Mỹ đang sắp xếp một chuyến bay sơ tán công dân nước này khỏi Haiti, trong bối cảnh bạo lực băng đảng khiến quốc gia Caribe tê liệt.
“Chúng tôi đang sắp xếp thuê một chuyến bay đưa công dân Mỹ từ Cap-Haitien đến Mỹ, với giả định tình hình an ninh ở Cap-Haitien vẫn ổn định”, đại sứ quán Mỹ tại Haiti thông báo ngày 16/3, nhắc đến thành phố lớn thứ hai của nước này. Sân bay ở Cap-Haitien vẫn mở cửa “định kỳ” để các chuyến bay khởi hành.
Thông báo không nêu thời gian cụ thể hay chuyến bay có thể sơ tán bao nhiêu người.
Đại sứ quán Mỹ mô tả cung đường bộ khoảng 200 km từ thủ đô Port-au-Prince đến Cap-Haitien là “nguy hiểm”, kêu gọi công dân nước này chỉ cân nhắc chuyến bay sơ tán “nếu tin họ có thể đến sân bay Cap-Haitien an toàn”.
Quân đội Mỹ ngày 10/3 sơ tán các nhân viên không thiết yếu và đưa thêm quân nhân vào đại sứ quán ở Port-au-Prince để tăng cường an ninh cho cơ sở. Một số quốc gia khác và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Haiti.
Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Haiti ngày 13/3 thông báo sẽ lập “cầu hàng không” từ Cộng hòa Dominica để tạo điều kiện vận chuyển viện trợ vào Haiti.
Tình trạng bạo lực băng đảng gia tăng ở Port-au-Prince từ cuối tháng 2, khi quyền Tổng thống, Thủ tướng Haiti Ariel Henry đang ở Kenya. Kenya là nước chuẩn bị dẫn đầu sứ mệnh quốc tế được Liên Hợp Quốc phê chuẩn để hỗ trợ cảnh sát Haiti giành lại kiểm soát đất nước.
Chính phủ Haiti ngày 3/3 ban bố tình trạng khẩn cấp để “thiết lập lại trật tự và thực hiện biện pháp thích hợp nhằm kiểm soát tình hình”. Jimmy Cherizier, thủ lĩnh băng đảng khét tiếng ở Haiti, ngày 5/3 cảnh báo hỗn loạn ở Port-au-Prince sẽ dẫn đến nội chiến, “diệt chủng”, trừ khi ông Henry từ chức.
Ông Henry hôm 11/3 chấp thuận từ bỏ quyền lực vào thời điểm thành lập hội đồng tổng thống chuyển tiếp và bổ nhiệm thủ tướng lâm thời, mở đường cho cuộc bầu cử đầu tiên kể từ năm 2016. Ông Henry, 74 tuổi, giữ vai trò thủ tướng và quyền tổng thống sau khi tổng thống Jovenel Moise bị ám sát năm 2021.
Như Tâm (Theo AFP)