Doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II, quý III
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hàng đầu tại Việt Nam, với các sản phẩm chính là quế, hoa hồi, hồ tiêu, cơm dừa, hạt điều và cà phê,… bà Lê Thị Mai – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tuấn Minh – chia sẻ về những tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu nói chung và các mặt hàng cây gia vị nói riêng.
Các sản phẩm tiêu biểu của Tuấn Minh được trưng bày, tham gia nhiều hội chợ quốc tế. |
Theo bà Lê Thị Mai, đến thời điểm này, doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng với các khách hàng tại EU đến tháng 9/2024. Hiện, doanh nghiệp đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng để có thể kịp giao các đơn hàng tháng 3 này với khối lượng xuất khẩu từ 500 – 600 tấn.
Năm nay, hồ tiêu và cà phê được dự báo được giá. Việc này đem lại cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Bà Lê Thị Mai cho biết, với tệp khách hàng rộng khắp và bền vững từ khắp các châu lục trên thế giới, để chuẩn bị lượng hàng đáp ứng đủ cả về số lượng và chất lượng cho các đối tác, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch thu gom nguyên liệu từ trước đó.
“Đối với hàng nông sản, việc thu mua nông sản phụ thuộc vào mùa vụ, ví dụ như vụ quế sẽ bắt đầu thu mua từ tháng 4 đến tháng 6, còn vụ hồ tiêu được bắt đầu từ tháng 3, tháng 4. Trước khi vào vụ, doanh nghiệp đã tiến hành chuẩn bị nguồn lực tài chính và tập trung thu gom ở các vùng nguyên liệu Yên Bái, Lào Cai đối với cây quế; Đắk Nông, Đắk Lắk với cây tiêu và với cơm dừa tại Bến Tre”, bà Mai chia sẻ và cho biết, năm 2023, doanh thu của Tuấn Minh đạt 30 triệu USD, thị trường thuận lợi, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu tăng 20% vào năm 2024, con số này sẽ tăng lên 50 triệu USD vào năm 2025 và đạt 100 triệu USD vào năm 2030.
Tất nhiên, thị trường không toàn màu hồng, hiện doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với vấn đề chi phí vận tải tăng cao, giá nguyên liệu mua vào cũng tăng cao. “Từ cuối năm 2023 đến nay, cước vận tải tàu biển tăng đột biến. Thậm chí, cước vận tải đi các thị trường Mỹ, EU tăng 100%. Với thị trường Trung Đông, doanh nghiệp bị tác động bởi vấn đề Biển Đỏ, cước tàu 1 số tuyến đi qua khu vực tăng gấp đôi”, bà Mai cho biết.
Với 6 nhà máy, Công ty Prosi Thăng Long hiện xuất khẩu các sản phẩm như quế, hoa hồi, hạt điều, hồ tiêu tới gần 100 thị trường trên thế giới. Sản phẩm của doanh nghiệp hiện đã vào được các thị trường khó tính như EU, Mỹ. Năm 2023, xuất khẩu đạt trên 30 nghìn tấn nông sản hàng hóa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Giám đốc Công ty Prosi Thăng Long – cho biết, đến thời điểm này, chúng tôi đã nhận được một số đơn hàng cho quý II/2024. Không lo về đơn hàng, nhưng điều mà doanh nghiệp này lo lắng đó là ‘sóng’ tăng giá của ngành hồ tiêu khiến doanh nghiệp gặp rủi ro trong việc đáp ứng đơn hàng của đối tác. “Có tình trạng doanh nghiệp khó mua hàng, một phần do giá tiêu tăng mạnh nên nông dân hạn chế bán ra”, bà Huyền chia sẻ.
Tương tự, bà Trịnh Thanh Thảo – Giám đốc công ty TNHH thương mại Việt Linh – cũng phấn khởi cho biết, đầu năm doanh nghiệp đã triển khai 2 đơn khá lớn với sản lượng 100 tấn sản phẩm hồ tiêu, hành tây, quế xuất khẩu đi thị trường Trung Đông. Doanh nghiệp đã khai thác được đơn hàng của tháng 4/2024. Dù vậy, bà Trịnh Thanh Thảo thừa nhận việc dự báo giá nông sản luôn là điều rất khó đoán định, vì giá cả biến động liên tục. Điều này cần sự nhanh nhẹn, phán đoán chính xác của doanh nghiệp.
Nâng chất để đi xa hơn
Hiện, trong giỏ hàng gia vị thế giới, hồ tiêu chiếm tỷ trọng lớn, có vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực. Đặc biệt, sản phẩm hồ tiêu được đẩy mạnh chế biến trong dược phẩm, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe. Quy mô thị trường hồ tiêu được định giá 5,43 tỷ USD, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024 – 2032.
Giá hồ tiêu được dự báo sẽ vẫn neo cao |
Ngành hồ tiêu Việt chiếm 40% sản lượng, 60% thị phần thế giới. Dù vậy, theo ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong bối cảnh thế giới hiện nay, ngành hàng gia vị và hồ tiêu phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến động thị trường, bất ổn địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng. Thị trường Mỹ, EU, Trung Đông… gia tăng nhu cầu về sản phẩm đáp ứng tính bền vững. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các nước xuất khẩu tiêu và cây gia vị Việt Nam.
Theo bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, tính bền vững và toàn diện là hai trụ cột của ngành hồ tiêu trong giai đoạn tới. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng trong việc đào tạo, tập huấn cho người nông dân sản xuất bền vững, đào tạo để nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất.
“Tính bền vững và tính toàn diện không thể đạt được trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi sự cam kết lâu dài, cam kết tạo ra tương lai bền vững. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để đạt được tính bền vững và toàn vẹn”, bà Hoàng Thị Liên nhấn mạnh.
Về việc này, ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Mai chia sẻ, nếu như trước đây doanh nghiệp chủ yếu tập trung phân khúc thị trường thấp cấp và trung cấp như Ấn Độ và Trung Đông thì khoảng 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp đầu tư nhà máy đạt những chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế như BRC, Halal, FDA, ISO, HACCP, Kosher, FSMA. Với quy trình sản xuất khép kín từ khâu thu gom, sơ chế nguyên liệu đạt chuẩn đến quá trình sản xuất thành sản phẩm có chất lượng cao xuất khẩu,… doanh nghiệp hướng đến vào tệp khách hàng xuất khẩu chất lượng cao như EU, Mỹ.
“Xây dựng các kế hoạch marketing, tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại tại thị trường trong và ngoài nước để có thể tiếp cận được tệp khách hàng cao cấp và nắm bắt được xu hướng tiêu dùng cũng như yêu cầu của khách hàng”, bà Mai chia sẻ và cho biết, doanh nghiệp cũng đang hướng đến liên kết với bà con vùng trồng nguyên liệu để phát triển sản phẩm organics đáp ứng phân khúc thị trường cao cấp.
Bên cạnh sự nỗ lực từ doanh nghiệp, theo bà Lê Thị Mai, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, chúng tôi mong muốn được sự đồng hành của các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất ưu đãi để có giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp có thể tăng quy mô sản xuất, đa dạng hóa mặt hàng,… từ đó đạt được mục tiêu tăng trưởng cũng như đáp ứng đơn hàng mà doanh nghiệp đã ký kết.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn đang thiếu thông tin về thị trường, vì vậy kiến nghị cơ quan chức năng thường xuyên hỗ trợ thông tin để nắm bắt tình hình. Từ đó, từng bước khẳng định vị thế về sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới, hiện đứng thứ 3 về sản xuất và số 1 thế giới về xuất khẩu quế; đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu hoa hồi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 35.000 tấn với giá trị 143 triệu USD, giảm 12,3% về khối lượng nhưng tăng 12,9% về giá trị. Thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ với tỷ trọng 29%, tiếp đến là Ấn Độ 8%, Đức 6%… Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam ước đạt mức 4.041 USD/tấn, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023. Giá hồ tiêu xuất khẩu tăng cũng khiến cho giá hồ tiêu trong nước liên tục tăng. Đặc biệt, giá hồ tiêu liên tục bứt phá từ thời điểm sau Tết Nguyên đán 2024. Ở trong nước, có thời điểm giá hồ tiêu lên mức 96.000 đồng/kg. |