Những con bò lông đen được thêm sọc trắng ít phải thực hiện các hành vi giậm chân, vẫy đuôi hay lắc đầu để xua đuổi ruồi hơn đồng loại.
Nông dân ở tỉnh Yamagata, Nhật Bản, sơn lên bò những sọc giống ngựa vằn để xua đuổi côn trùng hút máu, Interesting Engineering hôm 18/3 đưa tin. Thí nghiệm này đang cho thấy hiệu quả khi những con bò được sơn có ít dấu hiệu căng thẳng hơn đồng loại.
Bò đen Nhật Bản là một trong 4 giống gia súc được sử dụng làm nguồn thịt bò wagyu chất lượng cao tại nước này. Tuy nhiên, chúng đang phải chịu đựng sự quấy nhiễu từ những côn trùng hút máu như ruồi trâu và ruồi gia súc. Căng thẳng do côn trùng gây ra lớn đến mức một số nông dân cho biết, tỷ lệ sinh sản của đàn gia súc giảm.
Để khắc phục, nông dân tại Yamagata sử dụng sơn xịt hoặc chất tẩy nhẹ để thêm sọc trắng cho những con bò lông đen, khiến chúng trông giống ngựa vằn. Nỗ lực này đã diễn ra trong hơn 3 năm. Sau khi thấy tình trạng của đàn gia súc được cải thiện, có thêm nhiều nông dân áp dụng phương pháp chi phí thấp này.
Các nhà khoa học địa phương quan sát những con bò được sơn và không sơn trong các khu đất nông nghiệp và chú ý đến kiểu hành vi như vẫy đuôi, lắc đầu hoặc giậm chân để đuổi ruồi. Trong khi số bò không sơn thực hiện những hành vi này tới 16 lần mỗi phút, bò được sơn chỉ thực hiện 5 lần.
Các nhà khoa học địa phương chưa chia sẻ chi tiết về lý do chính xác khiến ruồi không ưa bề mặt sọc. Năm 2019, một nhóm chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Aichi ở thành phố Nagakute, tỉnh Aichi, Nhật Bản, từng tiến hành nghiên cứu với 6 con bò và công bố kết quả trên tạp chí PLOS One. Nghiên cứu chỉ ra, bò sơn sọc giống ngựa vằn có thể tránh được sự tấn công của ruồi hút máu, nhưng họ cũng không tiến hành thí nghiệm nào nhằm xác định nguyên nhân cụ thể.
Nông dân thường dựa vào thuốc diệt côn trùng để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, côn trùng có xu hướng phát triển khả năng kháng thuốc trong khoảng một thập kỷ, dẫn đến nhu cầu phát triển các loại thuốc mới và mạnh hơn. Vẽ sọc là giải pháp thay thế ngắn hạn và rẻ hơn. Giải pháp này có thể phát triển từ việc dùng sơn đánh dấu bên ngoài để nhận diện gia súc.
Ngoài ra, nghiên cứu trước đây cho thấy, vẽ sọc trên gia súc dẫn đến sự phân cực ánh sáng. Điều này gây khó khăn cho việc phát hiện chuyển động, khiến côn trùng không kịp giảm tốc để đậu lên con vật. Do đó, phương pháp này có hiệu quả trong việc ngăn ngừa côn trùng cắn.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)