TPO – Cơ quan khí tượng dự báo trong những ngày tới nắng nóng tiếp tục duy trì trên khu vực TPHCM với cường độ gia tăng.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, ngày hôm qua (15/3), nắng nóng xuất hiện diện rộng ở khu vực miền Đông, cường độ nắng nóng gia tăng so với ngày trước đó.
Nhiệt độ cao nhất dao động từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ như Đồng Xoài (Bình Phước) 37,2 độ.
Dự báo trong những ngày cuối tuần, nắng nóng diện rộng tiếp tục xuất hiện trên khu vực miền Đông và vài nơi ở miền Tây Nam bộ, riêng khu vực miền Đông có nơi nắng nóng gay gắt trên 37 độ C.
Trong khoảng 3-5 ngày tới, nắng nóng tiếp tục duy trì ở khu vực miền Đông Nam bộ và mở rộng hơn ở khu vực miền Tây.
Người dân TPHCM vật vã dưới nắng nóng. Ảnh: Duy Anh |
Ngày hôm nay (15/3), TPHCM có nắng nóng cục bộ. Nhiệt độ cao nhất tại trạm Tân Sơn Hòa là 35 độ.
Dự báo trong những ngày cuối tuần, nắng nóng tiếp tục diễn ra trên khu vực TPHCM. Nhiệt độ cao nhất từ 35-37 độ C.
Trong khoảng 3-5 ngày tiếp theo, nắng nóng tiếp tục duy trì trên khu vực TPHCM với cường độ gia tăng.
“Trời nắng nóng kết hợp với chỉ số tia cực tím (UV) ở mức cao tác động tới sức khỏe người dân khi tham gia các hoạt động ngoài trời trong thời gian kéo dài. Cùng với đó, độ ẩm trong không khí giảm thấp, thời tiết hanh khô, cần đề phòng xảy ra cháy nổ”- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ khuyến cáo.
Tình hình xâm nhập mặn tại TPHCM
Theo Chi Cục Thủy lợi TPHCM, nồng độ mặn khảo sát đợt 2 tháng 3/2024 tại các trạm trên các sông, kênh, rạch chính khu vực TP.HCM lớn hơn so với độ mặn đợt 1 tháng 3/2024 (kỳ trước đó) nhưng vẫn thấp hơn so với độ mặn đợt 3 tháng 3/2023 (cùng kỳ năm trước) và thấp hơn so với độ mặn lớn nhất tháng 3 trung bình nhiều năm (TBNN).
Trong đợt 2 tháng 3/2024 (ngày 12-13/3/2024), nồng độ mặn tăng so với đợt 1 tháng 3/2024 – kỳ trước (3-4/2/2024), nguyên nhân là do kỳ khảo sát đợt 2 tháng 3/2024 trùng với thời kỳ triều cường cao trong tháng (điển hình trạm Phú An ngày 12/3/2024 triều cường đạt đỉnh 1,61m vượt ngưỡng báo động III).
Cũng theo Chi Cục Thủy lợi TPHCM, nồng độ mặn xâm nhập vào sâu hơn trên các sông chính, ngoài nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dòng triều, một phần là do hiện nay đang trong cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng, khô hạn và đồng thời các hồ chứa trên thượng lưu giảm lưu lượng nước xả về hạ lưu.
Tại các trạm mũi Nhà Bè và cầu Ông Thìn có nồng độ mặn cao hơn so với các trạm còn lại bởi vì các trạm mũi Nhà Bè (thuộc sông Đồng Nai), cầu Ông Thìn (sông Cần Giuộc) đều ở trên các sông chính và gần với biển nên bị ảnh hưởng của dòng triều từ biển. Hai trạm kênh Xáng – An Hạ và cầu Rạch Tra ở sâu trong nội đồng nên ít bị ảnh hưởng bởi dòng triều từ biển.
Nồng độ mặn lớn nhất tại các trạm cụ thể như sau: mũi Nhà Bè (SMAX = 12,20 g/L), phà Cát Lái (SMAX = 9,30 g/L), cầu Ông Thìn (SMAX = 11,70 g/L), kênh C – chợ Đệm (SMAX = 6,30 g/L), cầu Thủ Thiêm (SMAX = 5,90 g/L), cầu kênh Xáng – An Hạ (SMAX = 2,40 g/L) và trạm cầu Rạch Tra (SMAX = 0,50 g/L).
Qua số liệu thống kê độ mặn đo được trong quý I năm 2024 tại các trạm khảo sát cho thấy: từ tháng 1 đến tháng 3, độ mặn tại các vị trí khảo sát trên kênh, rạch chính có xu hướng tăng dần, có giá trị đo được lớn nhất trong tháng 3 và thấp hơn so với giá trị đo được cùng kỳ năm 2023. Trên các sông chính như sông Nhà Bè, sông Đồng Nai nồng độ có xu hướng tăng nhưng vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm.
Cụ thể, độ mặn cao nhất đo được tại trạm Mũi Nhà Bè vào tháng 3 năm 2024 là 12,2‰ thấp hơn độ mặn max trung bình nhiều năm 18,4‰ và tại trạm Ông Thìn độ mặn max đo được vào tháng 3 năm 2024 là 11,7‰ thấp hơn độ mặn max trung bình nhiền năm 13,47‰.