Nhận thi công 8 km cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, nhà thầu Trung Nam E&C ngược xuôi đi tìm cát đắp nền, bố trí sà lan chờ trực tại sông để đưa cát về công trường.
Gói thầu XL01 thuộc dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 30 km đi qua tỉnh Hậu Giang, khởi công từ tháng 1/2023. Các nhà thầu đã dọn dẹp mặt đường, đào bóc đất để vào giai đoạn đắp nền.
Nhận thi công 8 km cao tốc, để đắp nền đường và một số cầu, nhà thầu Trung Nam E&C cần khoảng 1,2 triệu m3 cát, song đến nay mới được phân bổ gần 450.000 m3, còn thiếu khoảng 700.000 m3. Thiếu cát nên tiến độ đắp nền chậm trễ, sau gần một năm, nhà thầu mới hoàn thành khoảng 1,5 km.
Ông Hồ Minh Đường, Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL01 (thuộc Trung Nam E&C), chia sẻ ngay khi dự án khởi công, nhà thầu đã ráo riết tìm các mỏ cát khắp các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, xếp hàng cùng với các nhà thầu khác để được phân bổ cát từ địa phương. Năm 2023, doanh nghiệp được phân bổ lượng cát ít ỏi từ ba mỏ.
Năm nay, khi mỏ cát của địa phương cạn dần, các nhà thầu phải tự xoay sở, khai thác từ một mỏ cát sông ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, mỏ này hiện chỉ được đào khoảng 3.000 m3 cát mỗi ngày, Trung Nam E&C được mua khoảng 1.000 m3, trong khi nhu cầu cần 3.000 m3 cát để san nền mỗi ngày.
“Chúng tôi phải chờ đợi từng m3 cát, sà lan luôn chờ trực tại sông để đưa cát về công trường. Thiếu cát nên có đoạn đường làm kéo dài cả tháng không xong. Chúng tôi rất lo lắng cho tiến độ công trình”, ông Đường nói.
Nguồn cát được khai thác nhỏ giọt, chưa kể mỏ cát bị người dân phản đối vì nguy cơ xói lở bờ sông khiến công trường cao tốc thi thoảng phải tạm dừng. Đội ngũ công nhân, kỹ sư phải chuyển thi công cầu thay vì làm đường. “Nhà thầu quyết liệt thi công, địa phương hỗ trợ khai thác cát, song tình trạng khan hiếm cát khiến dự án gặp nhiều khó khăn”, ông Đường nói.
Trong khi đó, nhà thầu không thể mua cát ngoài thị trường vì theo quy định, vật liệu thi công cao tốc phải có nguồn gốc xuất xứ, có hóa đơn. Giá cát được tính theo đơn giá nhà nước thấp hơn giá thị trường nên nếu nhà thầu mua cát ngoài thì sẽ lỗ. Dự kiến đến tháng 10, nhà thầu cần hoàn thành đắp nền để gia tải song do thiếu cát nên chưa biết khi nào mới xong, gói thầu đang chậm hơn 8 tháng so với kế hoạch, ông Đường cho biết.
Cùng cảnh thiếu cát là dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Tại gói thầu 43 qua hai huyện Châu Thành, Châu Phú, tỉnh An Giang, nhà thầu Phương Thành cần khoảng 1,5 triệu m3 cát đắp nền 7 km đường, song đến nay mới nhận 80.000 m3 từ các mỏ cát ở An Giang. Số này chỉ đủ đắp nền đường công vụ, nền cầu, toàn bộ đường chính vẫn nằm chờ cát từ cuối năm 2023 đến nay.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc điều hành gói thầu 43, trong khi chờ cát, toàn đội thi công phải tập trung xây cầu trên tuyến. Nhà thầu đảm bảo tiến độ xây dựng cầu, nhưng về phần đường rất nan giải vì thiếu nguồn cát đắp nền. Gói thầu 43 đang chậm so với kế hoạch khoảng 3 tháng.
Thiếu vật liệu đắp nền (cát, đất) là tình trạng phổ biến ở các công trình giao thông ba năm qua. Miền Bắc và Trung còn có mỏ đất, đá bù đắp. Miền Nam không có mỏ đất, chỉ trông chờ vào mỏ cát trong khi nguồn cát sông đang cạn kiệt. Hai dự án giao thông trọng điểm phía Nam đang thiếu cát trầm trọng là cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Tại phiên họp thứ 9 Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia vào tháng 2, Bộ Giao thông Vận tải cho biết cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dự kiến cần 19 triệu m3 cát đắp nền, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nguồn cung được 16,02 triệu m3, còn thiếu 2,98 triệu m3.
Các tỉnh này đang tổ chức khai thác mỏ cát với tổng trữ lượng 11,6 triệu m3, song tình hình cung ứng rất chậm. Hết tháng 1/2024, tổng khối lượng cát được đưa về công trường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau mới đạt hơn 2 triệu m3.
Tại dự án Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ mới xác định nguồn cát từ An Giang khoảng 5 triệu m3 (đạt 38%), cần các địa phương lân cận hỗ trợ 8,2 triệu m3 cát. Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc triển khai các thủ tục cấp mỏ cát cho nhà thầu còn chậm, đặc biệt vướng mắc trong thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất do các chủ sở hữu đưa ra giá cao hơn nhiều so với giá nhà nước bồi thường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng bằng sông Cửu Long hiện có 60 giấy phép khai thác cát san lấp từ năm 2020 đến 2029 với tổng trữ lượng hơn 63 triệu m3, tổng công suất khai thác gần 14 triệu m3 mỗi năm. Đến nay, trữ lượng cát sát lấp còn lại của đồng bằng sông Cửu Long khoảng 37 triệu m3.
Trong khi đó, riêng về hạ tầng giao thông, 6 tuyến cao tốc triển khai trong giai đoạn 2022-2025 ở khu vực này cần gần 50 triệu m3 cát, trong đó năm 2023 khoảng 17 triệu m3, năm 2024-2025 khoảng 30 triệu m3. Ngoài ra, các dự án giao thông cấp tỉnh cần khoảng 36 triệu m3 cát trong các năm năm 2023-2024.
Như vậy, dù khai thác toàn bộ 37 triệu m3 cát còn lại thì các địa phương đồng bằng sông Cửu Long chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu cát cho hạ tầng giao thông trong ba năm tới.