Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Lưu Quang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Chủ trì Hội nghị gồm có: Đồng chí Lê Quốc Minh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khu vực phía Nam.
Nhiều kết quả ấn tượng
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao công tác tổ chức Hội Báo toàn quốc 2024 do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với TP HCM tổ chức có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, đạt được thành công lớn nhất từ trước tới nay.
“Hội Báo toàn quốc 2024 diễn ra sôi động, giàu cảm xúc và có ý nghĩa rất thiết thực đối với nhân dân TP HCM cũng như nhân dân cả nước”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ vui mừng khi được biết trong năm 2023, Hội Nhà báo Trung ương và địa phương đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh đến công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam được tăng cường, phát huy hiệu quả tích cực.
Việc củng cố, kiện toàn tổ cức Hội Nhà báo Việt Nam được quan tâm, qua đó tạo sự thống nhất, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội. Phương thức hoạt động của Hội có nhiều đổi mới, sáng tạo đáp ứng yêu cầu của một nền báo chí cách mạng, hiện đại.
Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục tuyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam được quan tâm, tổ chức thường xuyên thông qua các hoạt động về nguồn, tổ chức hội thảo, toạ đàm về lịch sử báo chí cách mạng.
“Tôi đánh giá cao những kết quả mà Hội Nhà báo Việt Nam đạt được trong năm 2023, đặc biệt nhấn mạnh tính hiệu quả của công tác nghiệp vụ, với sự thành công của Giải Báo chí Quốc gia, chương trình hỗ trợ Báo chí chất lượng cao. Một loạt các Hội thảo, tọa đàm, tập huấn về báo chí số, công nghệ báo chí truyền thông và chuyển đổi số, Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn số: Lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” và Diễn đàn Báo chí toàn quốc vừa tổ chức rất thành công trong Hội Báo toàn quốc mấy ngày qua.
Xin nhiệt liệt chúc mừng các đồng chí đã tiên phong, sáng tạo trong đổi mới lĩnh vực báo chí truyền thông, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ.
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025, Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.
“Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, cần được triển khai thực hiện thường xuyên, phù hợp với tình hình thực tiễn”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đặc biệt lưu ý.
Về Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm.
“Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp Hội. Cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí Trung ương và cấp uỷ địa phương tổ chức đồng bộ, rộng khắp các hoạt động kỷ niệm, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cơ quan báo chí, các cấp hội và hội viên, tạo được sự đồng tình, hưởng ứng của công chúng báo chí đối với sự kiện quan trọng này”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Để khắc phục hiện tượng một số cấp Hội và cơ quan báo chí còn xảy ra hiện tượng vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội Nhà báo các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tăng cường kiểm tra, giám sát hội viên đặc biệt là phóng viên cơ quan báo chí thường trú.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đặc biệt lưu ý đến việc đổi mới để tiếp tục duy trì, khẳng định vị thế của Giải báo chí Quốc gia. Giải Báo chí Quốc gia phải là Giải uy tín quan trọng nhất của báo giới cả nước.
Bên cạnh đó, thời gian từ nay đến 2025 không còn nhiều, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thật tốt công tác chuẩn bị có Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 12, nhiệm kỳ 2025-2030.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, hoàn thiện các chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Quốc Minh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: “Bằng nhiều hình thức và hoạt động thiết thực, Hội và các cấp Hội thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao trong việc phát huy tốt vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhà báo trong hành nghề và giáo dục nhà báo tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy định và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo”.
Đồng chí Lê Quốc Minh đề nghị tại Hội nghị này, các đại biểu tham dự từ thực tiễn công tác của mình, với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng, tập trung đánh giá một cách thực chất, khách quan những kết quả đã đạt được trong năm 2023. Nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, xác định rõ các nguyên nhân, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động báo chí và hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian tới.
Khẳng định thương hiệu của Giải Báo chí Quốc gia
Báo cáo Tổng kết công tác Hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Tính đến hết tháng 2/2024, toàn Hội có 25.424 hội viên đang sinh hoạt tại 307 đơn vị các cấp Hội (63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 21 Liên Chi hội, 223 Chi hội trực thuộc Hội). Với 13.435 hội viên, 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố chiếm hơn 50% số lượng hội viên trong toàn quốc.
Năm 2023, chủ trương “Hướng về cơ sở” của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt và đạt hiệu quả cao trong công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Hội từ Trung ương đến cơ sở; Xây dựng tổ chức Hội ngày càng mạnh mẽ về tổ chức, chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra giám sát và kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên, người làm báo.
Đống chí Nguyễn Đức Lợi cho biết, chủ đề hoạt động của năm 2024 là: “Tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh: Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển”; hoàn thành chương trình toàn khóa, tiến hành Đại hội các cấp hội nhà báo hướng tới Đại hội toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 – 2030”.
Một trong những chủ đề được tập trung trao đổi thảo luận tại Hội nghị là việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các cấp Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Nghiệp vụ đã chỉnh sửa Dự thảo kèm giải trình nội dung điều chỉnh trình Thường trực Hội đồng Giải ban hành Công văn số 50 ngày 4/3/2024.
Đa số các Tiểu ban, Hội đồng Sơ khảo, một số thành viên Hội đồng Chung khảo hoan nghênh việc Lãnh đạo Hội quan tâm sửa đổi Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia. Đây là việc làm cần thiết để phù hợp với tình hình phát triển của công nghệ báo chí.
Về điều kiện dự giải, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, nên cân nhắc việc thành viên Ban Tổ chức và Ban Giám khảo không được gửi tác phẩm, sản phẩm dự giải. Vì tác giả có thể đứng tên ở nhiều loại giải khác nhau, chỉ nên quy định không được tham gia loại giải mình chấm thì sẽ động viên được nhiều tác giả tham gia hơn.
Một số thành viên cho rằng việc thu gọn nhóm giải ở loại hình Phát thanh, Truyền hình, Báo in thì hơi tiếc, nếu có kinh phi có thể giữ nguyên 3 nhóm giải như trước đây sẽ chặt chẽ và phù hợp với thực tế báo chí.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng việc thu Phát thanh, Truyền hình mỗi loại hình còn 2 loạt giải như dự thảo là hợp lý, nhưng thu Báo in lại 2 loại giải và đặt thêm một loại giải cho tạp chí, thì cần phải cần nhắc thêm vì theo Điều lệ cũ đang có 3 loại giải cho các loại hình báo in, trong đó, 280 tạp chí chính trị, xã hội hiện nay chủ yếu tham gia loại giải thứ ba về bình luận, xã luận, chuyên luận.
Nếu tách tạp chí ra 1 loại giải thì công bằng cho tạp chí không được “cải thiện” là bao vì mất cơ hội tham gia giải thứ ba cho báo in – đã bị cắt, mất cả cơ hội tham gia giải Báo điện tử – vì đã đi cho ra ở riêng. Do vậy, cơ hội cho 280 tạp chí chính trị – xã hội tham gia được có giải là khó khăn hơn nhiều so với Phát thanh và Truyền hình.
Bàn về vấn đề đổi mới trong Giải Báo chí Quốc gia, đồng chí Nguyễn Đức Lợi cho rằng, Giải Báo chí Quốc gia có thể cần phải thay đổi về thể thức nội dung, kết cấu của Giải, tuy nhiên phải hết sức thận trọng, cần có sự trao đổi, xem xét kỹ hơn nữa.
“Chúng tôi sẽ mở một số cuộc họp mời một số chuyên gia, một số các nhà báo lão thành tiếp tục trao đổi nội dung này. Năm nay, chúng ta vẫn tổ chức Giải như năm 2023, chưa thể thay đổi ngay, nếu thay đổi sẽ áp dụng ở năm 2025 có nghĩa là Giải Báo chí Quốc gia 2024”.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Lợi, việc làm thế nào để Giải Báo chí Quốc gia không bị lu mờ trước vô số các giải báo chí khác như Giải báo chí Diên Hồng của Quốc hội, Búa liềm vàng của Xây dựng Đảng hay Giải Phòng chống tham nhũng của Mặt trận tổ quốc, lâu nay đã được lãnh đạo quan tâm. “Chúng tôi rất cương quyết bảo vệ, giữ và nâng tầm giá trị giải báo chí Giải Báo chí Quốc gia – đây là nguyên tắc bất di bất dịch”, đồng chí Nguyễn Đức Lợi khẳng định.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Hội sẽ có những phương án để Giải Báo chí Quốc gia là giải thưởng cao quý nhất, sân chơi nghề nghiệp danh giá nhất bằng cách cố gắng tổ chức ở một quy mô cao hơn, lớn hơn, giá trị giải thưởng có thể được tăng lên. Công tác tổ chức Lễ trao giải cũng phải được sang trọng, lộng lẫy hơn.
Tại Hội nghị các đại biểu cũng đã có những ý kiến, tham luận về các vấn đề nâng cao tính đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; đẩy mạnh việc hoàn thiện các quy định, hướng dẫn nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội phóng viên trường trú tại địa phương; nâng cao kỹ năng ảnh cho phóng viên đáp ứng yêu cầu thông tin đa phương tiện…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, hội nghị nghiêm túc tiếp thu ý các kiến chỉ đạo, các ý kiến đóng góp, các tham luận tâm huyết của các cấp Hội, trên cơ sở đó xây dựng phương hướng, cụ thể hóa nhiệm vụ, sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy chế, quy định theo hướng thực chất và hiệu quả hơn..
Đồng thời, hội nghị cũng đề ra mục tiêu phấn đấu, gắn việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, phong trào thi đua yêu nước với thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam. Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh hoạt động, nhân rộng hiệu quả công tác Hội trong năm 2024 và các năm sắp tới.
Nhóm PV