ANTD.VN – Theo ông Lê Thanh Hòa- Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), một trong những khó khăn khi công bố nhãn hiệu Gạo Việt Nam là vướng mắc về thủ tục hành chính.
Nhãn hiệu Gạo Việt Nam vẫn chưa được công bố |
Thông tin về hoạt động xây dựng thương hiệu Gạo Việt Nam tại buổi giao ban xúc tiến thương mại tháng 2 của Bộ Công Thương, ông Lê Thanh Hòa cho biết, thực hiện theo Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã xây dựng được Nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) gạo, ban hành Quy chế sử dụng NHCN gạo tại Quyết định số 1499/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 2/5/2018.
Ngày 9-8-2018, Bộ KH- CN đã cấp Giấy chứng nhận NHCN quốc gia Gạo Việt Nam/VIETNAM RICE cho Bộ NN&PTNT là chủ sở hữu và có hiệu lực trong 10 năm.
Sau đó, Bộ NN&PTNT đã nộp hồ sơ để đăng ký quốc tế NHCN “GẠO VIỆT NAM / VIETNAM RICE” vào hơn 100 quốc gia theo Hệ thống Madrid, hồ sơ đã được chuyển tới Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO).
Kết quả trả về đã có 21 quốc gia công nhận Nhãn hiệu Gạo Việt Nam dưới hình thức Nhãn hiệu thông thường và Nhãn hiệu chứng nhận.
Ông Lê Thanh Hòa cho biết, quá trình từ xây dựng, đăng ký một nhãn hiệu đến xây dựng, phát triển thành thương hiệu uy tín, nổi tiếng cần nhiều thời gian, đầu tư về nhân lực, vật lực với quá trình bền bỉ, tích cực của chủ thể và các bên liên quan.
Thực tế với mặt hàng gạo, từ năm 2018, công bố Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice đã gặp một số khó khăn dẫn đến việc chậm triển khai.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1499/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 2-5-2018 về Quy chế sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam/VIETNAM RICE. Theo Quy chế này, chương II, Điều 7 và 8 đã có quy định về các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đối với các loại gạo trắng, gạo thơm trắng và gạo nếp trắng.
Theo quy định, việc xây dựng và áp dụng quy chuẩn hay tiêu chuẩn về nông sản nói chung và gạo quốc gia nói riêng cần có Hội đồng gồm các chuyên gia đánh giá, thẩm định các yêu cầu về kỹ thuật, kinh tế-xã hội… để đảm bảo xác định rõ yêu cầu lý thuyết và thực tế cho việc xây dựng một tiêu chuẩn/quy chuẩn.
Tuy nhiên, riêng đối với nội dung liên quan đến rà soát thủ tục hành chính, ngày 16-6-2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5722/VPCP-KSTT cho rằng việc quy định thủ tục chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam tại Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 1499 nói trên của Bộ NN&PTNT có chứa thủ tục hành chính và chưa đảm bảo các tiêu chí quy định thủ tục hành chính để thực hiện.
Vì vậy, việc triển khai, sử dụng nhãn hiệu gạo Việt Nam tại thị trường trong nước đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Mặt khác, do Quyết định 1499/QĐ-BNN-CBTTNS không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên chưa giao đơn vị quản lý sử dụng để triển khai cấp thủ tục sử dụng Nhãn hiệu Gạo.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang là chủ sở hữu Nhãn hiệu Gạo Việt Nam. Trong thời gian từ năm 2019 đến 2021, đã có một số ý kiến về việc chuyển thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu/quyền quản lý sử dụng từ Bộ NN&PTNT cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Tuy nhiên, căn cứ Khoản 4 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 quy định: cơ quan/tổ chức quản lý sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cần phải có chức năng kiểm soát, chứng nhận sản phẩm, không tiến hành sản xuất kinh doanh….
Theo đó, việc chuyển nhượng quyền sở hữu Nhãn hiệu chứng nhận quốc gia GẠO VIỆT NAM/VIETNAM RICE sang cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam quản lý, sử dụng cần phải tiến hành sửa đổi Điều lệ hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nghĩa là cần bổ sung chức năng kiểm soát, chứng nhận sản phẩm trong Điều lệ hoạt động của Hiệp hội.
Do đó, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ NN&PTNT là chủ sở hữu Nhãn hiệu Gạo Việt Nam, cần trình Chính phủ một văn bản về quy phạm pháp luật đối với việc sử dụng và quản lý sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice.
Là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam nhưng việc thiếu thương hiệu gạo Quốc gia đủ mạnh ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm và việc mở rộng thị trường.
Để tháo gỡ khó khăn trên và xây dựng, phát triển thương hiệu Gạo Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ phương án để tháo gỡ các vướng mắc và sử dụng hiệu quả Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice, đề xuất phương án giao một đơn vị sự nghiệp để quản lý sử dụng Nhãn hiệu Gạo và có thể trình Chính phủ ban hành một Nghị định hoặc một Quyết định cấp Chính phủ về Quy chế sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam.