Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật đã báo cáo tóm tắt hoạt động Văn học nghệ thuật từ năm 2020 đến nay và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo, giúp đỡ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, sự phối hợp giữa các ban, ngành trong tỉnh cùng với sự nỗ lực của văn nghệ sỹ, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã có bước phát triển mới, khẳng định vị thế trong khu vực và cả nước. Số lượng hội viên, văn nghệ sỹ ngày càng tăng cao.
Đến nay, Hội đã có 213 hội viên, trong đó có 90 hội viên được kết nạp vào các hội chuyên ngành Trung ương. Từ chưa có hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khi thành lập (năm 1992), đến nay đã có 12 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều tài năng, nhất là tài năng trẻ đã được phát hiện, bồi dưỡng.
Đội ngũ văn nghệ sỹ được rèn luyện, có bản lĩnh chính trị, thể hiện được tâm huyết, trách nhiệm của người nghệ sỹ; nhiều hội viên được đào tạo cơ bản, tuổi trẻ, có sức sáng tạo, luôn bám sát thực tiễn, sáng tác nhiều tác phẩm phản ánh sinh động, chân thực đời sống xã hội, góp phần phục vụ các nhiệm vụ chính trị địa phương. Các hoạt động quảng bá, giới thiệu đất và người Ninh Bình chuyển biến tích cực.
Trong không khí thân tình, ấm cúng, cời mở, các đại biểu văn nghệ sỹ bày tỏ sự xúc động, phấn khởi và trân trọng cảm sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở ban, ngành của tỉnh để các văn nghệ sỹ hoạt động và sáng tác.
Đại biểu văn nghệ sỹ cho rằng buổi gặp mặt là thể hiện sự quan tâm sâu sắc và kỳ vọng lớn lao vào nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà trong giai đoạn mới, đồng thời bày tỏ suy nghĩ, trăn trở làm sao để xây dựng đội ngũ văn sỹ Ninh Bình ngày càng vững mạnh về phẩm chất chính trị, có trí tuệ, trình độ chuyên môn cao, phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật phản ánh chân thực, sinh động thực tiễn cuộc sống; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá vùng đất, con người Ninh Bình đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển của tỉnh.
Cũng tại buổi gặp mặt, lãnh đạo một số sở, ngành đã trao đổi, làm rõ và đề xuất hướng giải quyết một số kiến nghị của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và các văn nghệ sỹ, liên quan đến cơ chế chính sách, nguồn kinh phí, đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động phát triển văn học nghệ thuật.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc ghi nhận, đánh giá cao kết quả hoạt động, những đóng góp quan trọng của Hội Văn học nghệ thuật và các nghệ sỹ cho sự phát triển chung của tỉnh.
Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được như mong muốn, nhất là trong giai đoạn mới, để phục vụ những định hướng lớn của tỉnh, những mục tiêu mà trong quy hoạch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng là Đô thị Di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Vì vậy cần phải tiếp tục bàn bạc, từng bước tháo gỡ khó khăn, phát huy cao hơn nữa vai trò, hoạt động của Hội. Đối với một số kiến nghị, đề xuất tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cho biết, những nội dung thuộc quy định của pháp luật thì UBND tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai ngay, với những nội dung mang tính đặc thù, đáp ứng yêu cầu phát triển mới thì sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách ban hành trong thời gian tới.
UBND tỉnh sẽ luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Hội và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các sở, ngành của tỉnh phát huy vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, tham mưu cơ chế chính sách, theo hõi, hướng dẫn để hoạt động văn học nghệ thuật ngày càng phát triển.
Kết luận buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn ghi nhận,biểu dương và chúc mừng những thành tích, kết quả đạt được và đóng góp quan trọng của Hội Văn học Nghệ thuật và các văn nghệ sỹ Ninh Bình đối với sự phát triển bền vững của tỉnh thời gian qua. Chúc mừng các nghệ sỹ của tỉnh vừa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú, đồng thời mong các nghệ sỹ tiếp tục phấn đấu rèn luyện để giữ vững danh hiệu cao quý và phát huy khả năng để tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước.
Bí thư Tỉnh ủy cũng cho biết: Vừa qua, tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh với mục tiêu là thành phố trực thuộc Trung ương mang đặc trưng Đô thị Di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Để thực hiện các mục tiêu, khát vọng này, đòi hỏi có sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, quân và nhân dân trong tỉnh, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ.
Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn Hội Văn học, Nghệ thuật và các văn nghệ sỹ của tỉnh phát huy cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo, tâm huyết thực hiện sứ mệnh của mình là những người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ; giúp cho văn học, nghệ thuật luôn có sức sống mới, gần gũi hơn với nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân, tạo bầu không khí tinh thần tích cực cho sự phát triển của tỉnh nhà, góp phần cùng cả nước nhanh chóng đạt được những mục tiêu đã đề ra trong việc thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc từ chính sức mạnh của văn học, nghệ thuật, sức mạnh mềm của văn hóa.
Thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp mà Hội Văn học Nghệ thuật đã đề ra trong báo cáo, Bí thư Tỉnh ủy cũng gợi mở một số nội dung Hội cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai thưc hiện trong thời gian tới.
Trước hết, cần phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong công tác tư tưởng; bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong quy hoạch tỉnh và trong chương trình phát triển kinh tế, xã hội, bám sát thực tiễn cuộc sống, phát huy tài năng, tâm huyết, trách nhiệm, cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, tạo ra các tác phẩm mới thúc đẩy mạnh mẽ con người hướng đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ, tạo bầu không khí tích cực trong văn nghệ sỹ, trong xã hội về việc thực hiện khát vọng xây dựng quê hương, đất nước.
Bên cạnh đó, tiếp tục có cách tiếp cận mới, tăng cường hợp tác để đưa các sản phẩm văn học, nghệ thuật trở thành các sản phẩm công nghiệp văn hóa, trực tiếp tạo ra nguồn lực vật chất cho cá nhân văn nghệ sỹ và cho xã hội. Văn học, nghệ thuật phải thổi hồn, nâng cao giá trị cả về kinh tế và tinh thần trong từng sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch…
Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn đề nghịThường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, tập hợp, phát triển hội viên; nâng cao chất lượng sáng tác, công bố tác phẩm của hội viên.
Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận, kịp thời củng cố và kiện toàn tổ chức Hội, nâng cao chất lượng hoạt động Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, các Chi hội văn học nghệ thuật cấp huyện, thành phố bảo đảm đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Phối hợp tham mưu, thực hiện tốt chính sách đãi ngộ, khen thưởng tài năng văn học, nghệ thuật. Đặc biệt, lưu ý tổ chức các hoạt động, có các giải pháp để bồi đắp, nâng cao tình yêu nghệ thuật của công chúng, góp phần hình thành, phát triển mạnh mẽ thị trường sản phẩm nghệ thuật.
Hội cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát huy vai trò của truyền thông đại chúng, truyền thông mới và văn hóa số trong sáng tác, đưa các tác phẩm đến với công chúng. Phát huy tích cực hơn nữa vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, các tác phẩm văn học nghệ thuật về Ninh Bình, để tạo sức lan tỏa rộng lớn hơn về Đất và Người Ninh Bình đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Nhấn mạnh yêu cầu phải bám sát các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng và Quy hoạch tỉnh Ninh Bình vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tuyên truyền, quảng bá về tỉnh Ninh Bình tới bạn bè trong nước và quốc tế nhất là những trụ cột mà tỉnh đã xác định để xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ, đó là lấy phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản là mũi nhọn, công nghiệp cơ khí, công nghiệp công nghệ cao là động lực và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là đột phá.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và các văn nghệ sỹ phải tham dự sâu hơn và có những đóng góp lớn hơn vào quá trình này ở cả 2 khía cạnh: Những hoạt động có tính nền tảng và cơ bản gắn với trách nhiệm của chính quyền và những hoạt động thương mại hóa, thương phẩm hóa, phục vụ cho công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của tỉnh. Muốn vậy, văn nghệ sỹ phải xác định rõ vai trò, vị trí của mình với tư cách là một bộ phận quan trọng trong lực lượng sản xuất văn hóa, tinh thần của xã hội.
Ngoài ra, yêu cầu các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương, các chương trình hành động, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các kế hoạch của UBND tỉnh về văn hóa, văn học, nghệ thuật, cố gắng cao nhất để tạo điều kiện cho Hội Văn học Nghệ thuật và các văn nghệ sỹ hoạt động và đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh.
Đối với các kiến nghị, đề xuất, trao đổi tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy giao cho các cơ quan chức năng xem xét, đưa ra phương án giải quyết đúng theo thẩm quyền.
Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh: Tỉnh luôn dành sự quan tâm đến sự nghiệp văn học nghệ thuật, đặt niềm tin và tin tưởng đội ngũ văn nghệ sỹ của tỉnh sẽ tiếp tục sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao tương xứng với tiềm năng của Ninh Bình – Vùng đất của văn hóa, di sản và du lịch; Đô thị Di sản thiên niên kỷ, Trung tâm công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, trung tâm đổi mới sáng tạo trong tương lai.
Trong đợt Trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú lần thứ 10 năm 2024, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân” cho 125 Nghệ sỹ Ưu tú; tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ sỹ Ưu tú” cho 264 nghệ sỹ.
Tỉnh Ninh Bình có 4 nghệ sỹ thuộc Nhà hát Chèo Ninh Bình được trao tặng danh hiệu cao quý này. Trong đó, Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Quang Thập được trao danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân; ba nghệ sỹ khác là Lê Anh Tú, Đỗ Lý, Nguyễn Bá Toản được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú.
Việc tỉnh Ninh Bình có 4 cá nhân thuộc Nhà hát Chèo Ninh Bình được vinh danh đợt này ghi nhận sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật Chèo tại Ninh Bình. Danh hiệu cũng chính là niềm vinh dự lớn, góp phần khuyến khích, động viên các nghệ sỹ không ngừng cố gắng trau dồi tài năng, cống hiến nhiều hơn nữa cho hoạt động nghệ thuật của tỉnh.