Phải chứng kiến trực tiếp mới tận mắt thấy sự ngoạn mục của cuộc đua thuyền máy Công thức 1
Đua thuyền máy Công thức 1 có những cú cua tốc độ cao với độ chính xác cao. Ảnh: F1H2O World Championship
Sự ngoạn mục trên đường đua
Đua thuyền máy Công thức 1 là môn thể thao dưới nước ngoạn mục nhất thế giới. Cuộc đua được mô tả như lái chiếc xe đua F1 với tốc độ tối đa trên cánh đồng đã được cày xới.
Thuyền máy Công thức 1 tăng tốc nhanh hơn cả những chiếc xe F1 hiện đại nhất, với khả năng lên tốc 160km/h chỉ trong 4 giây.
Môn thể thao mang tính cạnh tranh, hấp dẫn, đầy thử thách, táo bạo, mạo hiểm và thú vị. Đua thuyền máy Công thức 1 là môn thể thao mạo hiểm đỉnh cao.
Phải chứng kiến cuộc đua mới có thể cảm nhận được sự ngoạn mục của môn thể thao này. Khán giả bị mê hoặc bởi những chiếc thuyền 2 thân nhẹ bất chấp trọng lực và gần như được nâng lên không trung khi di chuyển ở tốc độ cao khi chỉ một phần thuyền tiếp xúc với mặt nước.
Điều đáng kinh ngạc là những chiếc thuyền này có thể giữ thăng bằng ở tốc độ hơn 225km/h, rẽ ngoặt ở tốc độ 150km/h mà không cần phanh và chuyển số. Hơn nữa, với tầm nhìn hạn chế, một sai sót nhỏ trong phán đoán sẽ gây ra thảm họa ở tốc độ cao.
Lái một chiếc xuồng máy cũng giống như lái một chiếc máy bay chiến đấu. Các tay lái cần phải có khả năng đưa ra quyết định trong tích tắc và thần kinh thép, bởi một khi được gắn chặt vào chiếc hộp an toàn, anh ta chỉ có kỹ năng, lòng dũng cảm và một chút may mắn nhất định để đạt được thành công trên đường đua.
Sự cạnh tranh giữa các tay đua tàu cao tốc thường khiến đám đông thích thú với những pha vượt gần như va chạm và những hành động táo bạo khi họ phóng thuyền của mình trên mặt nước với vận tốc cao, sự khéo léo đáng kể và kĩ năng lái xuất sắc.
Đua thuyền máy Công thức 1 được ví như đua xe F1 trên cánh đồng đã được cày xới. Ảnh: F1H2O World Championship
Giải vô địch thế giới
Bắt đầu vào năm 1981, Giải vô địch thế giới thuyền máy Công thức 1 tương tự như F1 dành cho ôtô và áp dụng luật lệ tương tự. Trên khắp thế giới, các đội thuộc các quốc gia khác nhau tranh tài ở giải Grand Prix do Union Internationale Motonautique (UIM) quản lý.
Các chặng đua được tổ chức tại các địa điểm được lựa chọn trên khắp thế giới dựa trên điều kiện nước, cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận công chúng, tiện nghi khách sạn địa phương và cơ sở viễn thông.
Bắt đầu từ mùa giải 2009, mỗi địa điểm tổ chức F1 World Championship có 2 chặng đua Grand Prix – mỗi ngày 1 chặng. Mỗi cuộc đua kéo dài 30 phút, với 2 vòng đua, tối đa 24 thuyền.
Chặng đua
Mỗi vòng đua có kích thước khác nhau nhưng thường có khoảng cách khoảng 2.000 mét. Mỗi vòng đua có ít nhất một đoạn đường thẳng dài và một số đoạn cua hẹp, chủ yếu là rẽ trái và 1 hoặc 2 lượt rẽ phải.
Các khúc cua tạo ra lực G lên tới 4,5 cho người lái, có nghĩa là trọng lượng của họ tăng lên 4,5 lần khi cua ở tốc độ hơn 100 dặm/giờ (tay đua F1 trên mặt đất chỉ chịu lực 2,5).
Các đội đua phải đảm bảo các yêu cầu về nhân sự, trang bị, được cung cấp một lều và vị trí riêng. Ảnh: F1H2O World Championship
Điều kiện nước
Điều kiện nước đóng vai trò quan trọng trong kết quả của mỗi giải Grand Prix. Với điều kiện dòng nước và gió khác nhau ở mỗi vòng đua và nước bắn liên tục, các tay đua thường lái xe ‘mù’ ở tốc độ tối đa, chỉ cách đối thủ của họ vài inch.
Trong trường hợp bị “barrel-roll” (lật úp), túi khí – bắt buộc lắp phía trên đầu tay đua, sẽ bung lên khi tiếp xúc với nước. Điều này cho phép buồng lái vẫn ở trên mặt nước cho đến khi lực lượng cứu hộ đến.
Tất cả các tay đua đều có nguồn cung cấp không khí khép kín được lắp bên trong khoang như một tính năng an toàn bổ sung.
Các đội đua
Mỗi đội bao gồm 1 người quản lý, 1 hoặc 2 tay đua, thợ máy, điều phối viên vô tuyến, điều phối viên kỹ thuật và được trang bị cơ sở hạ tầng như xưởng xe kéo và rạp vải to.
Đội phải có 1 hoặc 2 thuyền hai thân gắn động cơ 2,5 lít và thi đấu từ 8 đến 10 giải Grand Prix trong suốt mùa giải.