Ngày 18/3, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản hỏa tốc gửi UBND các Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; các thương nhân phân phối xăng dầu về việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.
Theo đó, tại Công văn số 1654/BTC-TTTN của Bộ Công Thương nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chỉnh phủ tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 5/3/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024 và Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 về việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng về ổn định kinh tế vĩ mô ngày 14/3/2024, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện quy định về việc lập và phát hành hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho khách hàng theo từng lần bán hàng và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.
Đồng thời, tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra và quyết liệt thực hiện quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2023 và Công điện số 1284/CĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2023. Phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương để chỉ đạo lực lượng chức năng xem xét, xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2024 không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử.
Tại Công văn số 1655/BCT-TTTN, Bộ Công Thương đề nghị các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, giám sát các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn: (1) chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; (2) lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ cân đối cung – cầu mặt hàng xăng dầu không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu dừng bán gây thiếu hụt nguồn cung cục bộ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng gửi Công văn số 1656/BCT-TTTN gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu. Trong công văn nêu rõ, căn cứ quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ- CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Thực hiện Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023 về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và Công điện số 1284/CĐ-TTg ngày 1/12/2023 về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu; Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 28/NQ-CP 5/3/2024, Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân kinh doanh xăng dầu nghiêm túc thực hiện các nội dung sau: Thứ nhất, chấp hành đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; Thứ hai, lập hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.
Bộ Công Thương lưu ý, trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các thương nhân báo cáo và xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Theo Tổng cục Thuế, tổng số cửa hàng xăng dầu đã xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng thống kê đến ngày 15/3/2024 là 10.649 cửa hàng (tăng 7.949 cửa hàng so với thời điểm 1/12/2023), đạt khoảng 67,6% số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc.
Thống kê mới nhất cho thấy, cả nước hiện đang có khoảng 15.756 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Tổng cục Thuế cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Đồng thời, yêu cầu các Cục Thuế địa phương thực hiện ngay việc tham mưu UBND chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương chủ động phối hợp với cơ quan thuế khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan nhiều doanh nghiệp (DN), cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu chưa nhận thức đầy đủ quy định nghĩa vụ pháp luật bắt buộc khi thực hiện lập hóa đơn điện tử từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Nghị định 80/2023/NĐ-CP.
Tại cuộc họp mới đây về tăng cường triển khai công tác phối hợp với UBND và các sở, ngành tại các tỉnh, thành phố, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cơ quan thuế phải cụ thể hóa kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức của từng bộ phận.
Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và các sở, ngành trên địa bàn thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, có thời gian, thông báo cụ thể, rõ ràng để tiến hành kiểm tra việc triển khai hóa đơn điện tử đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để các cơ sở kinh doanh xăng dầu nhận thức đầy đủ quy định về nghĩa vụ pháp luật bắt buộc thực hiện lập hóa đơn điện tử từng lần bán hàng.
Để khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, Lãnh đạo Tổng cục Thuế đã yêu cầu các Cục Thuế địa phương cần tăng cường công tác phối hợp với UBND các tỉnh, nhất là đối với các địa phương có kết quả chưa đạt cao. Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế có kết quả cao cần phối hợp với các Cục Thuế địa phương có kết quả chưa cao để chia sẻ kinh nghiệm trong phối hợp triển khai thực hiện, đồng thời báo cáo những việc đã và đang triển khai để tìm ra nguyên nhân từ đó có giải pháp phù hợp để triển khai tổ chức thực hiện đúng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính.
T.M