Trước đây, khi bất động sản đang thời kỳ sôi động, nhiều tỉnh thành trong cả nước tạo nguồn thu rất lớn từ bất động sản – giao quyền sử dụng đất. Riêng ở tỉnh ta, nguồn thu này có năm đến hơn 800 tỷ đồng, chiếm từ 25%-30% nguồn thu ngân sách. Rồi bong bóng bất động sản vỡ, việc giao quyền, chuyển quyền sử dụng đất sụt giảm nghiêm trọng, nhiều địa phương rơi vào tình thế khó khăn trong cân đối nguồn thu, chi. Hay như nguồn thu từ khai thác khoáng sản ti tan, khi việc xuất khẩu khoáng sản thô không còn thuận lợi như trước, trong khi đó chúng ta chưa chuẩn bị cho việc chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm tinh chế sau ti tan, ngay lập tức việc thu ngân sách từ nguồn này sụt giảm…
Một nguồn thu nữa cũng gây ra những biến động, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Đó là lĩnh vực xây dựng. Khi Chính phủ thắt chặt đầu tư công, hàng loạt doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực xây dựng rơi vào khó khăn, có không ít doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động, điều này đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của ngân sách.
Cách đây một thời gian, nguồn thu ngân sách của tỉnh tăng đột biến từ việc thoái vốn nhà nước ở nhà máy bia Huế. Và ngay năm tiếp theo, tổng nguồn thu ngân sách đã sụt giảm.
Nêu những ví dụ trên để thấy rằng, một nền kinh tế nào đó, nguồn thu ngân sách nếu quá phụ thuộc vào một vài lĩnh vực nào đó, một vài doanh nghiệp lớn nào đó… đều chứa đựng những rủi ro khi những doanh nghiệp, những lĩnh vực đó biến động. Vì vậy, nguồn ngân sách bền vững là một nền ngân sách dựa trên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, dựa trên sự phát triển đồng đều của nhiều lĩnh vực.
Nguồn thu bền vững nhất là nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Càng nhiều doanh nghiệp mạnh, có chiến lược phát triển và quản trị tốt chiến lược phát triển thì nền kinh tế đó càng phát triển, tạo ra nhiều nguồn thu cho ngân sách. Bởi vậy, chúng ta phải chăm lo cho sự phát triển của doanh nghiệp. Chăm lo bằng nhiều cách, như tạo cơ sở hạ tầng, tạo thủ tục hành chính thuận lợi, tạo điều kiện tiếp cận đất đai, tạo điều kiện thông quan… thậm chí là tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ở Thừa Thiên Huế, tạo nguồn thu bền vững chính là phát triển những lĩnh vực mà chúng ta có thế mạnh. Ví dụ như lĩnh vực du lịch, lĩnh vực chế biến thủy sản, lĩnh vực dệt may; chăm lo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, các loại hình dịch vụ phục vụ cho một trung tâm giáo dục và y tế chuyên sâu.