Làm sao để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý và chất lượng sinh hoạt chi hội phóng viên thường trú tại các địa phương là câu chuyện được các chi hội, liên chi hội và lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm và nhiều trăn trở thời gian qua.
Nhiều đơn vị đã có những cách thức, giải pháp quản lý hội viên thường trú, tạo sức mạnh đoàn kết trong hoạt động nghiệp vụ và gắn kết với chính quyền địa phương.
Tại Hội nghị Toàn quốc năm 2024 diễn ra vào sáng 18/3, tại TP.HCM nhà báo Dương Danh Hữu, Tổng thư ký tòa soạn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi Hội – Báo Thanh Niên đã có những chia sẻ về việc nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý và chất lượng sinh hoạt chi hội phóng viên thường trú tại các địa phương.
Theo đó, tại báo Thanh Niên hiện nay có hơn 400 viên chức người lao động nêu trên, số phóng viên, biên tập viên là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Ngoài 173 hội viên phóng viên sinh hoạt tại TP.HCM, báo còn có Chi hội tòa soạn ở TP.Hà Nội có 35 hội viên; Chi hội văn phòng Miền Trung có 9 hội viên; Chi hội Văn phòng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có 13 hội viên; Chi hội Văn phòng Tây Nam Bộ có 7 hội viên.
Được biết, báo Thanh Niên là một trong số ít cơ quan tổ chức Hội nghị phóng viên thường trú toàn quốc thường niên từ năm 2022. Qua mỗi hội nghị, đội ngũ phóng viên thường trú được lĩnh hội các chỉ đạo về công tác thông tin tuyên truyền từ Ban Tuyên giáo Trung ương cũng như các quy định pháp lý liên quan đến phóng viên thường trú từ Bộ Thông tin – Truyền thông và các quy định mới liên quan đến nghề nghiệp từ Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.
Thông qua hội nghị, các phóng viên thường trú cũng có cơ hội bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cùng các đề xuất, kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, đặc biệt là lãnh đạo các địa phương – nơi có sự hiện diện của phóng viên thường trú. Cũng như lắng nghe những ý kiến, góp ý từ lãnh đạo các địa phương để qua đó, đội ngũ phóng viên thường trú soi lại mình rõ hơn nhằm cùng nhau tạo lập nên môi trường hoạt động báo chí lành mạnh tại các địa phương trên cả nước.
Tuy nhiên, nhà báo Dương Danh Hữu chia sẻ: Do sức ép của công việc chuyên môn hằng ngày, đa số hội viên là cán bộ chủ chốt, biên tập viên, phóng viên nòng cốt của cơ quan, nên khó tổ chức được những hoạt động thu hút đông đảo hội viên tham gia. Lãnh đạo Liên chi hội, Chi hội đều làm công tác quản lý, chuyên môn, phải kiêm nhiệm nhiều công việc, nên có lúc chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động của hội. Phóng viên thường trú ở các Chi hội sinh sống và làm việc ở nhiều địa bàn khác nhau, nên Chi hội khó tổ chức thường xuyên những hoạt động có sự tham gia đầy đủ các hội viên.
Bên cạnh đó, chỉ một số ít phóng viên thường trú được các tổ chức đoàn thể ở địa phương tạo điều kiện cho mượn trụ sở đặt văn phòng thường trú, đa số vẫn chưa có văn phòng làm việc tại địa bàn phụ trách. Điều kiện đi lại tác nghiệp giữa các vùng nông thôn gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp phóng viên phải tự thuê phương tiện đi lại hoặc phải đi bộ ở vùng núi, miền cao để tác nghiệp…
Mặt khác, bên cạnh nhiều địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho các phóng viên thường trú hoạt động hiệu quả, đúng luật trên địa bàn, vẫn còn tình trạng một số địa phương có tâm lý ngại tiếp xúc, né tránh báo chí, thậm chí gây khó dễ khi báo chí khi tác nghiệp trên địa bàn…
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, nổi lên tình trạng một số phóng viên thường trú, nhất là của các tạp chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật khi tác nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của báo chí.
Nói về giải pháp và đề xuất công tác quản lý phóng viên, hội viên thường trú hiện nay, nhà báo Dương Danh Hữu chia sẻ: các cơ quan quản lý, như Bộ Thông tin – Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam… cần tăng cường cơ chế kiểm soát, chế tài mạnh mẽ các vi phạm. Song song đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật báo chí, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát huy hiệu quả giám sát, phản biện xã hội.
Đại diện, Liên chi Hội – Báo Thanh Niên kiến nghị Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho phóng viên thường trú các tỉnh, thành về chuyển đổi số, về khai thác báo chí đa phương tiện. Đồng thời phổ biến kịp thời, cụ thể hơn các quy định mới ban hành về liên quan đến nghề nghiệp người làm báo. Song song đó, tổ chức thêm các lớp tập huấn về Luật Báo chí và các quy định hiện hành để lãnh đạo sở, ngành, địa phương hiểu, nhận thức đúng hơn về vai trò của báo chí.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cần có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí và phóng viên thường trú. Thông tin cần được cung cấp nhanh chóng, đầy đủ và thường xuyên, đặc biệt là thông tin liên quan đến các vấn đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm. Có sự khen thưởng, động viên và ghi nhận kịp thời những đóng góp của đội ngũ phóng viên thường trú cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…
Liên quan đến vấn đề kinh tế báo chí, nhà báo Dương Danh Hữu cho rằng: Các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa cơ chế “đặt hàng” cho báo chí, thông qua công tác tuyên truyền, phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề, sự kiện văn hóa, thể thao. Giải pháp này vừa giúp địa phương quảng bá hình ảnh, khơi thông các nguồn lực xã hội, kết nối đầu tư, du lịch… phát triển kinh tế – xã hội bền vững, vừa hỗ trợ kinh tế báo chí. Đặc biệt, có cơ chế hỗ trợ các phóng viên thường trú có văn phòng làm việc, tiếp nhận thông tin từ bạn đọc một cách minh bạch, đúng pháp luật, có thể thông qua văn phòng Hội nhà báo các địa phương để thực hiện cơ chế này.