ANTD.VN – Hàng giả gần như xuất hiện ở hầu hết các mặt hàng có trên thị trường, từ gói gia vị giá trị chỉ khoảng 1.000 đồng đến các mặt hàng giá trị hàng trăm triệu đồng.
Người tiêu dùng cần thận trọng với các sản phẩm có tên tuổi rất nổi tiếng nhưng được quảng cáo giảm giá sâu trên thị trường |
Hàng giả ngày càng tinh vi
Hàng tiêu dùng Nhật Bản lâu nay được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng vì chất lượng tốt, bền bỉ, tiện dụng và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, có một thực tế là những mặt hàng nào bán càng chạy thì càng dễ bị làm giả.
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong giai đoạn năm 2021 – 2023, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý hàng nghìn vụ việc liên quan đến xâm phạm sở hữu trí tuệ sản phẩm Nhật Bản tại Việt Nam.
Cụ thể, mặt hàng mỹ phẩm có 123 vụ bị xử lý, xử phạt hơn 959 triệu đồng; thực phẩm chức năng có 31 vụ, xử phạt 226 triệu đồng; 100 vụ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt 707 triệu đồng.
Đối với đồ điện gia dụng, mặt hàng vốn được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam, lực lượng quản lý thị trường phát hiện xử lý 95 vụ, xử phạt trên 1,6 tỷ đồng; ngành hàng thời trang có 93 vụ bị xử lý, xử phạt trên 1,3 tỷ đồng; và nhiều nhất là các sản phẩm phụ tùng xe máy với 611 vụ bị xử lý, xử phạt hơn 4,2 tỷ đồng…
Ngay tại phòng trưng bày hàng thật- hàng giả của Tổng cục QLTT tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, hơn 300 mặt hàng là hàng “made in Japan” thật và giả cũng được công bố để người tiêu dùng quan tâm đến xem, nhận diện.
Lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết, hiện nay nhu cầu của người dân Việt Nam đối với các thương hiệu hàng hóa của Nhật Bản là rất cao, cùng với đó cũng xuất hiện tình trạng gian lận thương mại đối với các thương hiệu này.
Ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cho hay: “Tình trạng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của chủ thể quyền đang được bảo hộ tại Việt Nam, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính”.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây, mà các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa vi phạm, gây khó khăn cho công tác nắm bắt, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.
Bà Đại Khả Quỳnh- Trưởng ban Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho hay, xe máy là phương tiện di chuyển phổ biến của người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Cùng với tốc độ tăng trưởng của thị trường, ngành công nghiệp sản xuất xe máy cũng phải đối mặt với vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy.
Đây là tình trạng rất đau đầu không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn đối với nhà sản xuất.
Đáng chú ý theo bà Đại Khả Quỳnh, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái hiện không chỉ tồn tại ở thị trường truyền thống mà còn xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử.
Đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Tây cũng cho biết: “Hiện tại, công ty là nhà phân phối độc quyền máy tính Casio tại Việt Nam. Các sản phẩm thương hiệu Casio đến từ Nhật Bản đang bị làm giả, làm nhái rất tinh vi”.
Chặn hàng giả bằng cách nào?
Để ngăn chặn hàng giả, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp và bước đầu thu được hiệu quả nhất định, chẳng hạn như tổ chức theo dõi, truy quét các kho hàng có dấu hiệu giả mạo, ký cam kết cùng các sàn thương mại trong việc ngăn chặn hàng giả, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng thông qua việc mở cửa phòng trưng bày hàng thật- hàng giả…
Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả vẫn diễn biến nhức nhối. Đặc biệt, việc ngăn chặn hàng giả bán thông qua hình thức thương mại điện tử gặp không ít khó khăn.
Nhấn mạnh việc ngăn chặn hàng giả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn thương mại điện tử.
Đồng thời, nghiên cứu và triển khai các giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử”.
Theo bà Đại Khả Quỳnh, việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái là trách nhiệm của các ban, ngành, quản lý thị trường. Tuy nhiên, chính nhận thức của người tiêu dùng mới là biện pháp hữu hiệu nhất.
Các sản phẩm chính hãng với ngành phụ tùng ô tô xe máy nói riêng và hàng hóa khác nói chung đều có các đặc điểm như: bao bì và hộp đóng gói phụ tùng xe máy chính hãng được đóng gói cẩn thận, chỉn chu với đầy đủ thông tin của nhà sản xuất như nhãn hiệu, mã sản phẩm, giá thành…;
Mã vạch, tem nhãn mã vạch đầy đủ thông tin theo quy định pháp luật, có mã QR để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Ngoài ra, hàng giả, hàng nhái có thể có đặc điểm như mã số/mã vạch phụ tùng và tên phụ tùng trên nhãn khớp nhau nhưng sản phẩm thực tế không đúng với tên ghi trên nhãn.
Màu sắc, chất liệu, độ hoàn thiện… của sản phẩm so với hàng giả, sản phẩm chính hãng có chất liệu tốt, độ hoàn thiện về màu sơn và chi tiết cao hơn.
Chẳng hạn mép cắt hay mối hàn được làm gọn gàng, sắc nét, nước sơn đồng đều và chất lượng cao, vật liệu chế tạo đạt chuẩn…
Còn đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Tây cũng cho hay, người tiêu dùng cần thông thái phân biệt qua tem chống hàng giả và số series in trên thân máy trùng với số series in trên phiếu bảo hành. Đáng chú ý, các sản phẩm nhái thường có giá thành rẻ hơn so với sản phẩm thật được bán trên thị trường nên người dùng cần cân nhắc.