguyện ý nghĩa hơn rất nhiều.
* Từ góc nhìn cá nhân, bạn cho rằng tình nguyện chỉ là phong trào hay cần phải chuyên nghiệp?
– Khi trở thành thủ lĩnh nhóm, tôi dành thời gian học hỏi từ nhiều người đi trước, trau dồi kỹ năng, tích cực tổ chức và tham gia các hoạt động tình nguyện. Tôi cho rằng niềm tin rất quan trọng, phải hành động để chứng minh trên hành trình phụng sự cộng đồng.
Cá nhân tôi hay nhóm đã và đang nỗ lực để chứng minh cho sứ mệnh ấy. Tôi tin rằng nếu người trẻ dám dấn thân, dám hành động họ sẽ làm được nếu không muốn nói là làm rất tốt. Cũng vậy, các dự án tình nguyện đòi hỏi phải có sự bền bỉ, hoạt động bền vững. Và hoạt động tình nguyện phải là bài toán cần suy nghĩ thấu đáo và ngày càng chuyên nghiệp chứ không thể phong trào nếu muốn đạt hiệu quả.
Việc sắp xếp thời gian với mỗi người yêu thích hoạt động tình nguyện rất quan trọng. Vì khi đã yêu, bạn sẽ không chỉ tham gia phong trào mà hình thành thói quen và với học sinh, sinh viên chắc chắn không được để ảnh hưởng đến việc học.
Trong hai năm đầu thành lập nhóm từ thiện này, Phúc vẫn đoạt giải ba quốc gia học sinh giỏi môn địa lý liên tiếp hai năm lớp 11 và 12 để được tuyển thẳng đại học mà vẫn đảm bảo điều hành và tham gia hoạt động của nhóm.
Giải thưởng gọi tên Lê Văn Phúc
– Giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2019.
– Danh hiệu “Công dân trẻ Gia Lai tiêu biểu” 2019.
– Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc 2020.
– Giải thưởng Thanh niên sống đẹp 2022.
– Giải thưởng “Trái tim nồng ấm” 2022 (Liên bang Nga trao tặng).
– Bằng khen Hội LHTN Việt Nam tặng vì thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng 2023.
– Hai lần nhận bằng khen của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Danh hiệu “Gương sáng sinh viên” 2022 Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).